Ngày 25-4-2013, đồng chí Nguyễn Văn Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh đã đi kiểm tra công tác phòng, chống dịch lợn tai xanh tại huyện Trực Ninh. Cùng đi với đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh có Giám đốc Sở NN và PTNT, lãnh đạo Chi cục Thú y và Văn phòng UBND tỉnh.
Dịch lợn tai xanh xuất hiện từ ngày 27-3-2013, đến nay dịch đã phát sinh ở 24 xã, thị trấn của 2 huyện Xuân Trường và Trực Ninh. Tổng số lợn ốm 17.572 con tại 3.072 hộ của 318 thôn, xóm. Tổng số lợn đã phải tiêu huỷ 7.277 con với tổng trọng lượng 130.533kg. Trong đó huyện Trực Ninh có 15 xã, thị trấn có dịch lợn tai xanh với 14.333 con lợn ốm của 2.605 hộ, tổng số lợn phải tiêu huỷ 5.550 con với trọng lượng 99.766kg.
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh trao đổi với hộ chăn nuôi ở xã Trực Cường về các biện pháp phòng chống dịch lợn tai xanh. Ảnh: Tất Thắc. |
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đã đi kiểm tra tại xã Trực Chính là xã duy nhất không có dịch tại miền 4, vùng uy hiếp của huyện Trực Ninh. Đồng chí đã đến kiểm tra trực tiếp các hộ chăn nuôi lớn của xã: Gia đình ông Trần Trung Thực, xóm Thái Học nuôi 120 con lợn; gia đình ông Nguyễn Văn Nam, xóm Thái Học nuôi 80 con lợn… hiện tại lợn khoẻ, không có lợn bị bệnh. Qua trao đổi trực tiếp với các hộ nuôi về biện pháp chăm sóc, bảo vệ đàn lợn, công tác khử trùng, tiêu độc khu chăn nuôi bằng vôi và phun thuốc, đồng chí Chủ tịch rút kinh nghiệm ngay những thiếu sót của gia đình trong tổ chức chăn nuôi cũng như triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn chăn nuôi của gia đình.
Sau khi nghe báo cáo của UBND huyện Trực Ninh, UBND xã Trực Cường báo cáo về công tác triển khai, tổ chức phòng, chống và dập dịch tại địa phương, cũng như ngành Thú y, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định dịch lợn tai xanh năm nay phát sinh sớm, diễn biến phức tạp, tổng số lợn mắc bệnh lớn, số lợn phải tiêu huỷ nhiều. Bộ NN và PTNT và Cục Thú y đã hỗ trợ thuốc khử trùng, tiêu độc, vắc xin phòng, dập dịch và chỉ đạo sâu sát; tỉnh, ngành NN và PTNT và các địa phương đã triển khai phòng, dập dịch quyết liệt với nhiều giải pháp đồng bộ, nên đến nay mặc dù có lây lan dịch bệnh tại các xã nhưng dịch cũng chưa lây lan sang huyện khác. Tuy nhiên công tác phòng, dập dịch trong thời gian vừa qua còn nhiều thiếu sót như công tác tuyên truyền chưa làm rõ trách nhiệm của các cấp, nhất là cấp xóm và cấp xã. Còn để người chăn nuôi trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Một số xã và nhiều thôn (xóm) chưa chấp hành nghiêm quy định tiêm phòng vắc xin vụ xuân và tiêm vắc xin dập dịch tai xanh, trước hết trách nhiệm thuộc về Chủ tịch UBND xã, trưởng thôn (xóm); các chốt kiểm dịch cũng duy trì chưa nghiêm nên còn để hiện tượng vận chuyển gia súc từ vùng có dịch ra vùng khác, cá biệt còn để hiện tượng vứt xác lợn chết ra kênh, mương. Các hộ chăn nuôi và các địa phương có dịch chấp hành hướng dẫn phòng, dập dịch chưa nghiêm nên cả 2 huyện đều chưa khống chế được dịch. Đồng chí giao nhiệm vụ cho Sở NN và PTNT ngay trong ngày 25-4 tham mưu cho Chủ tịch UBND tỉnh ra chỉ thị, trong đó nhấn mạnh công tác tuyên truyền, không chỉ chống dịch lợn tai xanh mà cả chống dịch cúm gia cầm H5N1; nêu rõ trách nhiệm của trưởng xóm, của Chủ tịch UBND xã trong việc phòng, dập dịch; nghiên cứu vùng uy hiếp và vùng có nguy cơ cao để xác định cơ số thuốc, tham mưu cho UBND tỉnh việc hỗ trợ của tỉnh, khu vực nào phải huy động nhân dân; phối hợp với Sở Tài chính và các huyện, xã thống kê chính xác số lượng gia súc, gia cầm; số lượng lợn chết, tiêu hủy, trọng lượng và công khai ở xã, xóm; báo cáo tình hình dập dịch với Bộ NN và PTNT, Cục Thú y. Giao cho Chủ tịch UBND các huyện dùng ngân sách dự phòng của huyện cùng với ngân sách dự phòng của tỉnh phối hợp dập dịch. Ngay sau buổi kiểm tra, Sở NN và PTNT tham mưu cho tỉnh thành lập Ban chỉ đạo phòng, dập dịch tiền phương do đồng chí Giám đốc Sở làm trưởng ban, đặt tại huyện Hải Hậu; tiếp tục duy trì các đoàn kiểm tra liên ngành, đặt dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Ban chỉ đạo tiền phương. Cần xác định dập dịch tai xanh là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, hàng đầu và phấn đấu đầu tháng 5-2013 phải dập được dịch.
Dịch tai xanh trên đàn lợn của tỉnh đang diễn biến phức tạp và có nguy cơ lây lan rộng, tuy nhiên công tác phòng, chống dịch tai xanh ở một số địa phương còn nhiều tồn tại, hạn chế, bất cập nhất là thống kê tổng đàn lợn, số lợn ốm chết và tiêm chưa đúng quy trình, tiêm phòng chưa triệt để cho đàn lợn, chưa quản lý chặt chẽ công tác tiêm phòng; công tác vệ sinh tiêu độc, khử trùng chưa tốt; vẫn còn tình trạng vứt xác lợn chết ra sông, ngòi; một số chốt kiểm dịch không đủ cán bộ trực và không trực đủ thời gian theo quy định.
Để khoanh vùng dập dịch và không để dịch lây lan ra diện rộng tại Công văn số 198/UBND-VP3 ngày 24-4-2013, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, Giám đốc Sở NN và PTNT, thủ trưởng các sở, ngành liên quan thực hiện nghiêm chỉnh chỉ đạo tại Công văn số 1314/BNN-TY ngày 18-4-2013 của Bộ NN và PTNT và các văn bản của UBND tỉnh về phòng, chống dịch tai xanh trên đàn lợn. Hai đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh và các đoàn kiểm tra của các huyện, thành phố hoạt động liên tục cho đến khi công bố hết dịch tai xanh. Tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc, hướng dẫn việc thực hiện công tác phòng chống dịch tại các xã có dịch, xã vùng uy hiếp và vùng nguy cơ cao; phát hiện, kiến nghị xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm. UBND các huyện, thành phố báo cáo thường trực huyện ủy, thành ủy tập trung cao độ công tác lãnh đạo, chỉ đạo phòng chống dịch tai xanh, phân công lãnh đạo phụ trách từng xã. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát phát hiện dịch kịp thời, tập trung mọi nguồn lực nhanh chóng khoanh vùng dập tắt dịch, cách ly và xử lý lợn mắc bệnh, vệ sinh tiêu độc, khử trùng khu vực chăn nuôi và môi trường xung quanh. Chủ động sử dụng nguồn kinh phí của huyện và huy động đóng góp của hộ chăn nuôi để mua đủ hóa chất, vôi bột tiêu độc, khử trùng và mua vắc xin tai xanh tiêm phòng cho 100% đàn lợn ở vùng uy hiếp và vùng có nguy cơ cao để bao vây ổ dịch. Kịp thời kiểm điểm, xử lý trách nhiệm đối với Chủ tịch UBND xã, thị trấn và cán bộ thôn xóm, thú y cơ sở không tập trung quyết liệt thực hiện các biện pháp phòng chống dịch tai xanh. Tạm dừng cấp giấy chứng nhận kiểm dịch lợn tại các huyện Trực Ninh, Xuân Trường, Giao Thủy, Hải Hậu, Nghĩa Hưng, Nam Trực để vận chuyển ra bên ngoài và tạm dừng việc giết mổ lợn sữa tại các cơ sở giết mổ lợn sữa xuất khẩu trong tỉnh cho đến khi công bố hết dịch tai xanh trên địa bàn tỉnh. Đối với các chốt kiểm dịch và đội kiểm tra liên ngành túc trực 24/24 giờ ở trục giao thông ra vào các xã có dịch để kiểm soát, xử lý nghiêm việc vận chuyển, giết mổ, mua bán lợn và sản phẩm từ lợn trong vùng dịch; tăng cường kiểm soát chặt chẽ hơn nữa ở các chốt kiểm dịch của tỉnh, huyện, xã. Bổ sung lực lượng và phương tiện cho chốt kiểm dịch tại phà Sa Cao theo quyết định của UBND tỉnh. Người tham gia chống dịch khi ra vào các hộ chăn nuôi phải mang bảo hộ và khử trùng tay, chân, giầy, dép, dụng cụ… bằng hóa chất nhằm phòng chống dịch bệnh lây lan. Tiếp tục triển khai đồng bộ và có hiệu quả Tháng vệ sinh tiêu độc, khử trùng trên địa bàn toàn huyện theo đúng hướng dẫn của Sở NN và PTNT. Tăng cường hơn nữa công tác thông tin tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân về tác hại, tính chất lây lan, các biện pháp phòng chống dịch và công khai chính sách hỗ trợ tiêu hủy lợn mắc bệnh trên các phương tiện thông tin đại chúng./.
Tất Thắc và Ngọc Ánh