Thành Nam xưa thuộc Phủ Thiên Trường là nơi phát tích của Vương triều Trần, trải qua thăng trầm, biến thiên của lịch sử, phong cách văn hoá và truyền thống văn hiến của đất và người Thành Nam có “cá tính” từ mạch nguồn văn hoá riêng, khó trộn lẫn. Bước vào kỷ nguyên 4.0, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố Nam Định phát huy truyền thống văn hiến, cách mạng, đoàn kết, năng động, sáng tạo, phấn đấu xây dựng thành phố Nam Định văn minh, hiện đại, gắn với đô thị thông minh, hình thành rõ nét một số chức năng trung tâm vùng Nam đồng bằng sông Hồng.
Một góc thành phố Nam Định. Ảnh: Viết Dư |
Thiên Trường xưa
Theo “Đại Việt sử ký toàn thư”, mùa xuân năm 1262, Thượng hoàng Trần Thái Tông ban chiếu thăng hương Tức Mặc (nay thuộc thành phố Nam Định) thành phủ Thiên Trường; cho xây dựng cung điện để Vua nối ngôi ngự mỗi khi về yết kiến Thái Thượng hoàng. Do vậy nơi đây trở thành một trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, được coi như kinh đô thứ hai sau kinh thành Thăng Long. Từ thế kỷ XV, trải qua các triều đại nhà Mạc, Lê, Nguyễn, Thiên Trường được coi là vùng đất xung yếu trong chiến lược bảo vệ Tổ quốc, có nhiều những đóng góp quan trọng cho công cuộc khai hoang lấn biển mở mang bờ cõi đất nước. Qua những chặng đường lịch sử, cũng như Hà Nội, Huế, Thành Nam xưa phát triển theo mô hình: từ “làng” lên “đô” rồi lên “thị”; đầu thế kỷ XIX, nhà Nguyễn cho xây thành bằng gạch (năm 1833), xây Cột Cờ (năm 1843), năm 1921, toàn quyền Đông Dương ra Nghị định thành lập thành phố Nam Định. Là vùng đất “địa linh, nhân kiệt” nổi tiếng là quê hương có truyền thống hiếu học, khoa bảng, Thành Nam xưa là một trong 6 nơi trên cả nước có trường thi Hương, là một trong 3 đô thị (bao gồm Hà Nội, Huế, Nam Định) được dựng Cột Cờ. Trong 187 khoa thi dưới các triều đại phong kiến, Nam Định có 87 đại khoa, 11 trạng nguyên, bảng nhãn, thám hoa. Nhiều bậc hiển nho tài đức là người con quê hương Nam Định đã nổi danh, đóng góp cho đất nước trong sự nghiệp đấu tranh chống xâm lược, bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước qua các thời kỳ lịch sử.
Thành Nam xưa có nhiều làng cổ nổi tiếng về địa - văn hoá, chính trị và phong tục tập quán mang vóc dáng riêng, độc đáo như: làng Vỵ Hoàng, làng Phù Long, làng Năng Tĩnh, là vùng đất giàu trầm tích di sản văn hoá, có nhiều quần thể di tích có giá trị lịch sử văn hoá và kiến trúc gắn với lễ hội truyền thống đậm đà bản sắc, có sức hấp dẫn du khách trong nước và quốc tế. Thành phố Nam Định có 16 di tích đã được Nhà nước xếp hạng, gồm Đền Trần - Chùa Phổ Minh được xếp hạng Di tích lịch sử - văn hóa quốc gia đặc biệt, 8 di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia, 7 di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh. Khu di tích Đền Trần - Chùa Phổ Minh là trung tâm tôn giáo, tín ngưỡng lớn ở khu vực đồng bằng Bắc Bộ. Hàng năm, tại di tích diễn ra các kỳ lễ, lễ hội với nhiều hình thức sinh hoạt văn hóa dân gian đặc sắc mang ý nghĩa tôn vinh thời đại nhà Trần. Thành phố Nam Định hiện có 6 di tích lịch sử cách mạng kháng chiến được xếp hạng Di tích cấp quốc gia. Trong đó, có 1 di tích gắn liền với thời kỳ tiền khởi nghĩa là Nhà số 7 phố Bến Ngự - nơi thành lập Chi hội Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội đầu tiên ở tỉnh Nam Định (ngôi nhà do ông nội Tam nguyên Vỵ Xuyên Trần Bích San xây dựng năm 1849); 5 di tích lịch sử cách mạng kháng chiến được xây dựng trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, gồm: Cửa hàng cắt tóc dưới hầm, Cửa hàng ăn uống dưới hầm, Khu chỉ huy của Nhà máy liên hợp Dệt Nam Định, Khu di tích phố Hàng Thao, Hầm chỉ huy Thành ủy Nam Định trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước…
Thành Nam xưa là trung tâm thương nghiệp, có nền thủ công mỹ nghệ đa dạng, với các phố phường nổi tiếng nghề thủ công, buôn bán sôi động chẳng kém Thăng Long, phố Hiến. Bên cạnh những phố nghề thủ công, Thành Nam xưa là trung tâm thương mại, buôn bán giao thương sầm uất, nhất là vào thế kỉ XIX, sau khi Vua Minh Mạng cho đào con sông nối liền giữa sông Hồng và sông Đáy, là nơi giao thương nổi tiếng, thu hút các thương lái từ các tỉnh trong cả nước. Năm 1897, để phục vụ công cuộc khai thác thuộc địa, thực dân Pháp cho nạo vét sông Đào khơi thông đường thủy, khánh thành đường xe lửa tuyến Hà Nội - Nam Định, mở mang giao thông đường bộ, xây dựng nhà máy nước, nhà máy điện… Các sản phẩm dệt may tơ tằm, đặc biệt là “Sa tanh Nam Định” trở thành thương hiệu nổi tiếng trong nước và nước ngoài. Các sản phẩm thủ công mỹ nghệ của mỗi làng nghề truyền thống ở Thành Nam không chỉ đơn thuần là sản phẩm tiêu dùng, mà chứa đựng giá trị văn hoá bản địa độc đáo.
Dệt sợi bông tại Công ty Cổ phần Dệt may Sơn Nam. Ảnh: Việt Thắng |
Thành Nam nay
Sau 15 năm thực hiện Nghị quyết số 54-NQ/TW, ngày 14-9-2005 của Bộ Chính trị; Quyết định số 109/2006/QĐ-TTg, ngày 19-5-2006 của Thủ tướng Chính phủ; Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 1-12-2006 của Tỉnh ủy Nam Định và 5 năm thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU, ngày 9-6-2016 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIX về tập trung xây dựng, phát triển thành phố Nam Định, hình thành rõ nét một số chức năng trung tâm vùng Nam đồng bằng sông Hồng giai đoạn 2016-2020; công tác quy hoạch và phát triển đô thị được thực hiện tốt, thành phố Nam Định là đô thị loại I với các tiêu chí ngày được nâng cao, bền vững. Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Nam Định đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050 làm cơ sở định hướng phát triển thành phố. Kết cấu hạ tầng đô thị, đặc biệt là hạ tầng giao thông được cải thiện, kết nối thuận lợi với mạng lưới đô thị của vùng, tích cực xây dựng hạ tầng chính quyền điện tử, đô thị thông minh; hạ tầng thương mại dịch vụ ngày càng phát triển đồng bộ, hiện đại và hoạt động hiệu quả... từng bước khẳng định vai trò trung tâm của vùng Nam đồng bằng sông Hồng về văn hóa, thể thao, giáo dục và đào tạo.
Để thực hiện mục tiêu đến năm 2025 “xây dựng thành phố Nam Định văn minh, hiện đại, gắn với đô thị thông minh, hình thành rõ nét một số chức năng trung tâm vùng Nam đồng bằng sông Hồng”, thành phố tập trung xây dựng, tạo sự phát triển đột phá về kết cấu hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực, đẩy mạnh cải cách hành chính, xúc tiến, kêu gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư xây dựng các công trình trên địa bàn. Phát triển theo mô hình đa cực, lấy sông Đào và đô thị trung tâm hiện hữu làm trung tâm kết nối, hướng phát triển đô thị về hướng tây bắc và đông nam với 3 vùng: Vùng đô thị trung tâm: là trung tâm hành chính, thương mại, văn hóa của tỉnh và thành phố; Vùng đô thị phía tây và tây bắc (huyện Mỹ Lộc) với chức năng đô thị thông minh, các trung tâm giáo dục, thể dục thể thao cấp vùng gắn với phát triển công nghiệp, dịch vụ thương mại; Vùng phát triển phía Đông Nam với chức năng đô thị dịch vụ, du lịch. Khai thác tối đa lợi thế trong việc kết nối các đô thị lớn trong vùng đồng bằng sông Hồng. Tăng cường kết nối giữa các khu vực trong thành phố, đặc biệt là kết nối khu vực hai bên sông Đào; kết nối linh hoạt giữa các khu vực trong và ngoài tuyến đường vành đai. Bổ sung không gian công cộng với hạ tầng hiện đại phù hợp với thế hệ lao động mới - xu thế 4.0. Phát triển đặc trưng và bản sắc của thành phố Nam Định như: Văn hóa nhà Trần, truyền thống đất học, không gian khu phố cổ, nhà máy Dệt cũ, làng trồng hoa, cây cảnh… Tập trung phát triển các ngành công nghiệp, từng bước chuyển dịch sang các ngành công nghiệp phụ trợ có giá trị gia tăng cao. Quy hoạch và thực hiện vùng sản xuất chuyên canh ở các xã ven đô. Ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất các sản phẩm nông nghiệp có giá trị kinh tế cao như: trồng hoa, cây cảnh, rau sạch, thuỷ sản... Hình thành, mở rộng các mô hình liên doanh, liên kết trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm gắn với xây dựng thương hiệu cho một số nông sản có thế mạnh. Nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh; tiếp tục chuyển dịch cơ cấu kinh tế đúng hướng: công nghiệp - xây dựng, thương mại - dịch vụ, nông nghiệp; tạo ra nhiều sản phẩm với hàm lượng công nghệ, giá trị gia tăng và sức cạnh tranh cao. Đưa nền kinh tế thành phố tăng trưởng vượt bậc cả về quy mô cũng như giá trị; môi trường đầu tư thông thoáng, hấp dẫn, có năng lực cạnh tranh cao. Đầu tư xây dựng khu hành chính tổng hợp, các công trình hạ tầng công cộng, thương mại dịch vụ, khu vui chơi giải trí chất lượng cao.
Phát huy truyền thống, tiềm năng, lợi thế, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân thành phố Nam Định đoàn kết, năng động, sáng tạo, tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức, nỗ lực phấn đấu đến năm 2025 xây dựng thành phố Nam Định văn minh, hiện đại, gắn với đô thị thông minh, là trung tâm vùng Nam đồng bằng sông Hồng, xứng đáng là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh Nam Định./.
Việt Thắng