HĐND tỉnh tổ chức hội nghị chuyên đề thảo luận, tham gia ý kiến vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992

08:03, 12/03/2013

Ngày 11-3-2013, HĐND tỉnh đã tổ chức hội nghị chuyên đề thảo luận, tham gia ý kiến vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Tham dự hội nghị có các đồng chí: Phạm Hồng Hà, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn Đoàn đại biểu Quốc hội của tỉnh; Nguyễn Khắc Hưng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Trần Lương Bằng, Ủy viên Ban TVTU, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; các đồng chí trong Ban TVTU, Thường trực HĐND, UBND tỉnh, các vị đại biểu HĐND tỉnh khóa XVII.

Đồng chí Phạm Hồng Hà, Uỷ viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn Đoàn đại biểu Quốc hội của tỉnh phát biểu tại hội nghị.
Đồng chí Phạm Hồng Hà, Uỷ viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn Đoàn đại biểu Quốc hội của tỉnh phát biểu tại hội nghị.

Phát biểu khai mạc hội nghị, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh: Qua 20 năm thi hành Hiến pháp năm 1992, thực tiễn đặt ra sự cần thiết phải bổ sung, sửa đổi Hiến pháp để đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước trong tình hình mới. Đây là công việc đặc biệt quan trọng, dựa trên kết quả tổng kết sâu sắc thực tế thi hành Hiến pháp năm 1992 và các đạo luật có liên quan, quán triệt đầy đủ định hướng lãnh đạo của Đảng, thể chế hóa cương lĩnh xây dựng đất nước, tiếp tục kế thừa những quy định còn phù hợp của Hiến pháp năm 1992 và các bản Hiến pháp trước đây. Chỉ sửa đổi những vấn đề đã rõ, đã được thực tiễn chứng minh, đã có đủ cơ sở, được sự thống nhất cao, thể hiện được ý chí, nguyện vọng, trí tuệ, tâm huyết, trách nhiệm của nhân dân. Tại hội nghị chuyên đề này, các đại biểu HĐND tỉnh và các đại biểu tham dự kỳ họp cần nêu cao tinh thần trách nhiệm đối với một công việc cực kỳ hệ trọng của đất nước, tập trung nghiên cứu, thảo luận, đóng góp nhiều ý kiến có chất lượng vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, tỏ rõ chính kiến, nhất là những nội dung quan trọng như: khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam; nguyên tắc tổ chức bộ máy Nhà nước; chức năng, nhiệm vụ của các lực lượng vũ trang; chế độ sở hữu toàn dân về đất đai, về giữ tên nước…

Các đại biểu dự hội nghị đã chia thành 5 tổ để tập trung thảo luận và tham gia đóng góp ý kiến vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Với tinh thần trách nhiệm cao và tập trung trí tuệ, các đại biểu đã sôi nổi thảo luận, đóng góp nhiều ý kiến có chất lượng vào các chương, điều của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Tổng cộng đã có 49 lượt đại biểu phát biểu với 348 ý kiến đóng góp. Đánh giá chung về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, hầu hết các ý kiến đều thống nhất nhận xét dự thảo đã được xây dựng công phu, thể hiện đầy đủ định hướng lãnh đạo của Đảng, thể chế hóa cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH, phù hợp với ý chí và nguyện vọng của đông đảo nhân dân, giải quyết cơ bản những bất cập trong thực tiễn thi hành Hiến pháp năm 1992. Các ý kiến đều nhất trí những nội dung cơ bản về: chế độ chính trị; quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; về kinh tế - xã hội, văn hoá, giáo dục, khoa học, công nghệ và môi trường, về TAND và Viện KSND; về chính quyền địa phương…

Qua thảo luận, đã có nhiều ý kiến tham gia đóng góp cụ thể vào các chương, điều, đề xuất những nội dung cụ thể và lý do của việc cần sửa đổi, bổ sung, đồng thời góp ý về những nội dung liên quan trực tiếp đến phạm vi quản lý của các bộ, ngành, tổ chức; chức năng, nhiệm vụ của chính quyền địa phương; về bố cục, kết cấu, vị trí các chương, điều của Dự thảo Hiến pháp. Các ý kiến cụ thể như: Đề nghị giữ lại điều 41 và 43 về thể dục thể thao vì đây là một nội dung không thể không đưa vào Hiến pháp. Ở điều 57 cần được khẳng định rõ hơn đất đai là sở hữu của toàn dân. Ở điều 1 (chương I) về chế độ chính trị nên đặt từ “Độc lập” trước từ “Dân chủ” và viết thành “Nước Cộng hoà XHCN Việt Nam là một nước độc lập, dân chủ, có chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ…”. Điều 122 đề nghị sửa câu “Nhiệm kỳ của Tổng Kiểm toán Nhà nước do luật định” thành “Nhiệm kỳ của Tổng Kiểm toán Nhà nước theo nhiệm kỳ của Quốc hội” sẽ cụ thể và phù hợp hơn. Ở nội dung thứ 2 của điều 7, nên bỏ từ “cử tri” vì như vậy phạm vi quá rộng và ý kiến của cử tri về việc bãi nhiệm đại biểu cũng cần phải được thông qua cơ quan đại diện. Điều 11, cần bổ sung thêm cụm từ "Tổ quốc Việt Nam” và viết thành “Mọi hành vi chống lại độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc Việt Nam… đều bị nghiêm trị theo pháp luật”. Đối với điều 20 và điều 15 của chương I nên được ghép nội dung thành 1 điều để tập trung vào quyền của công dân. Điều 25 về công tác tôn giáo trong câu “Nơi thờ tự của tín ngưỡng, tôn giáo được pháp luật bảo hộ” là chưa chặt chẽ và cần phải bổ sung thêm từ “hợp pháp” vào sau cụm từ “thờ tự”. Điều 33 cần được chỉnh sửa lại cho rõ ràng, cụ thể hơn vì thực tế nhà ở luôn gắn liền với đất ở. Điều 48 về nội dung: Công dân phải làm nghĩa vụ quân sự đề nghị bỏ từ “làm” và thay thế bằng cụm từ: Công dân phải thực hiện Luật Nghĩa vụ quân sự. Ngoài ra, cụm từ “nghĩa vụ thay thế” còn quá chung chung, không rõ và cần bổ sung hoàn chỉnh cho cụ thể hơn. Ở nội dung của điều 67 của chương III cần được bổ sung thêm nội dung Nhà nước khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư, nghiên cứu, phát triển, chuyển giao, ứng dụng thành tựu khoa học, công nghệ…

Phát biểu ý kiến bế mạc hội nghị chuyên đề, đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ đã nêu rõ: Sau một thời gian làm việc tích cực với tinh thần trách nhiệm cao, hội nghị chuyên đề của HĐND tỉnh thảo luận, đóng góp ý kiến vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đã thành công tốt đẹp. Các đại biểu đã thảo luận sôi nổi, đóng góp nhiều ý kiến có chất lượng đối với nhiều nội dung chương, điều của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp. Sau hội nghị này, các đại biểu HĐND tỉnh, trên cương vị công tác của mình tiếp tục nghiên cứu, tham gia đóng góp ý kiến vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Những ý kiến đóng góp của các đại biểu và của nhân dân sẽ được HĐND tỉnh tổng hợp đầy đủ, chính xác, khách quan và báo cáo Uỷ ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và báo cáo Chính phủ theo đúng quy định và kế hoạch đề ra./.

Tin, ảnh: Quốc Tuấn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com