Những kỷ niệm của đồng chí Lê Đức Thọ với quê hương Nam Định

04:10, 08/10/2021

Nguyễn Anh Tuấn
Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy,
Bí thư Thành ủy Nam Định

Đồng chí Lê Đức Thọ tên thật là Phan Đình Khải, sinh ra trong một gia đình, dòng họ có truyền thống hiếu học, yêu nước và cách mạng tại xã Địch Lễ, tổng Đồng Phù, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định (nay là thôn Địch Lễ, xã Nam Vân, thành phố Nam Định). Ông nội là cụ Đồ nho Phan Đình Hiến, mở trường dạy học và làm nghề thuốc chữa bệnh cho dân. Bác ruột là Tổng đốc Phan Đình Hòe, đỗ Cử nhân khi mới tròn 25 tuổi, nổi tiếng là vị quan thanh liêm, nhân từ. Thân phụ là Phan Đình Quế (1882-1928), một tri thức nho học được dân làng kính trọng, bầu làm Hương trưởng, rồi Chánh hương hội. Thân mẫu là bà Đinh Thị Hoàng (1882-1956), một người phụ nữ đôn hậu, đảm đang, tháo vát, hết lòng thương yêu chồng con.

Khu đô thị mới Hòa Vượng (thành phố Nam Định). Ảnh: Viết Dư

Khu đô thị mới Hòa Vượng (thành phố Nam Định).

Ảnh: Viết Dư

 Có thể nói, truyền thống gia đình, quê hương Nam Định có ảnh hưởng sâu sắc đến tư tưởng yêu nước, lý tưởng cách mạng của đồng chí Lê Đức Thọ. Cái nôi quê hương cách mạng đã sản sinh ra một con người kiệt xuất; từ một thanh niên yêu nước trở thành một chiến sĩ cộng sản kiên trung bất khuất của Đảng, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Sinh thời dù gánh vác nhiều trọng trách nặng nề song đồng chí luôn dành tình cảm cho quê hương, quan tâm sâu sắc đến sự phát triển của quê hương.

Tháng 5-1963, về dự Đại hội Đảng bộ Nam Định lần thứ IV, đồng chí Lê Đức Thọ đã căn dặn “Các đồng chí và nhân dân Nam Định đấu tranh cách mạng rất anh dũng. Chúng ta đã giành được nhiều thắng lợi vẻ vang. Trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội và đấu tranh thống nhất nước nhà, chúng ta cần phải dũng cảm tiến lên để giành những thắng lợi cách mạng to lớn hơn nữa”. Thực hiện chỉ đạo của đồng chí Lê Đức Thọ, Thành ủy Nam Định đã ban hành nghị quyết thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ nhất và giành nhiều thành tích, nhất là trong phong trào “Sóng duyên hải”, “Gió đại phong”, “Cờ Ba nhất” và “Hai tốt Bắc Lý”. Đây là những chuyển biến tích cực tạo tiền đề để Đảng bộ và nhân dân thành phố bước vào thực hiện và kế hoạch Nhà nước 1964 đạt nhiều kết quả mới.

Năm 1973, đồng chí Lê Đức Thọ về thăm và làm việc với tỉnh Nam Định. Đồng chí đã đến thăm chùa Tháp Phổ Minh, thành phố Nam Định và nhắc nhở Đảng bộ thành phố phải giữ gìn, bảo tồn tháp Phổ Minh vì đây chính là biểu tượng, niềm tự hào của người con Nam Định, của quê hương. Tháp Phổ Minh là một trong số ít công trình còn giữ được tương đối toàn vẹn nhiều dấu tích nghệ thuật thời Trần dưới bàn tay tài hoa cùng với niềm tự hào chiến thắng trong võ công hiển hách của những người thợ Đại Việt đã kết tinh lại để tạo nên một tháp Phổ Minh kiêu hùng; một dấu tích quan trọng, một thời của Hào khí Đông A - Nhà Trần; là nơi gắn liền với Triều đại nhà Trần đã để lại cho dân tộc ta những thành tựu to lớn về nhiều lĩnh vực: chính trị, tư tưởng, kinh tế, văn hóa, quân sự…

Sau đại thắng mùa Xuân 1975, miền Nam hoàn toàn giải phóng, đồng chí Lê Đức Thọ đã về dự Đại hội đại biểu Đảng bộ Hà Nam Ninh lần thứ nhất (năm 1976). Tại thành phố Nam Định, đồng chí Lê Đức Thọ trồng cây đa lưu niệm tại công viên Vị Xuyên. Gặp gỡ, nói chuyện với các đồng chí lão thành cách mạng, đồng chí nói: “Năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng phụ thuộc một cách quyết định vào trình độ mọi mặt và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên”. Thực hiện tư tưởng, chỉ đạo của đồng chí Lê Đức Thọ, Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ VI đã cụ thể hóa và đề ra phương hướng: “Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ, phát huy quyền làm chủ tập thể của nhân dân lao động, tiến hành đồng thời 3 cuộc cách mạng; khai thác tốt nhất khả năng tiềm tàng của địa phương, dấy lên cao trào sôi nổi trên mọi lĩnh vực tạo một sự tiến bộ mới trong công nghiệp, một bước phát triển vượt bậc trong nông nghiệp; chuyển biến mạnh mẽ sản xuất hàng tiêu dùng, vật liệu xây dựng, xuất khẩu và phục vụ nông nghiệp, xây dựng hoàn chỉnh vùng thực phẩm ngoại thành. Kết hợp chặt chẽ công nghiệp với nông nghiệp, nội thành với ngoại thành, tập trung xây dựng cơ sở vật chất và kỹ thuật phục vụ sản xuất và cải thiện đời sống; tăng cường quản lý kinh tế, quản lý thành phố về mọi mặt; phấn đấu xây dựng thành phố Nam Định thành thành phố xã hội chủ nghĩa”.

Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, đồng chí Lê Đức Thọ luôn dành cho quê hương những tình cảm thiêng liêng và sâu nặng. Ngày 24-10-1988, đồng chí Lê Đức Thọ về thăm quê hương. Với tình cảm chân tình, gần gũi với tất cả mọi người, đồng chí đã thăm hỏi, nói chuyện với cán bộ, đảng viên và nhân dân thôn Địch Lễ, xã Nam Vân. Tại nhà ông Phan Đình Nghĩa, là cháu họ; khi ấy mọi người sum vầy, trò chuyện thật cảm động. Lúc này, đồng chí Chánh Văn phòng UBND tỉnh Hà Nam Ninh mạnh dạn đề nghị nguyện vọng của tỉnh và địa phương mong muốn được xây dựng Khu lưu niệm về gia đình đồng chí để giáo dục truyền thống cho thế hệ mai sau.

Sau một hồi trầm tư, suy nghĩ, đồng chí quay sang hỏi:

- Các đồng chí lãnh đạo tỉnh và địa phương có thường xuyên chăm lo đến đời sống các gia đình chính sách không? Bà con ta có đủ cơm ăn, áo mặc không?

Một cụ già đứng lên trả lời:

- Thưa đồng chí, gia đình chúng tôi còn đói lắm ạ.

Nghe xong, đồng chí Lê Đức Thọ xúc động nói:

- Cả 3 anh em chúng tôi cống hiến cho cách mạng là để chăm lo cuộc sống nhân dân. Vậy các đồng chí hãy lấy số tiền đó để lo cho đời sống các gia đình chính sách.

Nghe xong mọi người đều thấm thía.

Đồng chí tâm sự:

- Tôi rất muốn về thăm quê nhưng còn bận nhiều việc của đất nước nên không thể đi được. Mong bà con thông cảm cho tôi.

Quê hương luôn trong trái tim người cộng sản Lê Đức Thọ. Bài thơ “Tình quê hương” đã nói lên tấm lòng cũng như mong muốn, nhắc nhở các thế hệ con, cháu phải tiếp tục giữ gìn và phát huy truyền thống của dòng họ, gia đình để xây dựng quê hương, đất nước.

“… Trở về thăm lại quê hương
Sáu mươi năm mấy dặm trường đã qua
Đường đi ngàn dặm dù xa
Tình quê vẫn thắm lòng ta dạt dào”

(Trích bài thơ Tình quê hương, tháng 10-1988)

Trong quãng đời hoạt động cách mạng xa quê hương, gia đình, người mà đồng chí Lê Đức Thọ luôn dành trọn sự tôn kính và tình cảm thiêng liêng sâu sắc chính là bà Đinh Thị Hoàng (thân mẫu của đồng chí Lê Đức Thọ). Chồng mất sớm, một mình bà đảm đương công việc gia đình, tần tảo nuôi dạy 8 anh chị em khôn lớn trưởng thành. Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, ngôi nhà bà Đinh Thị Hoàng đã nuôi giấu các đồng chí cán bộ cách mạng Trường Chinh, Nguyễn Lương Bằng, Nguyễn Văn Linh, Hoàng Quốc Việt… Chính người mẹ mẫu mực ấy đã ảnh hưởng sâu sắc đến tình cảm, đạo đức, nhân cách của đồng chí. Trong lần về thăm quê năm 1988, thắp hương tại nhà thờ họ Phan, xã Nam Vân, đồng chí Lê Đức Thọ bồi hồi, xúc động:

“… Mẹ còn đâu nữa mà trông
Đã yên giấc mẹ giữa đồng xanh tươi
Quê hương mấy chục năm trời
Bao phen hào khí dập vùi gian nan
”.

(Trích bài thơ Tình quê hương, tháng 10-1988)

Thực hiện lời căn dặn của đồng chí Lê Đức Thọ trong những lần về thăm quê, Đảng bộ và nhân dân thành phố Nam Định không ngừng phấn đấu, vươn lên xây dựng thành phố giàu mạnh, văn minh, hiện đại.

Bước vào thời kỳ đổi mới, trên nền tảng những thành tựu đạt được, Đảng bộ, chính quyền, lực lượng vũ trang và nhân dân thành phố Nam Định đã nỗ lực phấn đấu, vượt qua nhiều khó khăn thách thức, hoạch định đường lối, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường quốc phòng - an ninh, xây dựng hệ thống chính trị, nâng cao đời sống nhân dân, đạt được những thành tựu quan trọng, tạo ra bước phát triển mạnh mẽ, vượt bậc, toàn diện trên mọi lĩnh vực, mang lại sự đổi thay to lớn cho thành phố Nam Định. Đến nay, kinh tế thành phố liên tục tăng trưởng. Quy mô nền kinh tế phát triển nhanh. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp, xây dựng, dịch vụ, giảm tỷ trọng nông nghiệp. Cơ sở hạ tầng ngày càng phát triển, diện mạo đô thị thay đổi. Nhiều công trình trọng điểm được hoàn thành và đưa vào sử dụng tạo điểm nhấn cho thành phố. Chú trọng công tác quy hoạch, quản lý và đầu tư nâng cấp, bảo tồn, phát huy giá trị các di tích lịch sử, văn hóa và danh thắng, các thiết chế văn hóa, thể thao, khu vui chơi giải trí trên địa bàn, phát huy bản sắc, giá trị tốt đẹp của văn hóa, con người Thành Nam./.



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com