Cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, thực dân Pháp xâm lược Việt Nam, lần lượt dìm các phong trào đấu tranh yêu nước do giai cấp phong kiến, sĩ phu và nông dân lãnh đạo trong biển máu. Tuy nhiên tinh thần yêu nước, ý chí quật cường của nhân dân Việt Nam và nhân dân Nam Định vẫn như lò than hồng đang âm ỉ cháy, chỉ chờ cơ hội thuận lợi để tiếp tục bùng lên thành những cơn bão táp cách mạng quét sạch quân xâm lược. Khi mở rộng việc khai thác thuộc địa, dưới con mắt thực dân, người Pháp nhận thấy Nam Định là nơi đất rộng, người đông, đất đai phì nhiêu, tươi tốt, nhiều sản vật; nhân dân cần cù, khéo tay, nên bên cạnh việc duy trì nền nông nghiệp lúa nước để cung cấp lương thực, chúng còn tìm cách khai thác bóc lột sức lao động thủ công từ đôi bàn tay tài hoa, khéo léo của nhân dân trong vùng, đặc biệt là nghề dệt. Hệ quả của việc làm trên là chúng đã biến Nam Định thành một trung tâm công nghiệp dệt lớn nhất Đông Dương và tạo ra một đội ngũ công nhân đông đảo, khoảng 1,5 vạn người, có tinh thần yêu nước và đấu tranh cách mạng mạnh mẽ.
Đền Chùa Tự Lạc, xã Thọ Nghiệp - nơi thành lập Chi bộ Đảng đầu tiên của huyện Xuân Trường. Ảnh: Tư liệu |
Cũng thời gian này, tình hình chính trị thế giới có nhiều diễn biến mới, phức tạp. Chiến tranh Nga - Nhật (1905), Cách mạng Trung hoa dân quốc (1911), chiến tranh thế giới thứ nhất (1914-1918), Cách mạng vô sản Tháng Mười Nga (1917)… đã dội vào trong nước, tác động mạnh mẽ đến tinh thần yêu nước cách mạng quật cường của nhân dân ta. Qua các tờ báo, như “Việt Nam hồn”, “Nhân Đạo”…, các tư tưởng dân chủ phương Tây cũng đã tác động, ảnh hưởng tới nhiều người. Ở Nam Định, một số nhà tư sản, sĩ phu yêu nước có tư tưởng chống Pháp giành độc lập dân tộc, đã bí mật tập hợp nhau ở “Tập Hinh khách sạn” để bàn cách đấu tranh chống Pháp; quyên tiền, in ấn, tuyên truyền các tư tưởng tiến bộ cho nhân dân và vận động binh lính nổi dậy. Do chưa có kinh nghiệm và đường hướng rõ ràng, hoạt động không có nguyên tắc, lại lộ liễu, nên sau đó ít lâu nhóm này đã bị mật thám rình mò, đàn áp, rồi đi đến tan rã.
Nhưng phong trào yêu nước cách mạng ở địa phương không vì thế mà bị suy giảm, ngược lại khi có điều kiện vẫn tiếp tục nổ ra quyết liệt. Những năm 20 của thế kỷ XX, nhân một số sự kiện như nhà yêu nước theo đường lối bạo động Phan Bội Châu bị bắt (1925), nhà chí sĩ yêu nước theo đường lối cải cách Phan Châu Trinh từ trần (1926); phong trào yêu nước ở Nam Định đang bị dồn nén từ trước đó nay lại có dịp bùng lên mạnh mẽ. Các cuộc đấu tranh, mít tinh, biểu tình đòi thả cụ Phan Bội Châu, đòi tổ chức lễ truy điệu Phan Châu Trinh diễn ra sôi nổi, góp phần làm “Thức tỉnh hồn dân nước”. Nhiều học sinh, sinh viên tham gia các phong trào đấu tranh đó như Trường Chinh, Nguyễn Văn Hoan, Lê Đức Thọ… (hơn 60 người) đã bị đuổi học, nhưng nhiều người vẫn bí mật tiếp tục con đường đấu tranh cách mạng.
Đặc biệt thời gian này, Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, tổ chức tiền thân của Đảng, do lãnh tụ Nguyến Ái Quốc thành lập ở Quảng Châu (Trung Quốc) đã tác động, ảnh hưởng mạnh về trong nước. Năm 1927, Trung ương Hội đã cử một số người về gặp gỡ những người có tư tưởng yêu nước ở địa phương như Vũ Huy Hào, Đào Gia Lựu, Tống Văn Trân… để vận động họ tham gia các hoạt động yêu nước cách mạng của tổ chức trên địa bàn tỉnh Nam Định.
Sau một thời gian tích cực vận động, tháng 5-1927, tại số nhà 164, phố Vải Màn, thành phố Nam Định, dưới sự chủ trì của đại biểu Trung ương Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, các đồng chí Vũ Huy Hào, Trần Quang Tặng, Vũ Khế Bật, Trần Minh Tân, Đỗ Ngọc Bích, Nguyễn Thị Lâm và Trần Đa Phú đã nhóm họp và tuyên bố thành lập chi bộ Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên đầu tiên ở tỉnh, do đồng chí Vũ Huy Hào là Bí thư. Thành phần ban đầu của chi bộ không thuần nhất chỉ là công nhân hay nhân dân khu phố mà đa dạng, trong đó có cả công nhân, trí thức, nhà buôn, phóng viên, phụ nữ…
Sau khi chi bộ được thành lập, phong trào cách mạng của tỉnh, nhất là ở thành phố, đã có nhiều chuyển biến tích cực. Dưới sự lãnh đạo của chi bộ, các hoạt động yêu nước của nhân nhân Nam Định đã kết hợp với phong trào công nhân, trí thức… diễn ra sôi nổi, đúng hướng và hiệu quả hơn. Việc chi bộ ra đời đã tập hợp được các nhà yêu, cách mạng của Nam Định lúc bấy giờ và đánh dấu kết thúc sự khủng hoảng về đường lối, tư tưởng, con đường đấu tranh của các nhà yêu nước trước đó (nông dân, phong kiến, tư sản) ở địa phương; mở ra một hướng đấu tranh mới theo con đường cách mạng vô sản. Sự ra đời của chi bộ Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên Nam Định cũng tuân theo quy luật ra đời của Đảng ta, đó là sự kết hợp giữa chủ nghĩa Mác - Lê-nin, phong trào công nhân và phong trào yêu nước của địa phương Nam Định.
Chi bộ Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên đầu tiên ở Nam Định được thành lập đã tạo tiền đề thúc đẩy cho việc ra đời của hàng loạt các chi bộ tiếp theo. Tháng 6-1927, chi bộ Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên nhà máy Sợi được thành lập, do đồng chí Trần Văn Lan là Bí thư. Tiếp ngay sau đó, một số chi bộ cũng tiếp tục được thành lập tại vườn chay Năng Tĩnh và Trường Thành Chung của thành phố, An Cừ của huyện Ý Yên, Lạc Nghiệp của huyện Xuân Trường. Đến giữa năm 1927 ở tỉnh Nam Định đã có 6 chi bộ hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Đó chính là những cơ sở, điều kiện để tiến tới thành lập Tỉnh bộ Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên ở Nam Định vào tháng 9-1927. Sau này khi Đông Dương Cộng sản Đảng được thành lập (17-6-1929) và Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập (3-2-1930), thì Tỉnh bộ Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên ở Nam Định (tổ chức tiền thân của Đảng ở địa phương) đã chuyển thành Đảng bộ Đông Dương Cộng sản Đảng và Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam ở Nam Định. Trong đó có các chi bộ Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên ở Nam Định cũng chuyển thành các chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng và các chi bộ Đảng Cộng sản Việt Nam ở tỉnh.
Kể từ khi chi bộ đầu tiên ở Nam Định được thành lập, 92 năm qua, Đảng bộ tỉnh Nam Định đã không ngừng phát triển và lớn mạnh. Trải qua muôn vàn khó khăn và thử thách ác liệt, Đảng bộ đã lãnh đạo nhân dân tiến hành các phong trào cách mạng sôi nổi như phong trào đấu tranh ủng hộ Xô Viết - Nghệ Tĩnh 1930-1931; phong trào đấu tranh dân chủ 1936-1939; chuẩn bị và đấu tranh giành chính quyền trong Cách mạng tháng Tám 1939-1945; kháng chiến chống Pháp (1945-1954), kháng chiến chống Mỹ (1954-1975) và thực hiện công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước hiện nay thu được nhiều thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội. Từ chi bộ đầu tiên có 7 người, qua thực tiễn đấu tranh đến nay, Đảng bộ tỉnh Nam Định có hàng nghìn đảng bộ, chi bộ cơ sở, trực thuộc với trên 110 nghìn đảng viên. Trong công cuộc đổi mới, nhiều đảng viên đã phát huy truyền thống của Đảng bộ, không ngừng học tập, rèn luyện và phấn đấu theo tinh thần tấm gương tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; tích cực xây dựng quê hương Nam Định ngày càng giầu đẹp, văn minh. Tự hào với truyền thống của Đảng bộ, chúng ta càng trân trọng với những chiến sĩ cách mạng của tỉnh đã vượt qua những hạn chế về điều kiện, nhận thức, tư tưởng trong những năm đầu thế kỷ XX, vươn lên đón nhận ánh sáng cách mạng của Đảng, thành lập chi bộ đầu tiên của Tỉnh bộ hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên tỉnh Nam Định và tiếp tục vận động phát triển lớn mạnh thành Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam tỉnh Nam Định ngày nay./.
Th.s Nguyễn Kim Chiến
(Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Nam Định)