Phủ Thiên Trường xưa thuộc trấn Sơn Nam hạ, một trong những cái nôi của nền văn minh Đại Việt, là nơi phát tích của Vương triều Trần, một triều đại huy hoàng trong lịch sử đất nước với chiến công hiển hách 3 lần đánh thắng quân xâm lược Nguyên Mông hùng mạnh và tàn bạo; có địa thế chiến lược quan trọng trong công cuộc giữ nước suốt hai thế kỷ XIII, XIV. Trong công cuộc đổi mới, với vị thế mới, tầm cao mới, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh tiếp tục phát huy truyền thống hào khí Đông A “760 năm Thiên Trường - Nam Định”, đoàn kết thống nhất, năng động, sáng tạo; triển khai có hiệu quả các khâu đột phá, quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, đưa Nam Định trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước vào năm 2030, bằng nội lực và trí tuệ của đất và người Thiên Trường xưa - Nam Định nay.
Nghi thức rước kiệu trong Lễ hội Đền Trần, phường Lộc Vượng (thành phố Nam Định) năm 2022. Ảnh: Khánh Dũng |
“Ai qua nơi ấy ... Phủ Thiên Trường”
Trải qua 760 năm xây dựng và phát triển với biết bao biến thiên, thăng trầm của lịch sử, phong cách văn hoá và truyền thống văn hiến của đất và người Nam Định có “cá tính” từ mạch nguồn văn hoá riêng, khó trộn lẫn. Là quê hương - nơi phát tích của Vương triều Trần và hào khí Đông A đã tạo nên văn minh Đại Việt rực rỡ đạt đến đỉnh cao về “võ công, văn trị” gắn liền với tên tuổi các vị Anh hùng dân tộc như: Trần Nhân Tông, Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn, Trần Quang Khải, Trần Nhật Duật.
Nằm ở vị trí trung tâm Nam đồng bằng sông Hồng ở thế giao hòa giữa đất trời và biển cả, là vùng đất phì nhiêu, dân cư đông đúc, lại có thế long ngọa, phát tích đế vương, dưới thời Trần, Thiên Trường trở thành trung tâm chính trị, kinh tế, Phật giáo, văn hoá và giáo dục lớn của cả nước, thứ 2 sau kinh thành Thăng Long; là nơi quyết định những việc trọng yếu của vua tôi nhà Trần trong mọi việc nội trị, ngoại giao. Thiên Trường còn là “phên dậu” vừa là phòng tuyến kiên cố vừa là hậu phương trọng yếu của Thăng Long trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên - Mông.
Thiên Trường xưa - Nam Định nay nổi tiếng là quê hương có truyền thống hiếu học, khoa bảng. Nhiều bậc hiển nho tài đức là người con quê hương Nam Định đã nổi danh, đóng góp cho đất nước trong sự nghiệp đấu tranh chống xâm lược, xây dựng và phát triển đất nước qua các thời kỳ lịch sử mãi rạng danh cùng non sông nước Việt như: Dương Không Lộ, Nguyễn Giác Hải (thời Lý); Trần Hưng Đạo, Nguyễn Hiền, Đào Sư Tích (thời Trần); Lương Thế Vinh, Vũ Tuấn Chiêu, Trần Văn Bảo (thời Lê); tiếp nối có Trần Bích San, Phạm Văn Nghị, Trần Tế Xương, Trần Huy Liệu, Văn Cao, Nguyễn Bính... Sang thế kỷ XX, nhiều người con ưu tú của Nam Định phát huy truyền thống yêu nước, cách mạng đã trở thành những nhà lãnh đạo kiệt xuất, giữ chức vụ quan trọng của Đảng, Nhà nước như các đồng chí: Tổng Bí thư Trường Chinh, Trần Văn Lan, Vũ Văn Hiếu, Lê Đức Thọ, Nguyễn Cơ Thạch, Song Hào, Nguyễn Văn An…
Trải qua 760 năm kể từ khi địa danh Thiên Trường xuất hiện, Thiên Trường - Nam Định đã hòa quyện rực rỡ trong dòng chảy vẻ vang của lịch sử dân tộc. Thời đại nào, Nam Định cũng được xác định có vị trí chiến lược quan trọng và luôn có những đóng góp xứng đáng, khẳng định vị thế “địa linh, nhân kiệt”. Trong các cuộc kháng chiến cứu nước, chiến tranh bảo vệ biên giới Tổ quốc, truyền thống anh hùng, quả cảm, quyết tâm bảo vệ đất nước độc lập, vẹn toàn với hào khí Đông A của người Thiên Trường - Nam Định lại được phát huy. Hàng vạn lượt thanh niên đã lên đường vào các chiến trường; tại hậu phương các phong trào thi đua vừa sản xuất vừa chiến đấu để chi viện của cải vật chất cho chiến trường luôn sôi động: “thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, “thanh niên ba sẵn sàng”, “phụ nữ ba đảm đang”, “tất cả vì miền Nam ruột thịt”, “tay búa tay sung; tay cày tay súng”; “mỗi người làm việc bằng hai vì miền Nam ruột thịt”… góp phần cùng cả nước giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Nam Định cùng nhiều tập thể, cá nhân vinh dự được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”...
Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Nam Định phát huy truyền thống “760 năm Thiên Trường - Nam Định” đoàn kết thống nhất, năng động, sáng tạo; triển khai có hiệu quả các khâu đột phá, quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, đưa Nam Định trở thành tỉnh khá của cả nước vào năm 2030. Ảnh: Việt Thắng |
Vững tiến vào giai đoạn phát triển nhanh, bền vững
Kế thừa và phát huy truyền thống của cha ông, thế hệ người Nam Định hôm nay đã và đang không ngừng phấn đấu, vươn lên. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020-2025 nêu rõ mục tiêu “Tiếp tục khơi dậy truyền thống văn hiến, anh hùng, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực, nhất là nguồn lực con người để xây dựng tỉnh Nam Định phát triển nhanh và bền vững. Đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, nâng cao chất lượng tăng trưởng và phát triển kinh tế; chú trọng sản xuất nông nghiệp sạch, công nghiệp công nghệ cao, có nguồn thu lớn cho ngân sách Nhà nước. Tăng cường khai thác tiềm năng thế mạnh vùng kinh tế biển để trở thành vùng kinh tế động lực phía Nam của tỉnh. Xây dựng chính quyền điện tử, đô thị thông minh, nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu. Chú trọng bảo vệ môi trường và phát triển toàn diện lĩnh vực văn hóa, xã hội. Củng cố quốc phòng, an ninh; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Phấn đấu đến năm 2030, Nam Định là tỉnh phát triển khá của cả nước”.
Là một trong những vựa lúa của đồng bằng sông Hồng, nơi được giao nhiệm vụ đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, đối với nông nghiệp, nông thôn, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh với quyết tâm cao, đoàn kết đồng thuận, sáng tạo, huy động tổng hợp sức mạnh của cả hệ thống chính trị và các nguồn lực để xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu vì mục tiêu “xây dựng một nền nông nghiệp thịnh vượng, nông dân giàu có, nông thôn văn minh, hiện đại”. Đầu tư phát triển trên địa bàn tỉnh liên tục gia tăng, nhiều công trình dự án hạ tầng trọng điểm được đầu tư quyết liệt nhằm khắc phục các hạn chế về địa kinh tế, tăng cường kết nối, khơi thông các điểm nghẽn, rào cản, mở thêm cơ hội để biến lợi thế thành “lợi ích kinh tế” tạo đột phá về phát triển kinh tế - xã hội, như: Tuyến đường bộ mới Nam Định - Phủ Lý; Quốc lộ 21 đoạn Nam Định - Thịnh Long; đường vành đai nối Quốc lộ 21, Quốc lộ 10 và cầu Nam Định; Quốc lộ 37B; Quốc lộ 38B; tuyến đường bộ mới nối Quốc lộ 10 với Quốc lộ 21 và cầu Tân Phong vượt sông Đào; tuyến đường trục phát triển nối vùng kinh tế biển tỉnh Nam Định với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình…
6 tháng đầu năm 2022, kinh tế - xã hội của tỉnh duy trì mức tăng trưởng khá, chất lượng tăng trưởng được nâng lên, một số chỉ tiêu có mức tăng trưởng khá. Các nội dung chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội được triển khai kịp thời theo chỉ đạo của Chính phủ. Công tác cải cách hành chính, thu hút đầu tư, xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số tiếp tục được chỉ đạo quyết liệt và đã đạt được kết quả tích cực. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) được cải thiện tích cực trên bảng xếp hạng quốc gia... Công tác quốc phòng, quân sự địa phương được tăng cường. An ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được củng cố và giữ vững.
Năm 2022 là năm có ý nghĩa quan trọng, tạo nền tảng thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025. Với vị thế mới, tầm cao mới, tỉnh tập trung thực hiện linh hoạt, hiệu quả mục tiêu vừa phòng, chống dịch COVID-19, vừa phát triển kinh tế - xã hội. Phát biểu tại kỳ họp thứ bảy HĐND tỉnh khóa XIX, nhiệm kỳ 2021-2026, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Phạm Gia Túc nêu rõ các nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh cần tập trung thực hiện là: Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo để hoàn thành và hoàn thành vượt mức tất cả các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; đồng thời phải nỗ lực ở mức cao nhất để hình thành một cách rõ nét các nền tảng tiền đề cho sự phát triển đột phá về kinh tế... Hoàn thành hồ sơ, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch kinh tế - xã hội tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Triển khai hiệu quả công tác xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu gắn với cơ cấu lại ngành Nông nghiệp theo hướng hiện đại, ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh, nhằm nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Tập trung phát triển những sản phẩm chất lượng, giá trị kinh tế cao, sản lượng đủ lớn nhằm triển khai đồng bộ, hiệu quả chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Đẩy nhanh tiến độ triển khai, thực hiện các dự án, công trình trọng điểm: Xây dựng tuyến đường bộ ven biển đoạn qua tỉnh Nam Định; Tỉnh lộ 485B, 488B, 488C; Khu Trung tâm lễ hội thuộc Khu di tích lịch sử - Văn hóa thời Trần; Bệnh viện Đa khoa tỉnh; Cải tạo, nâng cấp một số đoạn đê xung yếu trên tuyến đê sông tỉnh Nam Định... Triển khai thi công giai đoạn II Dự án Xây dựng tuyến đường trục phát triển nối vùng kinh tế biển tỉnh Nam Định với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình. Hoàn thành thủ tục đầu tư để khởi công các dự án: Xây dựng cầu qua sông Đào; Đường trục phía nam thành phố Nam Định (đoạn từ đường Vũ Hữu Lợi đến Quốc lộ 21B); Xây dựng tuyến đường bộ mới Nam Định - Lạc Quần - Đường bộ ven biển; Sớm giải phóng mặt bằng trên địa bàn tỉnh của dự án đường cao tốc Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình - Hải Phòng. Phối hợp với nhà đầu tư hoàn thành các thủ tục sớm khởi công xây dựng Nhà máy thép xanh Xuân Thiện Nghĩa Hưng. Nâng cao hiệu quả hoạt động của Trung tâm phục vụ hành chính công, đẩy mạnh hoạt động xúc tiến, thu hút đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước về tìm hiểu, đầu tư vào tỉnh; ưu tiên thu hút các dự án có vốn lớn, công nghệ cao, thân thiện với môi trường, sản phẩm có giá trị gia tăng và sức cạnh tranh cao trên thị trường, góp phần tăng trưởng nhanh tốc độ, quy mô nền kinh tế, tạo thêm nhiều việc làm mới và tăng thu ngân sách cho tỉnh./.
Việt Thắng