Nhà lãnh đạo kiệt xuất của Đảng, Nhà văn hóa lớn của dân tộc

09:02, 06/02/2022

Tổng Bí thư Trường Chinh - Người cộng sản kiên cường, mẫu mực; nhà chính trị tài ba; nhà tư tưởng, lý luận chính trị kiệt xuất; nhà văn hóa lớn; người con ưu tú của quê hương Nam Định. Với 81 tuổi đời, hơn 60 năm hoạt động cách mạng (1925-1988), 3 lần được bầu làm Tổng Bí thư (vào các năm 1941, 1951 và 1986), đồng chí Trường Chinh đã đảm nhiệm nhiều vị trí, trọng trách quan trọng của Đảng, Nhà nước. Trên mọi cương vị công tác, đồng chí đã thể hiện là người cán bộ lãnh đạo mẫu mực, tuyệt đối trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Đồng chí vinh dự được Đảng, Nhà nước trao tặng Huân chương Sao Vàng và nhiều huân, huy chương cao quý khác. 

Tổng Bí thư Trường Chinh tại Đại hội Anh hùng, Chiến sĩ thi đua công nông binh toàn quốc lần thứ hai, năm 1958.  Ảnh: TTXVN

Tổng Bí thư Trường Chinh tại Đại hội Anh hùng, Chiến sĩ thi đua công nông binh toàn quốc lần thứ hai, năm 1958.

Ảnh: TTXVN

Đồng chí Trường Chinh tên thật là Đặng Xuân Khu, sinh ngày 9-2-1907 trong một gia đình trí thức yêu nước tại làng Hành Thiện, xã Xuân Hồng (Xuân Trường). Sớm giác ngộ cách mạng, năm 1927, đồng chí gia nhập tổ chức Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội. Từ một người yêu nước nhiệt thành, đồng chí đã trở thành đảng viên cộng sản, thuộc lớp đảng viên đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam. Năm 1935, sau khi thoát khỏi nhà tù đế quốc, trên cương vị Ủy viên Xứ ủy Bắc Kỳ phụ trách công tác tuyên truyền, đồng chí đã đem hết tài trí truyền bá chủ nghĩa Mác - Lê-nin, đường lối của Đảng, góp phần vào thành công của cuộc vận động dân chủ trong những năm 1936-1939 do Đảng ta lãnh đạo. Năm 1941, tại Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương (khóa I), đồng chí được bầu giữ trọng trách Tổng Bí thư. Bên cạnh việc chỉ đạo củng cố về tổ chức của Đảng và Mặt trận, trên cương vị là Tổng Bí thư, đồng chí đã cho thành lập, chỉ đạo và viết bài cho các báo chí của Đảng nhằm truyền đạt, thông báo những biến đổi mau chóng của tình hình và những nhận định về thời cuộc, đường lối, chủ trương của Đảng đến cán bộ, nhân dân; vận động và tổ chức quần chúng, uốn nắn phong trào cách mạng,... Chính chủ trương đúng đắn và sự chỉ đạo sát sao của đồng chí Trường Chinh đã khởi nguồn cho sự ra đời của Tạp chí Cộng sản - cơ quan lý luận chính trị của Trung ương Đảng (10-1941); báo Cứu quốc - cơ quan ngôn luận của Tổng bộ Việt Minh (1-1942); báo Cờ Giải phóng - cơ quan tuyên truyền, cổ động của Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương (10-1942) và một loạt báo địa phương khác. Các ấn phẩm báo chí trên đã trở thành vũ khí sắc bén, góp phần tích cực vào sự nghiệp cách mạng của Đảng. Năm 1943 Đề cương Văn hóa Việt Nam do Tổng Bí thư Trường Chinh chắp bút khởi thảo là văn kiện có giá trị vô cùng to lớn và ý nghĩa lịch sử sâu sắc của Đảng ta, được coi là Tuyên ngôn của Đảng về một nền văn hóa dân tộc, khoa học, đại chúng. Tổng Bí thư Trường Chinh với bút danh Sóng Hồng đã sáng tác hơn 200 bài thơ với quan điểm chủ đạo “Dùng ngòi bút làm đòn xoay chế độ/Mỗi vần thơ bom đạn phá cường quyền”, phục vụ sự nghiệp giải phóng dân tộc.

Dưới ngọn cờ lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, trên cương vị Tổng Bí thư của Đảng, từ năm 1941, cùng với BCH Trung ương và Bộ Chính trị, đồng chí Trường Chinh đã có nhiều quyết sách đúng đắn, sáng tạo, nhất là trong những thời điểm bước ngoặt của cách mạng, vai trò của đồng chí, nổi bật là một trong những người lãnh đạo kiệt xuất đã đưa cuộc Cách mạng Tháng Tám đến thành công và đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đến thắng lợi cuối cùng. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, với các cương vị: Phó Thủ tướng Chính phủ, Ủy viên Bộ Chính trị, rồi sau đó là Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội; đồng chí đã có những đóng góp to lớn, cùng với toàn Đảng, toàn quân, toàn dân chiến đấu kiên cường, “đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. 

Trong công cuộc xây dựng đất nước, đồng chí Trường Chinh là “Tổng Bí thư của đổi mới”. Tháng 7-1986, Hội nghị đặc biệt BCH Trung ương bầu đồng chí Trường Chinh là Tổng Bí thư. Với trách nhiệm cao trước Đảng, trước dân trong thời kỳ khó khăn của đất nước, đồng chí Trường Chinh cùng với Bộ Chính trị tìm hiểu và nghiên cứu hoạch định đường lối đổi mới, nêu ra những kết luận sâu sắc về “Đổi mới tư duy, trước hết là tư duy kinh tế”, đưa đất nước vượt qua cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội, tạo ra bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam thời kỳ đổi mới. Trong bài phát biểu tại Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố Hà Nội (tháng 10-1986), đồng chí Trường Chinh khẳng định: “Thế giới ngày nay đang nhanh chóng đổi mới: Chủ nghĩa xã hội phải phấn đấu để chứng minh tính ưu việt của mình về mọi mặt so với chủ nghĩa tư bản trên thực tế. Đối với cộng đồng các nước xã hội chủ nghĩa, đổi mới là con đường vươn lên đáp ứng đòi hỏi của thời đại, đáp ứng những nhu cầu chính đáng và ngày càng cao của nhân dân. Đối với nước ta, đổi mới cũng là yêu cầu bức thiết, là vấn đề có tầm quan trọng sống còn. Yêu cầu đó vừa là đòi hỏi bên trong của nước ta, vừa phù hợp với xu thế đổi mới của thời đại”. Với quan điểm, nhận thức đó, đồng chí Trường Chinh đã có nhiều chuyến đi khảo sát các tỉnh từ Nam ra Bắc thâm nhập thực tiễn, rút ra bài học kinh nghiệm, từ đó đúc kết thành quan điểm, tư tưởng đổi mới.

Trong sự nghiệp hoạt động cách mạng, dù bận nhiều công việc, đồng chí Trường Chinh vẫn dành thời gian và tâm huyết với quê hương, quan tâm tới sự phát triển của tỉnh. Đồng chí Trường Chinh viết: “Vì bận công việc của Đảng nên tôi không về thăm bà con. Tuy ở xa, nhưng trái tim tôi lúc nào cũng hướng về quê hương và bà con quê nhà...!”. Từ năm 1960 đến năm 1987, đồng chí Trường Chinh đã 8 lần về thăm Đảng bộ và nhân dân Nam Định. Trong các lần về thăm, đồng chí dành nhiều thời gian về cơ sở, tiếp xúc với bà con nông dân, công nhân; tìm hiểu và lắng nghe những suy nghĩ, ý kiến của nhân dân về những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đang thực hiện; động viên khích lệ những thành tích đã đạt được, thẳng thắn chỉ rõ những khuyết điểm trong công tác quản lý, củng cố khối đoàn kết nhất trí, chú trọng công tác xây dựng Đảng, công tác vận động quần chúng để phát huy sức mạnh của Đảng bộ. Đến nay những lời chỉ bảo ân cần của đồng chí Trường Chinh trên nhiều lĩnh vực vẫn còn hết sức thiết thực và mang tính thời sự đối với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Nam Định trong quá trình đổi mới và phát triển.

Kỷ niệm 115 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Trường Chinh, ôn lại cuộc đời và sự nghiệp, công lao và phẩm chất đạo đức cách mạng của đồng chí, chúng ta càng trân trọng, tự hào, bày tỏ lòng tri ân, biết ơn sâu sắc đối với những cống hiến của đồng chí và mãi mãi đi theo con đường mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Nam Định nguyện chung sức đồng lòng, đoàn kết thống nhất, quyết tâm triển khai có hiệu quả các giải pháp và các khâu đột phá, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, bằng chính nội lực và hào khí truyền thống của đất và người Thiên Trường xưa - Nam Định nay, xứng đáng là quê hương của đồng chí Tổng Bí thư Trường Chinh - người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh./.

Việt Thắng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com