Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật - Người có công khai mở vùng đất Phúc Chỉ ngày nay

05:02, 18/02/2022

Chùa Phúc Chỉ (hay còn gọi là Sùng Nghiêm tự), thuộc thôn Phúc Chỉ, xã Yên Thắng, huyện Ý Yên là một trong những di tích Phật giáo tiêu biểu của huyện Ý Yên. Đây là một ngôi cổ tự được phối thờ theo lối “tiền Phật, hậu Thánh” (nghĩa là trước thì thờ Phật, sau là thờ đức Thánh) gắn liền với nhân vật lịch sử Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật, người đã có công khai khẩn vùng đất Phúc Chỉ từ xa xưa và lập nên ngôi chùa này. Tương truyền, ngôi chùa được ông cho xây dựng và tu hành ở đây vào những năm cuối đời, sau khi đại thắng quân xâm lược nhà Nguyên.

Hậu cung và bài vị trên ngai thờ Chiêu Văn Vương, trang trí trên kiến trúc, cổ vật  mang đặc trưng phong cách nghệ thuật thời Lê Trung Hưng.
Hậu cung và bài vị trên ngai thờ Chiêu Văn Vương, trang trí trên kiến trúc, cổ vật mang đặc trưng phong cách nghệ thuật thời Lê Trung Hưng.

1. Công tại tiền triều, danh tại sử

Trong cuốn Tân biên Nam Định tỉnh địa dư chí lược của Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân Khiếu Năng Tĩnh (1835-1915), người xã Chân Mỹ (nay thuộc làng Trực Mỹ, xã Yên Cường, huyện Ý Yên) có viết về ngôi cổ tự gắn với địa danh Phúc Chỉ như sau: “Xã này trước gọi là xã Phúc Long, đến năm Minh Mệnh đổi ra Phúc Chỉ thuộc tổng Cổ Liêu. Thời Trần ông Trần Nhật Duật về đây lập ấp dựng chùa đặt tên là ấp Lâm Thị, thần có chơi tứ bạch là: Bạch liên, bạch thạch, bạch đơn, bạch trúc nay hãy còn di tích. Lệ thờ thần cứ ba năm một khoá các nơi phụ cận đều chồng kiệu rước về sân chùa, sở tại chọn trai gái thanh tân đứng trên đẳng có lan can múa quạt hát mười bài nói về ý nguyện của thần, gọi là “hát giai”. Theo đó, thời Hậu Lê chùa có tên là Phúc Long (gắn với tên xã) nhưng sang thời Nguyễn, dưới triều Vua Minh Mệnh, lại đổi tên thành Phúc Chỉ vì kỵ húy.

Ngôi chùa Phúc Chỉ gắn liền với nhân vật được phụng thờ - Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật. Ông là Hoàng tử thứ 6 của Vua Trần Thái Tông (Trần Cảnh). Ông sinh vào mùa hạ tháng 4 năm Ất Mão (1255), được đặt tên là Chiêu Văn Vương với sự tích kỳ lạ như sau: Đạo sĩ ở cung Thái Thanh tên Thậm làm lễ cầu tự cho vua. Khi đạo sĩ đọc tờ sớ xong, liền tâu với vua rằng: “Tâu bệ hạ, Ngọc hoàng đã y lời sớ tâu sẽ sai Chiêu Văn đồng tử giáng sinh ở trần thế 4 kỳ (mỗi kỳ 12 năm)”. Quả nhiên, sau đó Hoàng hậu có mang và sinh ra người con trai khôi ngô tuấn tú, ở hai cánh tay có chữ: “Chiêu Văn đồng tử”, nét chữ rất rõ ràng. Vì vậy đạo sĩ đã tấu với nhà vua đặt tên cho Hoàng tử là Chiêu Văn.

Cũng theo tư liệu trên của Tiến sĩ Khiếu Năng Tĩnh cho biết thêm: “Ông là con trai của cung phi Vũ Thị Vượng, vị cung phi thứ 5 của Vua Trần Cảnh, sinh 10 tháng 3 năm Nhâm Dần (1242) ông là người học sâu biết rộng rất giỏi thơ văn. Niên hiệu Trùng Hưng quân Nguyên sang cướp nước ta, ông vâng mệnh vua ra cửa Hàm Tử phá tan được giặc, Khi mẫu thân ông mất, ông về chịu tang và giúp dân thôn Miễu tiền của dấy lợi trừ hại. Thời Nhân Tông, ông cùng Trần Quốc Tuấn về xã Vạn Kiếp chống giặc. Khi bình rồi thì về lập ấp ở xã Phúc Long huyện Đại An. Năm 72 tuổi ngày 15 tháng chạp thời Vua Anh Tông triều đình đưa linh cữu ông về quê mẹ tại xã Mạt Lăng huyện Nam Chân an táng. Tôn hiệu là Chiêu Văn dực thánh khuông quốc đại vương. Con trai ông là Văn Hiến hầu cũng rất có công với mảnh đất Mạt Lăng và Phúc Long mà ông từng cư trú. Câu đối của Tam giáp Tiến sĩ Bái Dương Nam Chân Ngô Thế Vinh viết về ông: “Đối mẫu hiếu sự quân trung, vạn cổ anh linh hách trạc; Phúc Chỉ tiền, Vọng Doanh hậu thiên thu hương hoả huân cao” (Tạm dịch: Đối với mẹ một lòng hiếu thảo, với vua là bậc trung thần, muôn thuở oai danh lừng lẫy; Vọng Doanh sau, Phúc Chỉ trước, ngàn thu hương khói thơm tho).

Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật là thân vương giữ nhiều trọng trách qua 4 triều vua nhà Trần, công đức của ông đối với dân tộc, đối với vương triều rất lớn, là một trong những trụ cột vững chắc của xã tắc. Đối với người dân, ông là một vị tướng, vị quan có lòng thương người nghèo khổ, lam lũ. Ngoài ra ông cũng là người sùng kính đạo Phật, thông hiểu triết lý của Phật giáo và chính ông là người về làng Phúc Chỉ lập lên ngôi chùa và tu hành tại đây.

Chùa Phúc Chỉ hiện nay.
Chùa Phúc Chỉ hiện nay.

2. Sinh vi lương tướng, tử vi thần

Trong cuốn Nam Định tỉnh địa dư chí của Nguyễn On Ngọc (khi đó giữ chức Đốc học Nam Định), viết năm Thành Thái thứ 5 (1893), có nhắc đến: “... Tôi xem mạch đất của xã này từ núi Gôi chuyển đến hình thế cao rộng, ở hai bên thì có hai hồ Nhật, Nguyệt, ở phía Đông Nam của chùa thì lại có ao sen, nước thường không khô. Có một lùm tre nhiều thứ loài hỗn hợp hơn 10 mẫu. Mỗi khi có gió nhỏ thổi vào thì nghe tiếng rì rào như như tiếng ngọc, vì chưng ở đây là chỗ đất thiêng.

Trong chùa có hình vị của quan Thái bảo đời Trần. Phía Đông chùa có nhiều đá khác nhau. Đám đất này bốn phía đều cao, còn ở giữa lại trũng xuống như hình cái bờ tường. Hoặc giả ngày xưa đã có người làm nhà ở đây chăng? Ở đây hoa sen, hoa dâm bụt và hoa mẫu đơn đều là sắc trắng, bởi bản tính ưa thích như thế...”.

Khi Chiêu Văn Vương tới mảnh đất làng Phúc Chỉ, lúc đó còn là rừng cây rậm rạp, trông về phía Nam 3-4 dặm đường mới thấy lác đác có mấy mái nhà tranh tre. Ông đã cùng các gia nhân, tiểu đồng đi sâu vào trong nữa thì thấy có khu đất có phong thủy tốt. Ông bèn dừng chân tại đây, sai người đốn gỗ dựng nhà ở, sau lại bỏ tiền chiêu tập những người ở các nơi về dựng nhà cư trú. Cùng những người đến từ trước, dân cư đông dần lên rồi hình thành chòm xóm, làng xã.

Ngoài ra, Chiêu Văn Vương còn mở chợ, bắc cầu cống dạy dân đắp hồ chứa nước phòng khi hạn hán, khơi rãnh thông dòng phòng lúc mưa bão ngập lụt. Vì nơi đây đồng nước mênh mông, thấp trũng, chưa có đê quai.

Ông tự đặt tên cho nơi ở của mình là Trang Lâm Thị (chợ Rừng) và chia trang ra làm 5 trại là: Lâm Thị trại, Liêu Bắc trại,

Đông Thị trại, Tây Thị Trại và Liêu Nam trại. Số ruộng cấy lúa là 1.350 mẫu, ruộng trồng hoa màu là 450 mẫu.

Bên cạnh việc lập làng ông đã dựng lên một ngôi chùa (chùa Phúc Chỉ ngày nay) để tu hành. Chùa được xây dựng trên khu đất rộng tới 10 mẫu cho nên nhân dân trong vùng thường gọi là khu thập mẫu thảo hoa.

Đến thời Nguyễn, Hoàng giáp Tam Đăng Phạm Văn Nghị - Hàn Lâm viện Thị độc, Đốc học Nam Định, một người thầy nổi tiếng được lịch sử ghi danh với hành động dẫn hơn 400 học trò, đi bộ từ Nam Định vào Đà Nẵng đánh giặc Pháp xâm lược năm 1860, đã làm bài thơ ca ngợi cảnh đẹp thiên nhiên của chùa Phúc Chỉ như sau:

“Tìm vào cổ tự danh viên
Cây cao xanh mướt bốn bên như thành
Ngoài chùa sen trắng lá xanh
Trong thờ Thái Bảo nhà Trần năm xưa
Mắt nhìn mười mẫu thảo hoa
Đội hồ Nhật, Nguyệt, rửa qua lòng trần
Đất thiêng sinh bậc Thánh Hiền
Lời văn mừng thấy khác phần hơn xưa.

Với những công lao và đóng góp to lớn của mình, Chiêu Văn Vương được các triều đại trước sắc phong: “Ngưỡng duy Tam Bảo hàm tứ đô Tri Nam mô Thanh Tịnh Pháp Thân Trung Huệ Vương Bồ Tát”. Tiếp đó, dưới thời Vua Lê Hiển Tông, niên hiệu Cảnh Hưng thứ 4, ngày 26 tháng 7 năm 1783, vua lại sắc phong cho ông là: “Ngưỡng duy Tam Bảo hàm tứ Đô Tri Nam mô Thanh Tịnh Pháp thân Hựu Thuận Diên Hựu Vương Bồ Tát”.

Đối với dân tộc, Chiêu Văn Vương là một trong những người có công lao to lớn trong cuộc kháng chiến chống quân Mông Nguyên xâm lược, kết nối tinh thần đoàn kết giữa các tộc người để cùng nhau bảo vệ non sông, giữ yên bờ cõi. Ngoài ra, ông còn là tấm gương sáng trong việc trau dồi vốn sống, văn hóa và tinh thần học hỏi không ngừng. Riêng vùng đất và ngôi chùa thôn Phúc Chỉ, ông là người lập ấp, dựng làng, xây chùa thờ Phật. Ông dạy người dân cách thức, giữ gìn và phát huy bản sắc dân tộc, từ đó xóm làng yên vui, dân tình hoà thuận. Để ghi tạc công lao to lớn đó, người dân xã Phúc Chỉ tôn ông là bậc Thánh nhân, phối thờ ông tại chính ngôi chùa làng theo hình thức “tiền Phật, hậu Thánh”. Cứ 3 năm một lần, vào ngày mùng 1 tháng 3 âm lịch, chùa Phúc Chỉ tổ chức lễ hội để tưởng nhớ công ơn của người anh hùng dân tộc, người có công khai mở vùng đất và lập nên ngôi chùa - Đức Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật./.

Bài và ảnh: Thành Nam

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com