Nhà thương thuyết chiến lược Lê Đức Thọ và Hội nghị Paris

04:10, 01/10/2021

Hơn 5 năm trên bàn đàm phán ở Paris, Cố vấn Lê Đức Thọ và Bộ trưởng Xuân Thuỷ đã ghi dấu hình ảnh những nhà thương thuyết tài ba, góp phần buộc Mỹ phải ký Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Việt Nam; Nam Định tự hào về hào khí Đông A, về truyền thống cách mạng, nơi sản sinh, nuôi dưỡng những nhà cách mạng tiêu biểu, những học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đó là Cố Tổng Bí thư Trường Chinh; Cố vấn đặc biệt Lê Đức Thọ tại Hội nghị Paris về chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam cách đây gần 50 năm.

Ngày 23-1-1973 - ông Lê Đức Thọ và Kissinger ký tắt Hiệp định Hoà bình Việt Nam tại Trung tâm Hội nghị quốc tế phố Kléber, Paris. Ảnh: Tư liệu
Ngày 23-1-1973 - ông Lê Đức Thọ và Kissinger ký tắt Hiệp định Hoà bình Việt Nam tại Trung tâm Hội nghị quốc tế phố Kléber, Paris. Ảnh: Tư liệu

“Ván bài lật ngửa”

Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 đã mở ra bước ngoặt của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, làm lung lay ý chí xâm lược của quân viễn chinh Mỹ, buộc chúng phải tuyên bố “phi Mỹ hoá chiến tranh xâm lược Việt Nam” (tức là thừa nhận thất bại của chiến tranh cục bộ), chấm dứt không điều kiện chiến tranh phá hoại miền Bắc từ vĩ tuyến 20 trở ra, phải đến Hội nghị Paris để bàn về chấm dứt chiến tranh xâm lược của Mỹ ở Việt Nam.   

Ngày 13-5-1968, cuộc thương lượng chính thức giữa đại diện Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và đại diện Chính phủ Hoa Kỳ họp phiên đầu tiên tại Trung tâm Hội nghị quốc tế Kléber (Paris - Pháp), thu hút hàng nghìn nhà báo, nhà điện ảnh. Phái đoàn Mỹ do Haman - người đã từng tham gia các cuộc đàm phán cấp cao của các nước đồng minh chống phát xít trong chiến tranh thế giới lần thứ 2 dẫn đầu. Phía Việt Nam do đồng chí Xuân Thuỷ làm Trưởng đoàn. Sau một tháng “đọ gươm” ở hội trường Kléber, ngày 12-6-1968, người ta thấy xuất hiện trong Đoàn đại biểu Việt Nam Dân chủ Cộng hoà một gương mặt mới - đồng chí Lê Đức Thọ - với vai trò Cố vấn đặc biệt của Bộ trưởng Xuân Thuỷ. Các nhà báo còn “lạ lẫm” về ông, nhưng cơ quan tình báo Pháp và Mỹ đã có hồ sơ đầy đủ: “Ông là một nhà hoạt động cách mạng từ thời niên thiếu, tên thật là Phan Đình Khải, quê ở xã Địch Lễ, huyện Mỹ Lộc (nay là xã Nam Vân - thành phố Nam Định). Ông đã trải qua nhiều năm tháng trong chốn lao tù; từ nhà pha Hoả Lò ở Hà Nội đến nhà tù Sơn La, ngục Côn Đảo”. Năm 1968, được đánh giá là người có mưu lược vững vàng, biết quyết đoán khi cần thiết; đang được tăng cường cho Trung ương Cục miền Nam, ông được Hồ Chủ tịch gọi ra Hà Nội và cử làm Cố vấn đặc biệt cho Bộ trưởng Xuân Thuỷ.

Giữa tháng 6-1968, Bộ Chính trị có chủ trương cho phái đoàn ta thực hiện tiếp xúc riêng để thăm dò “tìm hiểu ý đồ của Mỹ”. Những cuộc tiếp xúc riêng cấp cao từ đầu tháng 9 năm 1968 cho đến ngày thoả thuận về việc Mỹ chấm dứt ném bom miền Bắc vô điều kiện để đi đến giải pháp chính trị 30-10-1968 có thể chia làm 2 bước: Bước 1 là thăm dò “tìm hiểu ý đồ của Mỹ”; bước 2 là đi đến thoả thuận.

Trong các cuộc gặp riêng bước 1, cùng với Bộ trưởng, Trưởng đoàn Xuân Thuỷ, Cố vấn Lê Đức Thọ với tầm nhìn xa trông rộng về chiến lược và khôn khéo, kiên quyết về nguyên tắc, linh hoạt về sách lược… đã từng bước đạt được các mục tiêu đề ra. Sau hơn hai tháng tiếp xúc sơ bộ, Cố vấn Lê Đức Thọ nhận định lý do quan trọng khiến chính phủ Hoa Kỳ nôn nóng muốn đi sớm vào đàm phán, về thực chất vấn đề là do tình hình chính trị nội bộ nước Mỹ đang có khủng hoảng sâu sắc. Lúc này, tình hình chiến trường chưa có gì thúc bách đối với địch, những cuộc vận động bầu cử tổng thống ở Mỹ đang đi vào giai đoạn gay gắt, trong đó vấn đề Việt Nam được xem là “yếu tố số 1” giữa hai ứng cử viên của Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hoà. Để giành lại lợi thế cho Humphrey (ứng cử viên của Đảng Dân chủ), Tổng thống Mỹ Giôn-xơn cần phải chấm dứt ném bom miền Bắc để đẩy cuộc đàm phán Paris sang giai đoạn mới mà vẫn tranh thủ được dư luận Mỹ và thế giới - không bị Đảng Cộng hoà của Ni-xon công kích là “đầu hàng Việt Cộng”. Vì vậy, trong các cuộc thương thuyết, Haman cố giữ lập trường “chấm dứt ném bom có điều kiện”; ngụy trang những điều kiện trên bằng những mỹ từ như: “cử chỉ đáp lại” của Bắc Việt Nam, “hoàn cảnh” để Mỹ chấm dứt ném bom. Cụ thể là, Mỹ đòi khôi phục quy chế khu phi quân sự, đòi ta không tiến công, hạn chế việc đưa lực lượng, hậu cần và thiết bị chiến tranh vào miền Nam, không bắn pháo vào Sài Gòn và các thành phố miền Nam.

Sau cuộc họp 20-9-1968, Đoàn ta báo cáo về, Bộ Chính trị nhận định: “Mỹ đã ngả bài”. Trong 2 tháng đấu trí căng thẳng, cuối cùng ngày 1-11-1968, Giôn-xơn phải bỏ hết các yêu sách và tuyên bố “Chấm dứt mọi cuộc oanh tạc bằng không quân, hải quân, pháo binh và hành động liên quan tới việc dùng vũ lực trên toàn bộ lãnh thổ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà”. Sau sự kiện này, Chính phủ ta ra tuyên bố: “Việc Mỹ phải chấm dứt hoàn toàn việc ném bom miền Bắc không điều kiện, đánh dấu một thắng lợi to lớn của nhân dân Việt Nam ở 2 miền”.

“Dĩ bất biến, ứng vạn biến”

Ngày 25-01-1969, Hội nghị Bốn bên về Việt Nam chính thức họp phiên đầu tiên (ngoài Trưởng đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và Trưởng đoàn Mỹ, tham gia Hội nghị còn có Trưởng đoàn của hai bên ở miền Nam Việt Nam là Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam và Việt Nam cộng hoà (chính quyền Nguyễn Văn Thiệu). Từ phiên họp đầu tiên đến khi đạt được dự thảo Hiệp định Paris về Việt Nam (ngày 20-10-1972), Hội nghị Bốn bên ở Paris trải qua 202 phiên họp chung công khai, 24 cuộc tiếp xúc riêng trong thời gian 4 năm 9 tháng.

Với tư cách là đại diện của Bộ Chính trị chỉ đạo cả 2 đoàn Bắc và Nam, Cố vấn Lê Đức Thọ và các nhà ngoại giao của phía ta đã kiên trì vững vàng nguyên tắc, sáng tạo biện pháp đấu tranh “bóc trần tim đen” của đối phương. Thực hiện phương châm “Dĩ bất biến, ứng vạn biến” trong các cuộc đấu trí căng thẳng, quyết liệt, Cố vấn Lê Đức Thọ luôn kiên định lập trường “Nước Việt Nam là một dân tộc. Chiến đấu và bảo vệ Việt Nam là quyền thiêng liêng của mọi người dân Việt Nam từ Nam đến Bắc. Lẽ “bất biến” của Cố vấn Lê Đức Thọ ở đây là: “Quân Mỹ rút ra, quân ta ở lại”; yêu cầu Mỹ phải chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam, rút quân Mỹ và chư hầu ra khỏi miền Nam; công việc nội bộ của Việt Nam là do người Việt Nam tự giải quyết trên tinh thần hoà hợp dân tộc, hoà bình thống nhất Tổ quốc”. Khôn khéo trong chiến lược đàm phán của ta là kiên quyết vạch trần âm mưu đánh đồng giữa sự có mặt của quân đội Mỹ ở miền Nam Việt Nam với bộ đội được chi viện từ miền Bắc vào chiến đấu giải phóng miền Nam bằng sự khẳng định: Một bên là xâm lược, phi nghĩa; một bên là lực lượng của cả dân tộc bảo vệ Tổ quốc, là chính nghĩa.

Đầu năm 1972, tình hình có những diễn biến quan trọng trên chiến trường miền Nam, Mỹ buộc phải rút hơn 40 vạn quân ra khỏi miền Nam Việt Nam. Ta tiến hành cuộc tấn công chiến lược rộng khắp, gây cho quân Mỹ - nguỵ nhiều thiệt hại. Tại nước Mỹ, phong trào chống chiến tranh đòi rút quân Mỹ về nước nổ ra mạnh mẽ. Trên thế giới, dư luận quốc tế và Chính phủ nhiều nước ủng hộ, cổ vũ cuộc chiến tranh chính nghĩa của nhân dân ta. Trong bối cảnh đó, Bộ Chính trị chủ trương chuyển hướng chiến lược, đồng thời đẩy mạnh hoạt động quân sự, chính trị trên chiến trường, ra sức lợi dụng mâu thuẫn trong hàng ngũ đối phương, buộc Mỹ trên bàn đàm phán phải chấp nhận những nguyên tắc cơ bản cho một giải pháp chính trị “Chấm dứt chiến tranh, rút hết quân Mỹ về nước, tôn trọng quyền dân tộc cơ bản của nhân dân Việt Nam và quyền tự quyết của nhân dân miền Nam; thừa nhận ở miền Nam có hai chính quyền, có hai quân đội, hai vùng kiểm soát và 3 lực lượng chính trị và sẽ tiến hành cuộc tổng tuyển cử để thống nhất nước Việt Nam”.

Trong cuộc họp đầu tháng 10-1972, ta đưa ra dự thảo “Hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Việt Nam”. Phía Mỹ đồng ý lấy bản dự thảo của ta làm cơ sở để thảo luận và thoả thuận. Từ đây, cuộc đấu tranh trên bàn đàm phán diễn ra gay go, quyết liệt, không chỉ tranh luận từng chương, từng điều của Hiệp định mà trao đổi từng câu, từng từ liên quan đến những nguyên tắc cơ bản của Hiệp định. Trong cuộc đàm phán căng thẳng như vậy, Cố vấn Lê Đức Thọ và Bộ trưởng Xuân Thuỷ cùng hai phái đoàn của ta dưới sự chỉ đạo của Bộ Chính trị đã đưa ra những lý lẽ thuyết phục, đanh thép, tố cáo, lên án tội ác của Mỹ, đồng thời “bẻ gãy” âm mưu “thương lượng trên thế mạnh” của chính quyền Ni-xon ngay trên bàn đàm phán. Cuộc đàm phán kéo dài đến ngày 20-10-1972 thì phía ta và Mỹ đã thỏa thuận về nội dung toàn bộ văn bản Hiệp định.

Qua nhiều cuộc trao đổi, ngày 13-01-1973, bản dự thảo Hiệp định về cơ bản được thoả thuận. Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh lập lại hoà bình ở Việt Nam được ký tắt ngày 23-01-1973 và được ký chính thức ngày 27-01-1973 giữa bốn Bộ trưởng đại diện các Chính phủ tham dự Hội nghị tại Hội trường Kléber ở Paris.

Hiệp định Paris được ký kết, buộc Mỹ phải chấm dứt chiến tranh, rút quân về nước là một thắng lợi to lớn của nhân dân ta trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước; là kết quả tổng hợp của cuộc đấu tranh trên cả 3 mặt trận quân sự, chính trị và ngoại giao, trong đó yếu tố chiến trường có ý nghĩa quyết định, nhưng đấu tranh ngoại giao đóng vai trò chủ động tích cực và sáng tạo, có tác dụng thúc đẩy, cổ vũ tinh thần chiến đấu ở chiến trường. Trong suốt quá trình thương lượng đến khi Hiệp định được ký kết, Cố vấn Lê Đức Thọ - người con của quê hương Nam Định đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Bác Hồ và Bộ Chính trị tin cậy giao phó, góp phần quan trọng cùng quân, dân ta “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho nguỵ nhào”, thống nhất đất nước, bảo vệ vững chắc độc lập dân tộc. Cuộc đời hoạt động cách mạng kiên cường, năng động với tinh thần lạc quan cách mạng của đồng chí Lê Đức Thọ là tấm gương sáng về truyền thống yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng cao cả, thiêng liêng của dân tộc./.

Việt Thắng

----------------------

Tài liệu tham khảo:

1, “Vì sao Mỹ thất bại trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam” (NXB Sự thật, 1988)

2, “Một số vấn đề tổng kết chiến tranh và biên soạn Lịch sử dân tộc” (NXB Sự thật, 1989)

3, “Các cuộc thương lượng Lê Đức Thọ - Kissinger tại Paris” (NXB Công an Nhân dân, 2002)

4, “Nhớ về anh Lê Đức Thọ” (NXB CTQG, 2000)



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com