Ngày 29-4-2016, tại Thành phố Hồ Chí Minh đã diễn ra Hội nghị trực tuyến của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc với doanh nghiệp năm 2016 với chủ đề: “Doanh nghiệp Việt Nam - Động lực phát triển kinh tế của đất nước”. Tham dự Hội nghị có các Phó Thủ tướng: Trương Hòa Bình, Vương Đình Huệ, Vũ Đức Đam, Trịnh Đình Dũng. Cùng dự Hội nghị có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Đinh La Thăng, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh; Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an; Nguyễn Hòa Bình, Chánh án TAND Tối cao; Lê Minh Trí, Viện trưởng Viện KSND Tối cao; lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương... và đại diện hàng trăm doanh nghiệp trong cả nước. Ở điểm cầu tỉnh ta có các đồng chí: Phạm Đình Nghị, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí Ủy viên Ban TVTU: Ngô Gia Tự, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; Trần Anh Dũng, Giám đốc Sở KH và ĐT; đồng chí Nguyễn Phùng Hoan, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, lãnh đạo các sở, ngành và các doanh nghiệp.
Đồng chí Phạm Đình Nghị, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh và các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh ta. |
Chủ đề của hội nghị cũng chính là thông điệp của Thủ tướng Chính phủ: Doanh nghiệp là động lực phát triển kinh tế đất nước. Chính phủ tạo điều kiện thuận lợi nhất để khởi nghiệp kinh doanh, thúc đẩy các doanh nghiệp phát triển cả về số lượng và chất lượng. Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ vui mừng được đón các cơ quan chức năng và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam dự hội nghị. Thủ tướng cho rằng, trong thời gian qua, dù Đảng, Nhà nước đã có nhiều chính sách tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp phát triển, tuy nhiên thực tiễn vẫn tồn tại nhiều khó khăn, vướng mắc. Chính vì vậy, Chính phủ mong muốn lắng nghe doanh nghiệp phản ánh những khó khăn, vướng mắc, hiến kế để Chính phủ cùng các cơ quan liên quan tháo gỡ. Quan điểm của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ là thực hiện đúng Hiến pháp, đổi mới cách lãnh đạo. Chính phủ và các cơ quan Nhà nước bảo vệ quyền tài sản, quyền kinh doanh của doanh nghiệp, của công dân, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển, không chỉ trong nước mà còn xuất khẩu, chiếm lĩnh thị trường quốc tế. Hội nghị đã nghe báo cáo của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) về tình hình hoạt động của các doanh nghiệp, hiến kế tạo môi trường kinh doanh thuận lợi lành mạnh và bình đẳng, nêu các kiến nghị của doanh nghiệp và VCCI. Sau khi nghe kiến nghị của các doanh nghiệp, ý kiến của các bộ, ngành và các Phó Thủ tướng Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chứng kiến lễ ký cam kết tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh và thu hút đầu tư giữa UBND Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội với VCCI.
Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ chân thành cảm ơn các cơ quan, bộ, ngành Trung ương; lãnh đạo 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và trên 10 nghìn doanh nghiệp trong cả nước đã dự hội nghị với khí thế sôi nổi, hào hứng. Bên cạnh những nỗ lực của Chính phủ và các bộ, ngành liên quan trong việc tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh, thu hút đầu tư, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh một số điểm còn tồn tại như: việc ban hành các văn bản hướng dẫn còn chậm, có trường hợp văn bản hướng dẫn không rõ ràng dẫn đến nhiều cách hiểu khác nhau ảnh hưởng đến việc thực thi văn bản; chưa có cơ chế hiệu quả khuyến khích doanh nghiệp đột phá trong phát triển sản xuất, kinh doanh; công tác cổ phần hóa doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế Nhà nước còn nhiều vướng mắc về cơ chế; tình trạng phí chồng phí, thanh tra, kiểm tra chồng chéo và một số cán bộ, đảng viên tiêu cực, gây phiền hà làm mất nhiều thời gian, chi phí của doanh nghiệp; công tác cải cách hành chính chưa đạt mục tiêu đề ra… Để khắc phục những vấn đề nêu trên, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh: Chính phủ, Nhà nước cam kết sẽ bảo vệ quyền lợi chính đáng, đảm bảo quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật; tất cả các doanh nghiệp không phân biệt quy mô, loại hình (trừ một số doanh nghiệp an ninh, quốc phòng), thành phần kinh tế… bình đẳng trong việc tiếp cận các nguồn lực như: vốn, tài nguyên, đất đai, thị trường và cơ hội kinh doanh. Nhà nước đảm bảo sự ổn định lâu dài của chính sách và các cơ chế ưu đãi khuyến khích doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh và thu hút đầu tư. Chính phủ cam kết sẽ đề ra các giải pháp quyết liệt để xóa bỏ các rào cản về cơ chế, chính sách nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp hoạt động theo tinh thần: Nhà nước kiến tạo, cung cấp dịch vụ cho người dân và doanh nghiệp, lấy người dân và doanh nghiệp là đối tượng phục vụ; kiên quyết xử lý các kiến nghị, tháo gỡ những khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp trong quá trình sản xuất, kinh doanh; Chính phủ sẽ ngăn chặn việc hình sự hóa các quan hệ kinh tế tạo niềm tin cho nhà đầu tư sản xuất, kinh doanh… Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ lưu ý doanh nghiệp một số vấn đề: doanh nghiệp phải chủ động xây dựng chiến lược hội nhập kinh tế quốc tế theo hướng xây dựng văn hóa hội nhập, văn hóa doanh nghiệp - doanh nhân…
Tin, ảnh: Thành Trung