Những đóng góp về lý luận của đồng chí Trường Chinh trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1946-1954) (kỳ 3)

06:01, 20/01/2022

PGS.TS. Nguyễn Thị Kim Dung

(Tiếp theo)

Sau khi được nghe và thảo luận báo cáo Chủ nghĩa Mác và văn hóa Việt Nam, nhiều nhà trí thức, khoa học nổi tiếng, như Hồ Đắc Di, Tôn Thất Tùng, Nguyễn Tấn Gi Trọng đã nhận xét về đồng chí Trường Chinh: "Chắc ông ấy phải trải qua trường đào tạo ở Nga Xô", "Một bản báo cáo đầy ắp những nhận định khoa học, mới mẻ", "Một thái độ thẳng thắn", "Một tinh thần chiến đấu khá căng, nhưng lại chấp nhận được"... Cho đến hôm nay đã hơn nửa thế kỷ, những vấn đề cụ thể được đồng chí Trường Chinh nêu ra trong báo cáo Chủ nghĩa Mác và văn hóa Việt Nam vẫn còn nguyên tính thời sự.

Tiếp theo bản Đề cương về văn hóa Việt Nam (năm 1943), báo cáo Chủ nghĩa Mác và văn hóa Việt Nam (năm 1948) của đồng chí Trường Chinh là công trình đặt cơ sở lý luận cho đường lối xây dựng nền văn hóa, văn nghệ cách mạng.

Đồng chí Trường Chinh dự Hội nghị thống nhất Việt Minh - Liên Việt, tháng 3-1951.
Đồng chí Trường Chinh dự Hội nghị thống nhất Việt Minh - Liên Việt, tháng 3-1951.

Theo chủ trương của Đảng, tại Hội nghị văn hóa toàn quốc lần thứ hai đã quyết định thành lập Hội Văn hóa Việt Nam (19-9-1948). Trong Chỉ thị về việc tham gia và giúp đỡ Hội Văn hóa Việt Nam, Tổng Bí thư Trường Chinh đã nêu rõ mục đích và tôn chỉ của Hội là: "Đoàn kết các nhà văn hóa nước ta, động viên mọi lực lượng văn hóa nước ta để phụng sự Tổ quốc, đánh đuổi giặc Pháp và xây dựng một nền văn hóa Việt Nam mới".

Trong khói lửa của cuộc kháng chiến, báo cáo Chủ nghĩa Mác và văn hóa Việt Nam và việc thành lập Hội Văn hóa Việt Nam, đã tạo ra một động lực, một phong trào sôi nổi, mạnh mẽ, rộng khắp trong xây dựng nền văn hóa mới. Nền văn hóa đó đã đóng vai trò đắc lực trong cuộc đấu tranh chống lại văn hóa nô dịch và đồi trụy của địch trong các vùng tạm chiếm và các đô thị lớn.

Góp phần bố sung, hoàn thiện con đường phát triển của cách mạng Việt Nam

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng họp giữa lúc tình hình quốc tế có những biến chuyển nhanh chóng. Hệ thống xã hội chủ nghĩa được củng cố và tăng cường về mọi mặt. Phong trào giải phóng dân tộc tiếp tục được phát triển, làm rung chuyển hậu phương của chủ nghĩa đế quốc. Phong trào hòa bình, dân chủ trên thế giới ngày càng phát triển, trở thành một phong trào quần chúng rộng rãi. Ở trong nước, lực lượng kháng chiến ngày càng trưởng thành và lớn mạnh, thực dân Pháp ngày càng lâm vào thế bị động, khó khăn khi kéo dài chiến tranh; dư luận tiến bộ trên thế giới ngày càng ủng hộ cuộc kháng chiến chính nghĩa của nhân dân ta. Tình hình mới đặt ra cho Đảng ta cần phải tiếp tục hoàn chỉnh, bổ sung đường lối cách mạng cho phù hợp để đưa cuộc kháng chiến đến thắng lợi.

Tháng 2-1951, diễn ra Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng Cộng sản Đông Dương. Đại hội đã nghe và thảo luận Báo cáo chính trị của Chủ tịch Hồ Chí Minh, báo cáo Bàn về cách mạng Việt Nam của Tổng Bí thư Trường Chinh (còn gọi là Luận cương về cách mạng Việt Nam) và một số báo cáo khác.

Trên cơ sở tổng kết những kinh nghiệm thực tiễn của hơn 20 năm lãnh đạo cách mạng nước ta, đồng thời tiếp thu có chọn lọc những kinh nghiệm của phong trào cách mạng thế giới, Báo cáo Bàn về cách mạng Việt Nam do đồng chí Trường Chinh khỏi thảo đã chỉ ra đường lối của cách mạng Việt Nam từ cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân tiến lên cách mạng xã hội chủ nghĩa.

Phân tích tình hình xã hội Việt Nam từ sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đến năm 1951, đồng chí Trường Chinh nhận định: Xã hội Việt Nam có ba tính chất: Dân chủ nhân dân, một phần thuộc địa và nửa phong kiến, với hai vùng khác nhau (vùng tự do và vùng địch kiểm soát). Trong xã hội Việt Nam có các mâu thuẫn: Mâu thuẫn giữa toàn thể dân tộc Việt Nam với bọn đế quốc xâm lược; mâu thuẫn giữa nhân dân (chủ yếu là nông dân) với phong kiến (chủ yếu là địa chủ); mâu thuẫn giữa giai cấp công nhân với giai cấp tư sản. Trong đó, mâu thuẫn giữa toàn thể dân tộc Việt Nam với bọn đế quốc xâm lược và bè lũ tay sai là mâu thuẫn cơ bản nhất. Kẻ thù cụ thể, trước mắt của cách mạng Việt Nam là chủ nghĩa đế quốc xâm lược và bọn tay sai, cần tập trung mũi nhọn vào bọn đế quốc xâm lược. Nhiệm vụ cơ bản của cách mạng Việt Nam là đánh đuổi bọn đế quốc xâm lược, làm cho nước Việt Nam hoàn toàn độc lập và thống nhất, xóa bỏ hình thức phong kiến, làm cho người cày có ruộng, phát triển chế độ dân chủ nhân dân, gây cơ sở cho chủ nghĩa xã hội. Nhiệm vụ chống đế quốc (phản đế) và chống phong kiến (phản phong) quan hệ khăng khít với nhau, nhưng trọng tâm của cách mạng trong giai đoạn hiện tại là hoàn thành nhiệm vụ giải phóng dân tộc.

Để hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ chủ yếu của cách mạng Việt Nam lúc này, căn cứ vào thái độ chính trị của các giai cấp trong xã hội, đồng chí Trường Chinh đã chỉ rõ: "Lực lượng của cách mạng Việt Nam là nhân dân, chủ yếu là công nông. Động lực của cách mạng Việt Nam là giai cấp công nhân, giai cấp nông dân và giai cấp tiểu tư sản. Lực lượng lãnh đạo cách mạng Việt Nam là giai cấp công nhân".

(Còn nữa)



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com