Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác giảm nghèo bền vững

08:04, 24/04/2013

Chiều 22-4-2013, Chính phủ đã tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc đánh giá kết quả thực hiện các chính sách và Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững 2 năm 2011-2012; triển khai phương hướng, nhiệm vụ giảm nghèo năm 2013 và định hướng đến năm 2015. Đồng chí Vũ Văn Ninh, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo (BCĐ) Trung ương về giảm nghèo bền vững chủ trì hội nghị. Tham dự hội nghị có đại diện các Ủy ban của Quốc hội, các bộ, ban, ngành Trung ương và Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Dự hội nghị tại điểm cầu Nam Định có các đồng chí Uỷ viên Ban TVTU: Trần Lương Bằng, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Bùi Đức Long, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng BCĐ giảm nghèo bền vững tỉnh và các thành viên BCĐ giảm nghèo bền vững của tỉnh.

Các đồng chí Ủy viên Ban TVTU: Trần Lương Bằng, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Bùi Đức Long, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh và các đại biểu tại điểm cầu Nam Định. Ảnh: Việt Thắng
Các đồng chí Ủy viên Ban TVTU: Trần Lương Bằng, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Bùi Đức Long, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh và các đại biểu tại điểm cầu Nam Định. Ảnh: Việt Thắng

Thực hiện Nghị quyết 80/NQ-CP ngày 19-5-2011 của Chính phủ về định hướng giảm nghèo bền vững giai đoạn 2011-2020, các bộ, ngành Trung ương và các tỉnh, thành phố trong cả nước đã tiếp tục thực hiện hiệu quả các chính sách và Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Tổng vốn bố trí cho Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trong 2 năm 2011-2012 là 9.349 tỷ đồng, với các chính sách hỗ trợ người nghèo như: hỗ trợ khám chữa bệnh; hỗ trợ học sinh nghèo về GD-ĐT; hỗ trợ đất sản xuất, nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số; đào tạo nghề và giải quyết việc làm; chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật; trợ giúp pháp lý; hỗ trợ nhà ở; hỗ trợ tiền điện; chính sách tín dụng ưu đãi... Qua đó đã đầu tư trên 1.000 công trình hạ tầng ở các xã đặc biệt khó khăn ven biển, hải đảo; trên 5.000 công trình hạ tầng thiết yếu tại các vùng đặc biệt khó khăn ở miền núi và giúp hơn 12.000 hộ nghèo tham gia vào các mô hình giảm nghèo; tạo việc làm cho 25% lao động nông thôn. Từ mô hình giảm nghèo, khoảng 20-30% số hộ đã thoát nghèo. Tỷ lệ hộ nghèo cả nước giảm từ 14,2% năm 2010 xuống còn gần 11,7% năm 2011 và gần 9,6% năm 2012. Tuy nhiên, theo đánh giá của hội nghị, kết quả giảm nghèo chưa bền vững; chênh lệch giàu, nghèo chưa được thu hẹp. Ở một số nơi, tỷ lệ hộ nghèo vẫn chiếm trên 50%; cá biệt có nơi chiếm đến hơn 70%. Mặt khác, các chính sách hỗ trợ giảm nghèo còn dàn trải, chồng chéo khiến hiệu quả chưa cao. Nguyên nhân là mức đầu tư còn thấp so với nhu cầu; việc phối hợp giữa các bộ, ngành Trung ương chưa thường xuyên; việc chỉ đạo tổ chức thực hiện tại các địa phương chưa cụ thể, thiếu sâu sát.

Phương hướng, nhiệm vụ giảm nghèo năm 2013, hội nghị đề ra mục tiêu: đến cuối năm 2013, tỷ lệ hộ nghèo cả nước giảm 2%, xuống còn 7,6%. Đến cuối năm 2015, tỷ lệ này chỉ còn dưới 5% theo chuẩn nghèo hiện hành. Nguồn vốn bố trí cho Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2013 là trên 5.000 tỷ đồng. Các giải pháp chủ yếu được chỉ đạo để tiếp tục thực hiện hiệu quả chương trình là rà soát, đánh giá lại toàn bộ các chính sách nhằm thu gọn đầu mối quản lý; giảm dần các chính sách hỗ trợ mang tính trợ cấp, tăng các chính sách khuyến khích sự chủ động vươn lên của người nghèo; bổ sung chính sách đặc thù với các hộ nghèo dân tộc thiểu số. Ngoài việc tổ chức thực hiện kịp thời, đúng đối tượng, nhân rộng các mô hình hiệu quả, phù hợp trên địa bàn, các địa phương cần huy động thêm nguồn lực từ cộng đồng và các doanh nghiệp để thực hiện hiệu quả và bền vững các mục tiêu đã đề ra.

Theo kết quả điều tra năm 2010, tỉnh ta có 54.645 hộ nghèo, chiếm 9,95%; 42.602 hộ cận nghèo, chiếm 7,76%. Thực hiện các chính sách giảm nghèo trong 2 năm qua, toàn tỉnh có 20.655 lượt hộ nghèo được vay vốn, tổng vốn cho vay là 343 tỷ 361 triệu đồng và 18.891 lượt học sinh, sinh viên được vay vốn 532 tỷ 619 triệu đồng; 2.017 lao động thuộc hộ nghèo được hỗ trợ dạy nghề, tổng kinh phí là 2 tỷ 300,8 triệu đồng. Thông qua chương trình khuyến nông, có 34.914 lượt hộ nghèo được tập huấn, hướng dẫn cách làm ăn và xây dựng mô hình trình diễn với tổng kinh phí 1 tỷ 525 triệu đồng. Đối với chính sách hỗ trợ GD-ĐT, toàn tỉnh đã thực hiện miễn giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập cho 151.485 lượt học sinh, sinh viên thuộc hộ nghèo với tổng kinh phí 87 tỷ 748 triệu đồng. Cấp 252.686 thẻ BHYT cho người nghèo với tổng kinh phí là 72 tỷ 322 triệu đồng. Chính sách hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo trên địa bàn toàn tỉnh được quan tâm, trong đó từ nguồn quỹ “Vì người nghèo” trong 2 năm qua đã hỗ trợ sửa chữa và xây mới nhà ở cho 597 hộ nghèo với tổng kinh phí là 8 tỷ 556,74 triệu đồng; đối với nguồn quỹ hỗ  trợ về nhà ở theo Quyết định 167/QĐ-TTg, trong 2 năm qua, toàn tỉnh có 3.122 hộ nghèo được hỗ trợ xây nhà ở với tổng kinh phí là 22 tỷ 478,4 triệu đồng. Từ sự hỗ trợ thiết thực, hiệu quả, tỷ lệ hộ nghèo tỉnh ta giảm dần qua các năm: năm 2011, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 8,3%, tỷ lệ hộ cận nghèo là 7,43%; năm 2012, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 6,72%, tỷ lệ hộ cận nghèo là 6,32%.

Sau khi nghe đại diện các bộ, ngành, các địa phương phát biểu ý kiến, kiến nghị, đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, đồng chí Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh phát biểu kết luận hội nghị, biểu dương những nỗ lực, cố gắng của các bộ, ngành, địa phương trong công tác giảm nghèo, góp phần giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo toàn quốc. Đồng chí nhấn mạnh, giảm nghèo bền vững là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước nhằm cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho người nghèo, là một trong những nội dung quan trọng thực hiện định hướng xã hội chủ nghĩa, đòi hỏi sự tham gia của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, đoàn thể và cộng đồng, phải thực hiện thường xuyên, liên tục. Để thực hiện mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững, các bộ, ngành cần tiếp tục nghiên cứu, xây dựng các chính sách giảm nghèo theo hướng mở rộng đối tượng, hỗ trợ gắn với phát triển sản xuất, xây dựng nông thôn mới, hạn chế tái nghèo. Cấp ủy, chính quyền địa phương cần thường xuyên kiểm tra, đôn đốc triển khai thực hiện các chính sách giảm nghèo, cụ thể hóa các chỉ tiêu và đưa vào tiêu chí thi đua hằng năm. Các địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền về chính sách giảm nghèo, nhân rộng các điển hình, mô hình hiệu quả trong công tác giảm nghèo, đồng thời giúp người nghèo nhận thức rõ công tác giảm nghèo là của bản thân họ, cần chủ động phấn đấu vươn lên thoát nghèo, cải thiện đời sống. Cùng với các chính sách quan trọng của Nhà nước, các ngành, các địa phương cần huy động các nguồn lực và cả cộng đồng chung tay, góp sức hỗ trợ hộ nghèo thoát nghèo bền vững./.

Minh Tân



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com