Những đóng góp về lý luận của đồng chí Trường Chinh trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1946-1954) (kỳ 4)

06:02, 17/02/2022

PGS.TS. Nguyễn Thị Kim Dung

(Tiếp theo)

Về tính chất của cuộc cách mạng Việt Nam, đồng chí nhận định, đó là "một cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân". Vì cuộc cách mạng đó tiêu diệt bọn đế quốc xâm lược, giành độc lập, thống nhất hoàn toàn cho dân tộc; cuộc cách mạng đó xóa bỏ những tàn tích phong kiến và nửa phong kiến, cải cách ruộng đất, phát triển công thương nghiệp, thực hiện những quyền tự do dân chủ cho nhân dân; cuộc cách mạng đó do nhân dân tiến hành, dưới sự lãnh đạo của giai cấp công nhân trên cơ sở liên minh công - nông. Cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân Việt Nam là cách mạng dân chủ tư sản kiểu mới. "Cách mạng đó làm tròn nhiệm vụ dân chủ tư sản và dần dần tiến triển thành cách mạng xã hội chủ nghĩa, không cần phải qua một cuộc nổ bùng cách mạng. Nó thiết lập chuyên chính dân chủ nhân dân". Đặc điểm của cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân Việt Nam: Do giai cấp công nhân lãnh đạo trên cơ sở liên minh công nông; kết hợp các hình thức đấu tranh, trong đó đấu tranh vũ trang là chính, với sự kết hợp của ba thứ quân; kháng chiến lâu dài, gian khổ, tự lực cánh sinh.

Bàn về triển vọng của cách mạng Việt Nam, đồng chí Trường Chinh nêu rõ: Con đường phát triển tất yếu của cách mạng Việt Nam là tiến lên chủ nghĩa xã hội; hình thức, bước đi phải phù hợp với điều kiện cụ thể của Việt Nam.

Căn cứ vào tính chất và nhiệm vụ của cách mạng Việt Nam, Báo cáo Bàn về cách mạng Việt Nam đã nêu lên 12 chính sách của Đảng trong cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, gồm:

Đẩy mạnh kháng chiến đến toàn thắng, tiêu diệt bọn đế quốc xâm lược và bè lũ tay sai, làm cho nước Việt Nam hoàn toàn độc lập và thống nhất.

Thi hành từng bước chính sách ruộng đất, tiến tới thực hiện khẩu hiệu người cày có ruộng, xóa bỏ các hình thức bóc lột phong kiến và nửa phong kiến ở nước ta.

Xây dựng, củng cố và phát triển chế độ dân chủ nhân dân về chính trị, kinh tế và văn hóa, chuẩn bị tiến lên giai đoạn cách mạng xã hội chủ nghĩa.

Củng cố Mặt trận dân tộc thống nhất chống đế quốc xâm lược.

Xây dựng và phát triển quân đội nhân dân.

Chính sách dân tộc.

Chính sách đối với tôn giáo.

Chính sách đối với vùng tạm bị chiếm.

Chính sách đối với ngoại kiều.

Chính sách đối ngoại.

Ra sức ủng hộ cách mạng Cao Miên và cách mạng Lào.

Tích cực góp phần vào cuộc đấu tranh vì hòa bình, dân chủ và độc lập của nhân dân thế giới.

Báo cáo Bàn về cách mạng Việt Nam là một văn kiện lịch sử quan trọng của Đảng, thể hiện sự vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh vào điều kiện cụ thể Việt Nam. Với tầm nhìn bao quát, tư duy chính trị sắc bén, Tổng Bí thư Trường Chinh và Đảng ta đã bổ sung, hoàn chỉnh, phát triển lý luận của Đảng về cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, định hướng cho Đảng trong việc đề ra chủ trương, chính sách cụ thể, đưa sự nghiệp kháng chiến đến thắng lợi. Những nội dung cơ bản của Báo cáo đã được đúc kết trong Chính cương của Đảng, được Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II thông qua.

Tại Đại hội này, Đảng ta chính thức ra hoạt động công khai, lấy tên là Đảng Lao động Việt Nam. Đồng chí Hồ Chí Minh được bầu là Chủ tịch Đảng. Đồng chí Trường Chinh tiếp tục được bầu làm Tổng Bí thư của Đảng. Đồng chí đã cùng tập thể Ban Chấp hành Trung ương bổ sung, hoàn chỉnh lý luận về cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân Việt Nam, giải quyết nhiều vấn đề trên các lĩnh vực do yêu cầu thực tiễn của cuộc kháng chiến đặt ra, đưa cuộc kháng chiến đến thắng lợi hoàn toàn, mở ra một thời kỳ mới cho sự phát triển của cách mạng Việt Nam.

Đảng ta khẳng định: "Dưới ngọn cờ lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, trên cương vị Tổng Bí thư của Đảng, từ năm 1941, cùng với Ban Chấp hành Trung ương và Bộ Chính trị, đồng chí Trường Chinh đã có nhiều quyết sách đúng đắn, sáng tạo, nhất là trong những bước ngoặt của cách mạng, vai trò của đồng chí nổi bật là một trong những người lãnh đạo kiệt xuất đã đưa cuộc Cách mạng Tháng Tám đến thành công và đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đến thắng lợi cuối cùng"./.


 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com