Đại biểu QH chất vấn các thành viên Chính phủ. |
Mở đầu phiên chất vấn, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh đã tập trung trả lời về việc điều hành giá cả, quản lý nợ nước ngoài, tiền lương lãnh đạo SCIC, bất cập trong thu, chi ngân sách...
Về vấn đề giá cả, Bộ trưởng thừa nhận một số mặt hàng trong diện quản lý giá của Nhà nước cần phải niêm yết công khai theo quy định của pháp luật về giá. Tuy nhiên đã có một số trường hợp không tuân thủ nguyên tắc này. Trước tình trạng này, các bộ liên quan đã tổ chức các cuộc kiểm tra, tuy nhiên không thể kiểm tra hết được. Để giải quyết vấn đề này, Bộ trưởng đã nêu lên trách nhiệm của UBND các địa phương trong việc quản lý giá trên địa bàn mình quản lý, trong đó có việc kiểm tra, thanh tra kiểm soát về đăng ký giá. Về giá thuốc tăng cao, Bộ trưởng Bộ Y tế được yêu cầu giải trình đã khẳng định vấn đề cử tri và đại biểu bức xúc là một số thuốc đặc trị, biệt dược... đã tăng mạnh là có thật. Ba Bộ: Tài chính, Y tế và Công Thương đã ban hành Thông tư về quản lý giá thuốc. Thanh tra liên ngành tăng cường công tác quản lý, thanh tra kiểm tra và các giải pháp để quản lý giá thuốc bước đầu đã phát huy tác dụng. Việc giá xăng dầu tăng nhanh nhưng giảm rất chậm, Bộ trưởng Bộ Tài chính giải trình khi giá xăng dầu thế giới tăng, lẽ ra phải điều chỉnh giá tăng lên thì Nhà nước bằng nhiều giải pháp về thuế, bù giá... nên giữ giá ổn định. Khi giá xăng dầu thế giới giảm, bình thường sẽ điều chỉnh giá xăng dầu xuống nhưng vì Nhà nước đã bù thuế, dùng Quỹ bình ổn giá nên phải giữ giá rồi mới điều chỉnh giá giảm để ổn định thị trường.
Về công nợ, cách trả nợ và biện pháp quản lý để tăng hiệu quả đầu tư, phát triển và giảm gánh nặng cho dân, Bộ trưởng cho biết: Nợ quốc gia của Việt Nam đến 31-12-2009 chiếm 38,9% GDP; nợ Chính phủ chiếm 41,9% GDP, trong đó nợ trong nước chiếm 41,2%, nợ nước ngoài chiếm 58,8%. Trong nợ nước ngoài 86,5% là các khoản vay trung và dài hạn với lãi suất ưu đãi, thời gian ân hạn lớn. Như vậy, cơ cấu nợ hiện tại là hợp lý, khá ổn định và tương đối bền vững; nhiều tổ chức đánh giá hệ số tín nhiệm quốc tế xếp nước ta vào nhóm các quốc gia có mức nợ nằm trong tầm kiểm soát và không nằm trong nhóm các nước có gánh nặng về nợ. Về quản lý vay nợ, Bộ trưởng khẳng định: Luật Ngân sách Nhà nước đã quy định rất chặt chẽ, bội chi ngân sách là chỉ cho đầu tư phát triển và nguồn bù đắp bội chi. Việc giảm bội chi sẽ được thực hiện dần trong những năm sau. Năm 2010, Chính phủ giao Bộ Tài chính phấn đấu, giảm bội chi xuống 6%, phấn đấu đến năm 2020 còn 3%.
Về việc các doanh nghiệp khó khăn trong vay vốn nhưng ngân hàng lại lãi lớn, Thống đốc Ngân hàng Nguyễn Văn Giàu được yêu cầu giải trình thêm cho biết: Theo thống kê, một số ngân hàng thương mại không tăng lợi nhuận so với năm 2008. Trước tình hình khó khăn, một số ngân hàng đẩy mạnh hoạt động ngoài tín dụng và lợi nhuận thu được từ những nguồn này cũng khá lớn.
Về vấn đề tiền lương cao của Tổng Cty SCIC, Bộ trưởng cho biết: SCIC là mô hình mới thành lập có đặc thù riêng. Về tiền lương cao của doanh nghiệp này có một phần là do nguyên nhân việc thông tin chưa đầy đủ. Thực ra trong phần thu nhập này còn có cả tiền làm thêm giờ, tiền đồng phục, tiền điện thoại, ăn trưa… Để SCIC hoạt động tốt, chúng tôi đã nghiên cứu và hoàn thành mô hình hoạt động phù hợp trình Chính phủ".
Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Hồ Nghĩa Dũng trả lời các đại biểu về các vấn đề hạn chế, yếu kém trong quản lý Nhà nước đối với các dự án, công trình giao thông: Bộ trưởng giải trình: Thời gian qua, Bộ GTVT đề ra nhiều giải pháp nâng cao chất lượng tiến độ các công trình dự án, phần lớn các dự án về chất lượng, tiến độ thực hiện được cải thiện. Tuy nhiên, nhiều dự án, công trình ở một số nơi chưa bảo đảm, có những dự án vừa đưa vào khai thác đã phải sửa chữa. Nguyên nhân do công tác chuẩn bị đầu tư của tư vấn thiết kế trong nhiều trường hợp chưa sâu sát, chưa đầy đủ và chất lượng chưa tốt, dẫn đến việc thiết kế phải khảo sát lại. Bên cạnh đó là năng lực tài chính của các doanh nghiệp yếu kém, cả trình độ công tác, tổ chức quản lý giám sát còn nhiều hạn chế. Đối với các dự án dùng vốn ngân sách trong nước, vai trò của tư vấn giám sát còn hạn chế làm giảm chất lượng công trình. Vừa qua, Bộ GTVT đã phân cấp chủ đầu tư dự án, bộ trực tiếp quản lý làm chủ đầu tư chỉ khoảng 14, 15 dự án có quy mô phức tạp, có tính chất liên vùng, liên ngành và phân cấp gần hết cho các Tổng Cty, các cục chuyên ngành và các địa phương. Điều đó nhằm hạn chế tối đa việc vừa ra quyết định đầu tư, vừa làm chủ đầu tư, dẫn đến việc thiếu giám sát chặt chẽ trong quá trình thực hiện dự án.
Giải trình về thắc mắc có sự lãng phí trong quá trình xây dựng đường Hồ Chí Minh và tuyến đường Láng - Hòa Lạc đang thi công. Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng cho rằng, về cơ bản giai đoạn 1 đường Hồ Chí Minh không vượt tổng dự toán, còn một số vốn dư của giai đoạn 1 và được sử dụng để tiếp tục kiên cố hóa công trình và tiếp tục thực hiện một số dự án đường ngang. Đối với tuyến đường Láng - Hòa Lạc, đã có sự tranh luận trong giới kỹ thuật, trong nội bộ của Bộ và trong các nhà tư vấn về xử lý hầm chui hoặc cầu vượt ở đường sắt. Bộ GTVT cho rằng, giải pháp làm hầm chui qua đường sắt là giải pháp thích hợp và thực hiện được. Đây là một giải pháp kỹ thuật kèm theo nhiều yếu tố khác, không phải do sự thiếu trách nhiệm gây ra lãng phí.
Vấn đề nhiều đại biểu quan tâm chất vấn là giao thông nông thôn (GTNT). Trả lời chất vấn này, Bộ trưởng cho biết việc đầu tư, tổ chức dự án, quản lý, duy tu đường GTNT ở địa phương thuộc trách nhiệm trực tiếp của địa phương. Bộ GTVT quản lý chung và ban hành tiêu chuẩn kỹ thuật các cấp đường, quy trình duy tu, bảo dưỡng. Ở nhiều vùng sâu, vùng xa, ngoài nguyên nhân khách quan do thiên tai khắc nghiệt còn do kinh phí đầu tư hạn chế, thiếu quan tâm yếu tố tiêu chuẩn kỹ thuật đường khi thi công. Về các dự án có nguồn vốn TW hỗ trợ, Bộ GTVT sẽ phối hợp các bộ liên quan để có nguồn vốn kịp thời phát triển dự án đường GTNT. Bộ GTVT cũng đã xây dựng và tham mưu cho Chính phủ có chiến lược phát triển GTNT, đặc biệt chú trọng các vùng, các xã xa xôi, hẻo lánh, điều kiện khó khăn, với mục tiêu nhựa hóa đường giao thông ở cấp xã, huyện và phấn đấu 100% đường GTNT đi được bốn mùa, và 80% - 90% được duy tu, bảo dưỡng. Riêng vấn đề ở Kon Tum, Bộ xin nhận khuyết điểm cùng với địa phương là chưa phát hiện vấn đề này. Và khẳng định: "Chúng tôi đã quyết định làm cầu treo qua sông và giao địa phương giải quyết ngay".
Bộ trưởng Bộ GTVT còn giải trình các vấn đề như chậm tiến độ thi công, giải ngân, quyết toán chậm, thiếu kiểm tra đôn đốc trong xây dựng hạ tầng giao thông; nhiều công trình trong quá trình thi công đã phát sinh bất cập; năng lực, chất lượng của một số tư vấn, thiết kế, nhà thầu thi công còn hạn chế; ách tắc giao thông do ảnh hưởng thi công, sửa chữa trên đường...
Trước khi giải trình các vấn đề cụ thể, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) trình bày báo cáo tổng hợp những vấn đề được nhiều đại biểu QH quan tâm tại kỳ họp này có liên quan tới trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ NNPTNT.
Trả lời về quá trình triển khai Nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành TW 7 về nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Bộ trưởng Cao Đức Phát trả lời: Vừa qua, Chính phủ đã kiểm điểm một năm thực hiện Nghị quyết TW 7 và đã có Nghị quyết tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành khẩn trương hoàn thành đúng tiến độ các đề án trong chương trình hành động của Chính phủ, đồng thời ưu tiên bố trí nguồn lực để triển khai thực hiện các chương trình, đề án cấp bách, phấn đấu đến năm 2015 có 20%, đến năm 2020 có 50% xã đạt tiêu chuẩn quốc gia về nông thôn mới. Trong năm 2010, tập trung chỉ đạo các xã đánh giá tình hình, lập Đề án xây dựng nông thôn mới; xây dựng quy hoạch, để làm cơ sở thực hiện trong những năm tiếp theo.
Giải trình về việc làm thế nào giải quyết mâu thuẫn giữa sản xuất nhỏ và thị trường lớn và hiệu quả liên kết "bốn nhà", Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết: Những giải pháp chính Bộ NNPTNT đang triển khai là tập trung quy hoạch các vùng sản xuất tập trung, trên cơ sở đó cùng với các địa phương hướng dẫn bà con nông dân sản xuất theo quy trình thống nhất. Mặt khác, tiếp tục thực hiện chủ trương của Đảng và Chính phủ về việc khuyến khích hình thành các hình thức hợp tác trong sản xuất nông nghiệp và hợp tác xã. Vấn đề khuyến khích hình thức liên kết bốn nhà, trước hết là giữa doanh nghiệp và nông dân thông qua các hợp đồng cần được quan tâm hơn.
Liên quan đến việc cho thuê đất trồng rừng, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết, đã báo cáo QH số liệu tổng hợp tới cuối năm 2009 là 10 địa phương đã xem xét và có văn bản chấp thuận các dự án đầu tư trên tổng diện tích 305.353 ha. Nhưng đây mới là chấp thuận chủ trương. Trên thực tế mới có văn bản giao để cho thuê 50 năm là 15.664 ha và đồng ý để liên doanh, liên kết giữa các doanh nghiệp trong nước và bà con nông dân trong nước với các nhà đầu tư trên diện tích 18.160 ha. Trên thực tế các nhà đầu tư đã trồng 15.183 ha, khoanh nuôi 542 ha. Có thông tin thiếu chính xác là Chính phủ đã cho thuê 305.353 ha, thực tế chúng ta mới cho thuê dài hạn là 15.664 ha. Theo quan điểm của Bộ NNPTNT, cách đây 10 năm tình hình của đất nước ta còn nhiều khó khăn, đất trống đồi núi trọc nhiều. Vì thế đã có chủ trương và được thể hiện trong các luật là khuyến khích đầu tư nước ngoài vào trồng rừng, nhất là ở vùng sâu, vùng xa; coi đây là lĩnh vực ưu tiên. Tuy nhiên, hiện nay nhiều doanh nghiệp trong nước và nhân dân cũng có nguyện vọng trồng rừng, trong khi đất đai để trồng rừng ngày càng ít. Vì thế phải cân nhắc việc cho thuê đất rừng. Nhưng việc giải quyết những trường hợp các nhà đầu tư đã đến, các địa phương đã có cam kết, cần thực hiện theo đúng các quy định của luật pháp.
Liên quan nội dung về cho thuê đất rừng, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh của QH Lê Quang Bình nêu rõ thực tại và đề nghị các địa phương không cấp giấy chứng nhận đầu tư mới và không ký hợp đồng cho thuê đối với các dự án đã đầu tư nước ngoài trong phạm vi các lĩnh vực nêu trên. Đồng thời, khẩn trương giao đất còn lại cho hộ gia đình cá nhân và các công ty trong nước để đầu tư trồng rừng. Ủy ban Quốc phòng - An ninh của QH đề nghị Chính phủ cần xem xét lại việc phân cấp, nếu giao cho các địa phương thì Chính phủ phải có cơ chế kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ.
Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) Hoàng Tuấn Anh trả lời chất vấn của đại biểu về trách nhiệm quản lý Nhà nước về các dịch vụ văn hoá đặc biệt là trò chơi trực tuyến. Bộ trưởng cho rằng, Bộ phối hợp các bộ, ngành, đoàn thể và địa phương tổ chức kiểm tra, xử lý các hiện tượng sai phạm. Đồng thời tập trung tuyên truyền, giáo dục, vận động thực hiện hiệu quả cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa mới ở khu dân cư và tập trung xử lý các game online bạo lực... Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Lê Doãn Hợp nói rõ thêm vấn đề này. Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp các ngành biên soạn Dự thảo Quy chế về quản lý game online bạo lực. Quản lý chặt chẽ hơn không chỉ đối với đơn vị cung cấp dịch vụ game online mà cả với người chơi tùy theo lứa tuổi. Trước mắt, hạn chế các tụ điểm game online bạo lực khu vực chung quanh các trường học, nhằm tránh tác động xấu của nó đến tầng lớp thanh, thiếu niên, học sinh... Liên quan vấn đề này, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân phát biểu ý kiến nêu rõ, vừa qua, ngành giáo dục - đào tạo phối hợp các cơ quan chức năng kiểm tra các tụ điểm game online ở gần các trường học của năm đô thị lớn, nhận thấy, hơn 70% nội dung trò chơi này có hành động bạo lực, mà không có chế tài gì; 9% nội dung liên quan đánh bạc; 14% liên quan bóng đá, đua xe...
Về vấn đề xã hội hoá lễ hội, Bộ trưởng cho biết Bộ đã có giải pháp khắc phục các hạn chế thời gian tới là tập trung nâng cao nhận thức, năng lực tổ chức và quản lý lễ hội của các cấp, các ngành. Đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền, giáo dục, phổ biến phù hợp từng đối tượng. Cơ chế và phương thức quản lý lễ hội phù hợp quy mô, tính chất, đặc điểm của từng lễ hội, bảo đảm nguyên tắc nhà nước chỉ đạo, quản lý, nhân dân thực hiện, xã hội hóa lễ hội nhưng không buông lỏng quản lý. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm... Việc ban hành Luật về lễ hội, Bộ đang nghiên cứu, tham mưu Chính phủ ban hành quy định về kỷ niệm các ngày lễ lớn, nghi thức trao tặng các danh hiệu Nhà nước... Theo đó, quy định cụ thể trường hợp lễ kỷ niệm quy mô nào, ở cấp nào sẽ được tổ chức, chỉ tập trung làm lớn trong những năm chẵn. Theo Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh, quốc lễ là lễ hội lớn của quốc gia và Nhà nước phải đứng ra tổ chức, không phải lễ hội nào cũng xã hội hóa tràn lan. Tuy nhiên phải tiết kiệm, tần suất tổ chức lễ hội hợp lý. Liên quan đến khu vui chơi giải trí dành cho trẻ em, nhất là ở vùng sâu, vùng xa các đại biểu chất vấn Bộ VHTTDL với vai trò quản lý vĩ mô trình Thủ tướng Chính phủ quy hoạch tổng thể về thiết chế thể thao, văn hóa trong toàn quốc, trong đó quy định rõ ở các thành phố lớn, các tỉnh có bao nhiêu nhà văn hóa, nhà thi đấu, khu vui chơi giải trí; trên cơ sở đó các địa phương triển khai xây dựng. Bộ trưởng khẳng định, chủ trương của Đảng, Nhà nước lúc nào cũng quan tâm tạo điều kiện tốt nhất cho trẻ em, thế hệ tương lai của đất nước. Do đó, trong điều kiện hiện nay, bên cạnh nguồn vốn từ ngân sách của Nhà nước, rất cần xã hội hóa, sự đóng góp của các nhà hảo tâm.
Về giải pháp thúc đẩy du lịch, Bộ phối hợp các cơ quan chức năng, địa phương tập trung tuyên truyền, quảng bá hình ảnh Việt Nam, đầu tư cơ sở hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực trên lĩnh vực du lịch; xây dựng các sản phẩm du lịch đáp ứng yêu cầu của du khách trong và ngoài nước.
Bộ trưởng Bộ VHTTDL còn giải trình những vấn đề về những sai phạm trong quản lý di sản văn hoá; việc ban hành các văn bản pháp quy để thực hiện tốt hơn công tác quản lý Nhà nước về văn hoá, thể thao và du lịch.
Quốc hội tiếp tục làm việc./.