Chuyện về một vị tướng khiêm nhường

05:08, 25/08/2022

LTS: Hướng tới kỷ niệm 77 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9 (1945-2022), Báo Nam Định trân trọng giới thiệu bài bút ký của PGS.TS, Nhà báo Nguyễn Hồng Vinh về một số câu chuyện ấn tượng trong cuộc đời và sự nghiệp của Nhà báo, Trung tướng Đặng Quân Thụy, nguyên Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội - người con ưu tú của quê hương Nam Định.

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy thành phố Hà Nội Đinh Tiến Dũng trao tặng Huy hiệu 75 năm tuổi Đảng cho Trung tướng, nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội Đặng Quân Thụy. Ảnh: TTXVN

Đồng chí Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy thành phố Hà Nội trao tặng Huy hiệu 75 năm tuổi Đảng cho Trung tướng, nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội Đặng Quân Thụy.

Ảnh: TTXVN

I. Cách mạng - Trường học lớn

Dù nhiều lần được trò chuyện với Trung tướng Đặng Quân Thụy - nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội về chuyện đời, chuyện thời cuộc, nhưng khi tôi khéo léo gợi ý ông “bật mí” về những điều tâm đắc nhất trong cuộc đời của người cán bộ lão thành tham gia hoạt động cách mạng từ thời kỳ tiền khởi nghĩa nhưng ông rất khiêm nhường. Và thật may mắn, ngày 19-5-2022 vừa qua, nhân dịp ông nhận Huy hiệu 75 năm tuổi Đảng, tôi may mắn được đến gặp và trò chuyện với ông và một số vị tướng hoạt động cùng thời với ông về quá trình tham gia cách mạng cùng những chuyện gia đình, quê hương tình sâu nghĩa nặng của vị tướng lão luyện.

Trung tướng Đặng Quân Thụy sinh năm 1928 tại làng Hành Thiện, xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định, trong một gia đình nhà Nho yêu nước. Khi cha lên Hà Nội dạy học, ông theo cha và vào học tiếp trường tiểu học; năm 1941 thi đỗ vào Trường Bưởi (Trường Chu Văn An ngày nay). Tại đây, ông được giác ngộ cách mạng và hoạt động bí mật trong Mặt trận Việt Minh. Tháng 8-1945, ông là thành viên tích cực tham gia vận động các tầng lớp nhân dân đánh chiếm Bắc Bộ Phủ. Sau Cách mạng Tháng Tám, thực dân Pháp trở lại nước ta với dã tâm đặt ách thống trị ở Việt Nam một lần nữa. Theo tiếng gọi của Tổ quốc, ông hăm hở nhập đoàn quân Nam tiến, là thành viên trong “Chi đội Vi dân” vào chiến đấu ở mặt trận Buôn Ma Thuột vào tháng 11-1945, làm Chính trị viên đại đội.

Năm 1946, Chi đội ông được giao nhiệm vụ tuyên truyền, vận động đồng bào các dân tộc ở đây tham gia bầu cử Quốc hội khóa đầu tiên của nước Việt Nam độc lập. Sau đó, trong một trận chiến đấu, ông bị thương và được đưa ra Bắc điều trị. Lành vết thương, ông nhận công tác tại Bộ Tổng Tham mưu, trực tiếp phục vụ các chiến dịch Biên giới, Tây Bắc… Cuối 1953, ông nhận nhiệm vụ ở Ban tác chiến Chiến dịch của Bộ Quốc phòng. Tại chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử, dưới sự chỉ đạo của Trung ương Đảng và Bác Hồ, ông cùng đồng đội góp sức vào chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

Sau ngày miền Bắc được hoàn toàn giải phóng, các vị trí công tác của ông liên tục thay đổi do yêu cầu của Đảng. Năm 1964, ông đang học năm thứ 3 đại học quân sự ở Liên Xô, thì nhận lệnh về nước vào Nam chiến đấu theo đường Hồ Chí Minh trên Biển Đông, nhưng mới đến Bến Tre phải quay ra Bắc vì địch đang mở chiến dịch càn quét gắt gao. Đầu năm 1965, ông lại cùng đồng đội vượt Trường Sơn vào chiến đấu ở chiến trường Nam Bộ gần 10 năm, được tặng danh hiệu “dũng sĩ diệt Mỹ”. Đầu năm 1977 nổ ra chiến tranh biên giới Tây - Nam, trên cương vị là Tư lệnh đầu tiên của Binh chủng Hóa học, ông được điều vào Bộ Chỉ huy tiền phương, tham gia chiến đấu chống quân Pôn Pốt xâm lấn biên giới nước ta. Năm 1979, ông bị thương lần thứ hai. Tháng 3-1986, ông nhận nhiệm vụ Phó Tư lệnh Quân khu 2, trực tiếp làm Tư lệnh mặt trận Vị Xuyên - Hà Giang; đến năm 1987 được bổ nhiệm làm Tư lệnh Quân khu 2. Ông là đại biểu Quốc hội 3 khoá liên tục (từ khóa VIII đến khóa X). Tại kỳ họp Quốc hội khoá IX, ông được bầu làm Phó Chủ tịch Quốc hội kiêm Chủ nhiệm Ủy ban An ninh - Quốc phòng của Quốc hội. Năm 2002, ông đảm nhiệm cương vị Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Việt Nam…

Hành trình cách mạng gần 70 năm đầy sôi động của ông gắn chặt với sự thăng trầm của đất nước, vượt qua bao vất vả hiểm nguy, nhưng với ý chí dũng cảm, sáng tạo, ông đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và được nhận Huân chương Sao Vàng - phần thưởng cao quý nhất của Đảng, Nhà nước ta cùng nhiều huân, huy chương các loại… Trong các tư liệu về ông, tôi tâm đắc nhiều mốc sự kiện, nhiều công việc có ý nghĩa lớn lao, mà đến nay tôi và nhiều người mới biết. Trước hết là việc ra tờ báo Quân sự tập san, sau đổi thành Quân Chính tập san - tiền thân của Tạp chí Quốc phòng toàn dân ngày nay. Ông được trao nhiệm vụ làm Trưởng Ban Biên tập Quân sự tập san vào tháng 4-1948. Thật vinh dự, khi Quân sự tập san xuất bản số tháng 4-1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết thư thăm hỏi cán bộ, phóng viên tập san.  Một giai đoạn cách mạng mới mở ra đối với ông là đầu năm 1965, ông cùng một nhóm cán bộ, chiến sĩ vượt Trường Sơn, không quản đèo cao, suối sâu, mưa rừng, cơm vắt, pháo súng và đạn bom từ máy bay Mỹ ào ạt dội xuống hòng chặn đường tiến quân của bộ đội ta, ông và đồng đội đã tới mặt trận B2. Không kịp nghỉ ngơi, ông triển khai ngay nhiệm vụ vừa được cấp trên bổ nhiệm làm Trưởng phòng Hóa học của Miền. Đơn vị ông có chức năng nghiên cứu âm mưu của quân đội Mỹ sử dụng vũ khí hóa học, kể cả chất độc da cam và chất độc CS để lên kế hoạch đối phó. Vừa nghiên cứu, vừa sản xuất các mặt nạ và bao tiêu độc cá nhân để phát cho các đơn vị bộ đội, vừa trực tiếp tham gia chiến đấu đẩy lùi các đợt tiến công của địch, mà nổi bật nhất là tham gia đánh bại cuộc hành quân Gian-xơn Xiti của Mỹ vào năm 1967. Đây là cuộc hành quân lớn nhất của Mỹ ở Việt Nam nhằm tiêu diệt cơ quan đầu não của ta ở Nam Bộ.

Sau Hiệp định Pa-ris được ký kết, hoà bình được lặp lại trên miền Bắc, ông vinh dự được cấp trên cử đi phục vụ Đoàn lãnh đạo của Trung ương Cục và Bộ Tư lệnh Miền, gồm các đồng chí Nguyễn Văn Linh, Hoàng Văn Thái, Võ Văn Kiệt ra Hà Nội báo cáo Bộ Chính trị về tình hình ở chiến trường miền Nam. Ông đã từng được giao nhiệm vụ chỉ huy một số trận chiến trên từng cương vị cụ thể, nhưng lần này nhận nhiệm vụ Tư lệnh mặt trận Vị Xuyên Quân khu 2, thì thật sự là một cuộc chiến thử sức vóc, trí tuệ, bản lĩnh của vị tướng chỉ huy trước đối phương người nhiều, đạn lắm, thực hiện lối đánh không theo quy luật, ngày và đêm liên tục dội đạn pháo sang các vị trí chiến lược của ta.

Kế thừa kinh nghiệm của các Tư lệnh trước đó, như các đồng chí Nguyễn Hữu An, Lê Duy Mật, ông cùng Bộ tham mưu trăn trở ngày đêm tìm ra nhiều biện pháp chống trả có hiệu quả. Sau mỗi cuộc thử lửa, ông thân chinh xuống tận từng sư đoàn, lên từng mỏm đồi quan sát trận địa, rồi cùng bàn thảo với lãnh đạo từng đơn vị, rút kinh nghiệm về trận đánh đã qua. Nước mắt ông chảy dài khi nhìn thấy trên báng súng của một số chiến sĩ và trên vách đá khắc những dòng chữ khích lệ lòng yêu nước, sự quả cảm của người lính trên trận địa Vị Xuyên: Sống bám đá - đánh giặc, chết hóa đá - bất tử. Với tinh thần “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, chúng ta đã bảo vệ vững chắc biên giới vào cuối năm 1986, đầu năm 1987 ở mặt trận Vị Xuyên; và cuộc chiến đã im tiếng súng ở Hà Giang và biên giới vào đầu năm 1989! Nhịp sống ở biên giới phía Bắc được trở lại bình thường.

II. Quê hương, gia đình - Nghĩa nặng tình sâu

Trong cuộc đời, thành công về sự nghiệp của mỗi người, nhất là người chỉ huy trận mạc, đều có điểm tựa vững chắc của người vợ, của gia đình, quê hương, bè bạn. Với Trung tướng, Tư lệnh Quân khu 2 Đặng Quân Thụy không nằm ngoài quy luật đó.

Vợ ông là Nguyễn Thị Ban, là cô gái dịu hiền, quê đất nhãn Hưng Yên cùng tuổi với ông. Bà cũng là người tham gia hoạt động cách mạng từ năm 1944, được Việt Minh giác ngộ, bà hăng hái tham gia các công việc cách mạng giao. Năm 1944, bà bị phát xít Nhật bắt giam 3 tháng do hoạt động cho Việt Minh. Năm 1948, “duyên trời” đưa bà gặp ông Đặng Quân Thụy tại chiến khu, đúng thời điểm ông đương đảm nhiệm cương vị Trưởng ban biên tập tờ Quân Chính tập san. Tính từ ngày cưới nhau năm 1948 đến khi chiến tranh biên giới kết thúc năm 1989, hơn 60 năm hầu như họ phải sống xa nhau, nhưng sự thủy chung, tình thương yêu không bao giờ vơi cạn. Những năm tháng đánh Pháp và đánh Mỹ, bà tận tâm nhận mọi nhiệm vụ của tổ chức giao và tự học để nâng cao trình độ văn hóa và chuyên môn, thi đỗ vào Trường Đại học Dược.

Chính những ngày tháng ông cùng đồng đội ở mặt trận B2 dồn sức cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân Mậu Thân 1968, thì Phòng nghiên cứu sản xuất thuốc do bà lãnh đạo, đã chế được loại thuốc đặc biệt, vừa để chống dịch bệnh ở chiến trường, vừa giúp tăng cường sức khỏe cho bộ đội. Với những công trình nghiên cứu khoa học có giá trị, bà được phong hàm PGS Dược học năm 1980.

Khi ông là Phó Chủ tịch Quốc hội kiêm Chủ nhiệm Ủy ban An ninh - Quốc phòng, tôi và nhiều đại biểu Quốc hội có dịp tháp tùng ông thăm các đảo thuộc quần đảo Trường Sa vào tháng 4-1993. Chuyến đi này, ngoài việc thăm và động viên cán bộ, chiến sĩ ở giàn khoan DK1, đảo Trường Sa lớn và nhiều đảo khác, Đoàn còn có nhiệm vụ khảo sát, nghiên cứu tiềm năng biển, đảo; sự kết hợp giữa phát triển kinh tế với quốc phòng, giữa quốc phòng và văn hóa… để xây dựng Đề án báo cáo Bộ Chính trị và Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Một chuyến đi dài ngày, đã giúp tôi cảm nhận phong cách sống hòa đồng, cầu thị của ông; sự tôn trọng lắng nghe ý kiến góp ý của nhiều thành viên khi xây dựng Đề án.

Bước vào tuổi 90 đến nay, sức khỏe ông tuy có giảm, nhưng trí tuệ vẫn minh mẫn, sự tận tâm với việc dân, việc nước vẫn đau đáu trong ông. Và mỗi khi có việc hệ trọng của quốc kế dân sinh, ông vẫn đi thăm một số địa phương, đơn vị nắm tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, chiến sĩ, của nhân dân và đề xuất ý kiến với tinh thần trách nhiệm trước Đảng, Chính phủ, Quốc hội. Rất nhiều ý kiến tâm huyết của ông, nhất là về quân đội, về quốc phòng toàn dân, đã được cấp trên ghi nhận và đánh giá cao.

Với quê hương Hành Thiện, nơi ông cất tiếng khóc chào đời, hàng năm, ông vẫn dành thời gian về thăm vài lần, đóng góp vật chất chỉnh trang trường học, trồng hàng cây Long não dọc sông làng, dựng từ đường họ Đặng. Tôi được chứng kiến, những dịp lễ trọng, nhiều đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước, Quân đội cùng nhiều bạn bè, bà con thân thiết đã đến ngôi nhà riêng của ông ở phố Trần Phú thăm hỏi và trò chuyện thân tình. Ông hồ hởi hỏi chuyện mọi người, nhưng khi nói về những tháng năm binh nghiệp hào hùng của ông, thì ông rất kiệm lời! Cũng vì lẽ đó, tôi và nhiều người gọi ông là vị tướng khiêm nhường, vị tướng của lòng dân./.

PGS.TS Nguyễn Hồng Vinh


 

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com