Ngày 4-7, tại Khu công nghiệp Dệt may Rạng Ðông (Nghĩa Hưng), UBND tỉnh tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư Ðài Loan - Việt Nam trong lĩnh vực Dệt, May. Ðồng chí Ngô Gia Tự, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; lãnh đạo Sở Xây dựng, Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh, Văn phòng UBND tỉnh, Công ty Cổ phần Ðầu tư xây dựng hạ tầng Khu công nghiệp Dệt, May Rạng Ðông, đại diện các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực Dệt, May của Ðài Loan, Trung Quốc...
Đồng chí Ngô Gia Tự, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh và các đại biểu đoàn doanh nghiệp Đài Loan, Trung Quốc sang khảo sát cơ hội đầu tư tại tỉnh ta. |
Ðại diện nhà đầu tư được nghe giới thiệu những tiềm năng, thế mạnh của tỉnh Nam Ðịnh trong thu hút đầu tư phát triển sản xuất công nghiệp nói chung và ngành Dệt, May nói riêng. Nam Ðịnh là tỉnh đồng bằng ven biển, ở trung tâm vùng nam đồng bằng sông Hồng của Việt Nam, là mảnh đất phì nhiêu, trù phú; có diện tích tự nhiên 1.678km2, dân số gần 2 triệu người, bờ biển dài 72km. Năm 2018, tỷ trọng các ngành công nghiệp, xây dựng, dịch vụ trong cơ cấu kinh tế chiếm 78,5%; các ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản chỉ chiếm 21,5%. Kết quả trên có sự đóng góp rất lớn của các doanh nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp Ðài Loan đang sản xuất, kinh doanh hiệu quả tại tỉnh Nam Ðịnh, tiêu biểu như Công ty Trách nhiệm hữu hạn Yamani Dynasty, Công ty Cổ phần Dệt Bảo Minh. Hiện nay tại tỉnh Nam Ðịnh có 11 dự án của các nhà đầu tư Ðài Loan với tổng vốn đầu tư 178,3 triệu USD; riêng trong các khu công nghiệp có 3 dự án với tổng vốn đầu tư là 107,2 triệu USD; lĩnh vực đầu tư sản xuất, kinh doanh chủ yếu là dệt, may, da giày. Toàn tỉnh có 9 khu công nghiệp và 56 cụm công nghiệp được đưa vào quy hoạch, tổng diện tích 3.670ha; trong đó 2.082ha đất khu công nghiệp và 1.588ha đất thuộc các cụm công nghiệp. Ðến nay đã có 4 khu công nghiệp được triển khai đầu tư với tổng diện tích đất công nghiệp là 1.110ha, hoàn toàn có khả năng đáp ứng nhu cầu về đất cho các dự án có quy mô lớn. Trong đó, Khu công nghiệp Dệt May Rạng Ðông (Nghĩa Hưng) được khởi công từ năm 2017, với diện tích giai đoạn 1 gần 600ha, hiện nay đang trong giai đoạn xây dựng hạ tầng kỹ thuật, sẵn sàng bàn giao mặt bằng sạch với đầy đủ hạ tầng kỹ thuật cho nhà đầu tư thứ cấp. Dự kiến đến năm 2025, Khu công nghiệp Dệt May Rạng Ðông sẽ là nơi sản xuất vải với công suất lên đến khoảng 2 tỷ mét/năm, là nguồn cung cấp vải nội địa, đáp ứng đủ nhu cầu của doanh nghiệp may mặc trong nước. Khu công nghiệp Dệt May Rạng Ðông có vị trí địa lý thuận lợi, cách Thành phố Nam Ðịnh 50km, cách đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình 46km theo đường trục phát triển kết nối Vùng kinh tế biển tỉnh Nam Ðịnh với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình. Khu công nghiệp Dệt May Rạng Ðông ở vị trí tiếp giáp với Biển Ðông, khoảng cách đường biển từ Cảng biển Hải Thịnh (sát Khu công nghiệp) tới cảng Hải Phòng khoảng 100km, đây là một ưu thế trong việc vận chuyển hàng hóa bằng đường thủy.
Ðại diện các doanh nghiệp Ðài Loan được nghe giải đáp cụ thể những nội dung về cơ chế, chính sách ưu đãi thu hút đầu tư vào tỉnh Nam Ðịnh. Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh khẳng định tỉnh Nam Ðịnh luôn sẵn sàng chào đón các nhà đầu tư nhất là các nhà đầu tư nước ngoài. Lãnh đạo tỉnh cam kết khi đầu tư tại tỉnh Nam Ðịnh các nhà đầu tư sẽ nhận được sự giúp đỡ trách nhiệm nhất, được hưởng đầy đủ các ưu đãi theo quy định của pháp luật Việt Nam và của tỉnh Nam Ðịnh đã ban hành. UBND tỉnh cam kết sẽ cung cấp đến chân hàng rào khu công nghiệp các dịch vụ như: viễn thông, điện, cấp nước sạch… Ngoài ra tỉnh cũng đang đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính thông qua hệ thống một cửa điện tử, phát huy tối đa vai trò hỗ trợ nhà đầu tư của Trung tâm Xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh (là cơ quan đầu mối duy nhất hướng dẫn, tiếp nhận và trả kết quả thủ tục hành chính cho nhà đầu tư). Tỉnh Nam Ðịnh luôn đồng hành cùng các nhà đầu tư, coi các nhà đầu tư là những công dân danh dự tích cực của tỉnh; mong muốn chào đón các doanh nghiệp Ðài Loan đến đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh tại tỉnh Nam Ðịnh, đặc biệt là đầu tư vào Khu công nghiệp Dệt May Rạng Ðông; đồng thời đề nghị các doanh nghiệp trong đoàn khảo sát sẽ giới thiệu thêm các đối tác đến đầu tư./.
Tin, ảnh: Thành Trung