* Hướng dẫn lấy ý kiến nhận xét và tín nhiệm của cử tri nơi cư trú đối với người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp
Chiều 21-3-2016, Ủy ban bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND tỉnh tổ chức họp kiểm điểm công tác chuẩn bị cho cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và bầu cử đại biểu HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2016-2021. Đồng chí Đoàn Hồng Phong, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban bầu cử tỉnh chủ trì cuộc họp. Tham dự cuộc họp có các đồng chí: Trần Văn Chung, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban bầu cử tỉnh; Phạm Đình Nghị, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Chủ tịch Ủy ban bầu cử tỉnh; các đồng chí Ủy viên Ban TVTU: Nguyễn Viết Hưng, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, Phó Chủ tịch Ủy ban bầu cử tỉnh; Đặng Xuân Hùng, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh, Phó Chủ tịch Ủy ban bầu cử tỉnh; Ngô Gia Tự, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; Bùi Xuân Đức, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy; Phan Văn Tình, Chủ nhiệm UBKT Tỉnh ủy; Đặng Văn Sinh, Giám đốc Công an tỉnh; Phạm Thị Thu Hằng, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy và các đồng chí Ủy viên Ủy ban bầu cử tỉnh.
Đồng chí Đoàn Hồng Phong, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban bầu cử tỉnh phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: Văn Trọng |
Thực hiện sự chỉ đạo của Trung ương, thời gian qua, công tác chuẩn bị cho cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND tỉnh nhiệm kỳ 2016-2021 của tỉnh đã được triển khai nghiêm túc, với tinh thần khẩn trương, dân chủ, bình đẳng, đúng luật. Ngay sau hội nghị toàn quốc triển khai công tác bầu cử, tỉnh đã tích cực chuẩn bị và triển khai các công việc như: thành lập Uỷ ban bầu cử tỉnh gồm 29 thành viên do đồng chí Bí thư Tỉnh ủy làm Chủ tịch Uỷ ban bầu cử; thành lập 3 ban bầu cử ở 3 đơn vị bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV gồm 45 thành viên. Cấp ủy và UBND các cấp cũng đã thành lập và công bố Ban chỉ đạo bầu cử và Ủy ban bầu cử ở 3 cấp với tổng số 240 ủy viên và 2.659 thành viên. Tính đến thời điểm này, tỉnh đã hoàn thành hội nghị hiệp thương lần thứ hai và thống nhất danh sách sơ bộ những người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV là 15 người; danh sách sơ bộ người ứng cử đại biểu HĐND tỉnh khóa XVIII là 129 người; danh sách sơ bộ người ứng cử đại biểu HĐND huyện, thành phố là 716 người; danh sách sơ bộ người ứng cử đại biểu HĐND xã, phường, thị trấn là 11.481 người. Số lượng, thành phần, cơ cấu đại biểu bảo đảm theo quy định. Công tác chuẩn bị các điều kiện phục vụ bầu cử được tích cực triển khai. UBND tỉnh và Ủy ban bầu cử tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng in 1.191 bộ tài liệu về bầu cử, 9.000 cuốn tài liệu nghiên cứu phục vụ bầu cử cấp phát cho các ngành, địa phương; in 14 nghìn bộ hồ sơ gửi cho người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp để lập hồ sơ ứng cử theo quy định; khắc 3.066 con dấu các loại… phục vụ bầu cử ở các địa phương. Bên cạnh đó, công tác bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội; công tác tuyên truyền; công tác giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo về bầu cử được các cấp, các ngành tập trung thực hiện, góp phần tích cực bảo đảm công tác bầu cử được triển khai thực hiện theo đúng kế hoạch và bảo đảm quy định của pháp luật.
Để công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 bảo đảm theo kế hoạch, Ủy ban bầu cử tỉnh đã xác định những nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới như: Thành lập các đoàn kiểm tra công tác bầu cử tại các địa phương. Chỉ đạo UBND xã, phường, thị trấn thống nhất với Thường trực HĐND và ban thường trực Ủy ban MTTQ cùng cấp quyết định thành lập ở mỗi khu vực bỏ phiếu một tổ bầu cử để thực hiện công tác bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp, chậm nhất trước ngày 2-4-2016. Chỉ đạo UBND xã, phường, thị trấn thành lập danh sách cử tri, niêm yết danh sách cử tri chậm nhất trước ngày 12-4-2016. Tiến hành tổ chức hội nghị hiệp thương lần thứ ba chậm nhất trước ngày 17-4-2016. Tổ chức hội nghị gặp mặt ứng cử viên đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp để chuẩn bị cho các cuộc tiếp xúc cử tri để các ứng cử viên thực hiện quyền vận động bầu cử. Chỉ đạo các xã, thị trấn viết và cấp phát thẻ cử tri. Xây dựng văn bản hướng dẫn những công việc chủ yếu thực hiện trước, trong và sau ngày bầu cử (22-5-2016) để tập huấn cho các thành viên tổ bầu cử trong toàn tỉnh. Tập trung giải quyết tốt đơn thư khiếu nại, tố cáo của nhân dân theo phân cấp có liên quan đến công tác bầu cử. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về công tác bầu cử trên các phương tiện thông tin đại chúng, đồng thời kẻ vẽ khẩu hiệu, pa-nô, áp phích tuyên truyền về ngày bầu cử. Thực hiện tốt công tác bảo đảm an ninh, trật tự trước, trong và sau bầu cử theo kế hoạch. Kiểm tra cơ sở vật chất như hòm phiếu, con dấu và địa điểm các khu vực bỏ phiếu.
Phát biểu kết luận cuộc họp, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban bầu cử tỉnh đánh giá cao công tác triển khai các công việc chuẩn bị cho cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XIV và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 trên địa bàn toàn tỉnh. Đồng chí đề nghị thời gian tới, các thành viên Ủy ban bầu cử tỉnh tập trung cao độ, dành nhiều thời gian, nhiều đợt kiểm tra đôn đốc các đơn vị bầu cử theo địa bàn đã được phân công phụ trách để nắm bắt tình hình, kịp thời chỉ đạo các đơn vị thực hiện tốt công tác bầu cử. Sở Nội vụ, Ủy ban MTTQ tỉnh tăng cường hướng dẫn nghiệp vụ bầu cử cho các huyện để triển khai thực hiện tốt cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 theo quy định. Tăng cường công tác tuyên truyền về bầu cử trên các phương tiện thông tin đại chúng bằng nhiều hình thức, thời lượng để các thông tin về cuộc bầu cử đến được với đông đảo nhân dân. Các cơ quan chức năng tham mưu giúp Ủy ban bầu cử tỉnh giải quyết kịp thời các đơn thư khiếu nại, tố cáo liên quan đến công tác bầu cử theo đúng quy định của pháp luật. Đồng thời tăng cường công tác giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo đảm cho cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XIV và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 trên địa bàn tỉnh diễn ra an toàn, đúng pháp luật, thực sự là ngày hội của toàn dân.
Cũng trong chiều 21-3-2016, Ủy ban MTTQ tỉnh tổ chức hội nghị hướng dẫn lấy ý kiến nhận xét và tín nhiệm của cử tri nơi cư trú đối với người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2016-2021. Dự hội nghị có đồng chí Đặng Xuân Hùng, Ủy viên Ban TVTU, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh; đại diện lãnh đạo các cơ quan, tổ chức, đơn vị có người ứng cử đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh; đại diện Ban Thường trực Ủy ban MTTQ các huyện, xã, thị trấn nơi có người ứng cử.
Tại hội nghị, các đại biểu đã được nghe đại diện Ủy ban MTTQ tỉnh hướng dẫn trình tự tổ chức lấy ý kiến nhận xét và tín nhiệm của cử tri nơi cư trú. Căn cứ theo quy định tại Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức chính quyền địa phương thì tiêu chuẩn của đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND như sau: Đối với đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND, người ứng cử phải đảm bảo các tiêu chuẩn của đại biểu Quốc hội được quy định tại Điều 22 Luật Tổ chức Quốc hội và Điều 7 Luật Tổ chức chính quyền địa phương, đó là trung thành với Tổ quốc, nhân dân và Hiến pháp, phấn đấu thực hiện công cuộc đổi mới vì mục tiêu dân giàu nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh; có phẩm chất đạo đức tốt, có trình độ văn hóa, chuyên môn, có đủ năng lực, sức khỏe, kinh nghiệm công tác… Những trường hợp không được ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND quy định tại Điều 37 Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND, đó là người đang bị tước quyền ứng cử theo bản án, quyết định của tòa án đã có hiệu lực pháp luật, người đang chấp hành hình phạt tù, người bị hạn chế hoặc mất năng lực hành vi dân sự; người đang bị khởi tố bị can, người đang chấp hành bản án, quyết định hình sự của tòa án… Hội nghị lấy ý kiến cử tri nơi cư trú do Ban Thường trực Ủy ban MTTQ cấp xã phối hợp với UBND cùng cấp triệu tập và chủ trì. Thành phần dự hội nghị gồm đại diện cấp ủy, UBND xã, phường, thị trấn; Chủ tịch, Phó Chủ tịch HĐND xã, phường, thị trấn; đại diện Ban Thường trực Ủy ban MTTQ cấp trên; đại diện cơ quan, tổ chức có người ứng cử và cử tri nơi người được giới thiệu ứng cử cư trú. Nơi có dưới 100 cử tri thì tổ chức hội nghị toàn thể nhưng phải đảm bảo trên 50% số cử tri tham dự. Nơi có từ 100 cử tri trở lên thì phải đảm bảo ít nhất 55 cử tri tham dự. Thời gian tổ chức được tiến hành từ ngày 20-3-2016 đến 12-4-2016 theo quy định tại Điều 45 và Điều 46 của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND và chương I Nghị quyết số 1134/2016/UBTVQH13 ngày 18-1-2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Hội nghị lấy ý kiến tín nhiệm của cử tri đối với người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp là bước quan trọng nhằm phát huy quyền làm chủ của cử tri, tạo điều kiện để cử tri đóng góp ý kiến và bày tỏ tín nhiệm đối với người ứng cử./.
Văn Trọng và Văn Huỳnh