TS. Đinh Thị Mai
TS. Đinh Nguyễn An
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng: Đẩy mạnh kháng chiến chống thực dân Pháp đến thắng lợi hoàn toàn và xây dựng Đảng Lao động Việt Nam
Từ năm 1950, phong trào cách mạng trên thế giới phát triển mạnh mẽ, hệ thống xã hội chủ nghĩa được củng cố và tăng cường về mọi mặt, phong trào bảo vệ hòa bình thế giới trở thành phong trào quần chúng rộng rãi. Chủ nghĩa đế quốc, đứng đầu là đế quốc Mỹ, ra sức tiếp tay phản kích phong trào cách mạng thế giới, chuẩn bị điều kiện hất cẳng chủ nghĩa thực dân kiểu cũ, thay bằng chủ nghĩa thực dân kiểu mới của Mỹ. Để cứu nguy cho Pháp đang sa lầy trong cuộc chiến tranh Đông Dương và thực hiện ý đồ can thiệp sâu vào khu vực này, Mỹ quyết định tăng cường viện trợ cho Pháp và quân đội bù nhìn.
Tình hình quốc tế nói trên tác động trực tiếp vào Đông Dương, trong đó có Việt Nam. Sự ủng hộ về tinh thần và giúp đỡ về vật chất của các nước xã hội chủ nghĩa anh em cho cuộc kháng chiến của nhân dân ba nước Đông Dương là một nhân tố tích cực. Song, việc Mỹ cấu kết với Pháp, tăng cường can thiệp vào Đông Dương... đã gây nhiều khó khăn cho cuộc kháng chiến của nhân dân ta, đòi hỏi Đảng ta phải có những chủ trương, chính sách phù hợp với tình hình mới.
Chủ tịch Hồ Chí Minh trình bày Báo cáo chính trị tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng (tháng 02/1951). Nguồn ảnh tư liệu: Bảo tàng tỉnh Tuyên Quang. |
Ở trong nước, sau 16 năm kể từ Đại hội lần thứ I của Đảng, tình hình có những chuyển biến căn bản. Sau thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, ngày 23-9-1945, thực dân Pháp mưu đồ đặt ách thống trị lên đất nước ta một lần nữa. Cuộc kháng chiến của nhân dân ta bắt đầu từ Nam Bộ cho đến ngày 19-12-1946 thì bùng nổ trên toàn quốc. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, cả nước đã nhất tề đứng lên tiến hành cuộc kháng chiến trường kỳ, toàn dân, toàn diện, quyết giành cho được độc lập và thống nhất Tổ quốc thật sự, quyết bảo vệ và phát huy những thành quả mà Cách mạng Tháng Tám mang lại. Trải qua hơn 5 năm kháng chiến trường kỳ, gian khổ, nhân dân ta đã giành được nhiều thắng lợi quan trọng. Đặc biệt, từ sau chiến thắng Biên giới Thu Đông năm 1950, thế và lực của ta có bước phát triển vượt bậc. Trong khi đó, thực dân Pháp ngày càng sa lầy vào cuộc chiến và khó tránh khỏi thất bại. Tuy nhiên, bước sang giai đoạn phát triển mới đòi hỏi Đảng ta phải giải quyết những vấn đề lý luận và thực tiễn cấp bách để đưa cách mạng tiến lên.
Ở Lào và Campuchia, cuộc kháng chiến cũng giành được những thắng lợi có ý nghĩa chiến lược. Là người tổ chức và lãnh đạo cách mạng của cả ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia, từ năm 1930, Đảng Cộng sản Đông Dương đã luôn làm tròn vai trò và sứ mệnh lịch sử của mình. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển, Đảng cũng bộc lộ một số thiếu sót, hạn chế, ảnh hưởng đến sự lãnh đạo của Đảng. Mặt khác, cách mạng và kháng chiến của ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia tuy cùng chung một mục tiêu, cùng một chiến trường, nhưng mỗi nước đã có những bước phát triển riêng biệt. Tình hình đó đòi hỏi mỗi nước cần phải thành lập một chính đảng cách mạng mác xít trực tiếp đảm nhiệm sứ mệnh lịch sử trước dân tộc mình và chủ động góp phần vào sự nghiệp cách mạng của nhân dân ba dân tộc trên bán đảo Đông Dương.
Trước tình hình quốc tế và trong nước có nhiều chuyển biến lớn, để tiếp tục bổ sung và hoàn thiện đường lối kháng chiến, đáp ứng những yêu cầu và đòi hỏi mới của cách mạng ba nước trên bán đảo Đông Dương, đặc biệt là cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân Việt Nam, Đảng Cộng sản Đông Dương đã quyết định triệu tập Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II, từ ngày 11 đến ngày 19-2-1951 tại xã Vinh Quang, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang, về dự Đại hội có 158 đại biểu chính thức, 53 đại biểu dự khuyết, thay mặt cho hơn 760 nghìn đảng viên.
Để hoàn thành nhiệm vụ lớn lao mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt ra là: đẩy mạnh kháng chiến đến thắng lợi cuối cùng và xây dựng Đảng Lao động Việt Nam, Đại hội lần thứ II của Đảng đã quyết định tách Đảng Cộng sản Đông Dương để thành lập ở Việt Nam, Lào, Campuchia mỗi nước một đảng cách mạng có cương lĩnh thích hợp với đặc điểm phát triển của mỗi dân tộc.
Ở Việt Nam, Đại hội đã quyết định thành lập Đảng Lao động Việt Nam và ra hoạt động công khai, đảm nhiệm sứ mệnh lịch sử lãnh đạo cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam, giúp đỡ và phối hợp với các đảng cách mạng của Lào và Campuchia, đưa sự nghiệp kháng chiến của hai nước tiến lên giành thắng lợi to lớn hơn nữa. Đại hội đã thảo luận và thông qua Báo cáo chính trị, Luận cương cách mạng Việt Nam, Tuyên ngôn, Chính cương và Điều lệ mới của Đảng... Đại hội còn thảo luận và quyết định nhiều vấn đề về công tác xây dựng và củng cố chính quyền, quân đội, Mặt trận dân tộc thống nhất, về kinh tế, tài chính... nhằm thúc đẩy cuộc kháng chiến về mọi mặt. Đại hội đã bầu Ban Chấp hành Trung ương, gồm 19 ủy viên chính thức và 10 ủy viên dự khuyết. Ban Chấp hành Trung ương đã bầu Bộ Chính trị, gồm 7 ủy viên chính thức và 1 ủy viên dự khuyết. Đồng chí Hồ Chí Minh được bầu là Chủ tịch Đảng, đồng chí Trường Chinh được bầu là Tổng Bí thư.
Mặc dù, trong điều kiện đất nước có chiến tranh nhưng Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng đã được tổ chức thành công. Sự thành công của Đại hội có ý nghĩa quyết định thắng lợi sự nghiệp kháng chiến - kiến quốc của nhân dân ta. Các chủ trương, đường lối do Đại hội đề ra là đúng đắn, đáp ứng yêu cầu của kháng chiến và yêu cầu lâu dài của cách mạng, thực sự là những đóng góp quý báu vào kho tàng lý luận cách mạng nước ta. Với đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện, trường kỳ, dựa vào sức mình là chính, vừa kháng chiến, vừa kiến quốc do Đại hội lần thứ II của Đảng đề ra, nhân dân ta đoàn kết muôn người như một, vượt qua muôn vàn khó khăn, gian khổ kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược bằng chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu", giải phóng hoàn toàn miền Bắc, tạo tiền đề vững chắc để tiếp tục cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam.
(còn nữa)