Nơi 63 năm trước Bác đã về thăm

08:05, 19/05/2021

Về Yên Tiến (Ý Yên) vào những ngày này đi trên con đường trải bê tông phẳng lỳ trải dài từ trục xã đến các xóm, thôn hai bên rực rỡ cờ đỏ sao vàng, băng rôn, khẩu hiệu hướng về ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026; những căn nhà cao tầng, mái bằng san sát, rộn rã tiếng tiếng máy cưa, máy mài, tiếng đục chạm, chúng tôi cảm nhận được niềm vui mừng phấn khởi trong nhịp sống của người dân nơi đây. Để có được những đổi thay ấy, Đảng bộ, chính quyền xã Yên Tiến đã phát huy truyền thống cách mạng của quê hương; chăm lo công tác xây dựng tổ chức Đảng, chính quyền xã vững mạnh để lãnh đạo phát triển kinh tế - xã hội địa phương nhanh và bền vững. 

Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm Đình Thượng Đồng, xã Yên Tiến ngày 13-8-1958.  Ảnh: Tư liệu

Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm Đình Thượng Đồng, xã Yên Tiến ngày 13-8-1958.

Ảnh: Tư liệu

Đồng chí Phạm Thị Thúy, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Yên Tiến cho biết: Trong các cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước, Yên Tiến đều được chọn làm khu căn cứ cách mạng. Nơi đây, ngày 13-8-1958 vinh dự được Bác Hồ về thăm và tặng thưởng Cờ thi đua, Huân chương Lao động hạng Ba cho Đảng bộ và nhân dân Yên Tiến về thành tích xây dựng hợp tác xã nông nghiệp đạt năng suất cao; tặng Huy hiệu của Bác cho các kiện tướng sản xuất giỏi. Sau ngày Bác Hồ về thăm Đảng ủy, UBND xã Yên Tiến đã phát động phong trào thi đua làm theo lời Bác, thực hiện tốt nhiệm vụ hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục sản xuất, phát triển kinh tế - văn hóa, ổn định đời sống nhân dân đồng thời tích cực chi viện sức người, sức của cho chiến trường miền Nam. Giai đoạn 1965-1975, trong không khí sôi động cả nước quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, nhân dân Yên Tiến tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước. Tiêu biểu như các phong trào “Phụ nữ đảm đang”, “Phụ lão hăng hái”, “Thanh niên sẵn sàng”... Các hợp tác xã nông nghiệp đều thi đua cải tiến cách điều hành, vận động xã viên “Mỗi người làm việc bằng hai vì miền Nam ruột thịt”. Do địa bàn nằm trên trục đường huyết mạnh vận chuyển người, vũ khí, vật tư và lương thực chi viện cho tiền tuyến miền Nam nên xã luôn là mục tiêu đánh chặn của máy bay Mỹ. Vì vậy Đảng ủy, UBND xã Yên Tiến tập trung xây dựng các trung đội, đại đội dân quân sẵn sàng chiến đấu và phục vụ chiến đấu; sơ tán người và của cải, hàng hóa, lương thực đến nơi an toàn; quân sự hóa việc lao động sản xuất, sinh hoạt, hội nghị theo thời chiến. Trung đội dân quân trực chiến của xã cùng nhân dân đào giao thông hào, đắp ụ pháo, xây dựng trận địa phòng không, đắp cầu dã chiến theo yêu cầu của huyện, tỉnh. Các đình, chùa trên địa bàn xã đều được dùng làm kho chứa gạo, xăng dầu và các vật tư thiết bị quân sự sẵn sàng chuyển lên tàu, lên xe đưa vào miền Nam phục vụ chiến đấu. Theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, nhiều người con ưu tú của Yên Tiến lên đường nhập ngũ, trong đó, có người anh dũng hy sinh, nhiều người bỏ một phần xương máu nơi chiến trường để cùng đất nước đi đến thắng lợi cuối cùng. Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, toàn xã có 1.550 thanh niên nam nữ lên đường nhập ngũ, 300 người đi thanh niên xung phong, 7.000 người tham gia lực lượng dân quân tự vệ; đào đắp 3.500m giao thông hào phục vụ chiến đấu phòng không, đào đắp 9.300 hố cá nhân, 45 hầm trú ẩn ở những nơi công cộng; xây 80 ụ súng phòng không, vận chuyển 288 nghìn m3 đất đắp cầu A2 Ninh Bình; đóng góp cho kháng chiến chống Mỹ 500 nghìn tấn lương thực, 50 nghìn tấn thực phẩm. Qua các cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc, xã có 6 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng; 160 liệt sĩ, 243 thương, bệnh binh… 

Phát huy truyền thống quê hương, trong công cuộc đổi mới, Đảng ủy, UBND xã Yên Tiến đã tập trung lãnh đạo nhân dân phát triển kinh tế theo hướng bền vững. Trong đó đã chỉ đạo các tổ chức đoàn thể tuyên truyền, vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, con nuôi, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Với lợi thế là có nghề truyền thống sơn mài lâu đời, những năm qua, Đảng ủy, UBND xã Yên Tiến luôn xác định phát triển tiểu thủ công nghiệp, làng nghề sơn mài, làm đồ thờ, mây tre đan xuất khẩu là ngành kinh tế mũi nhọn, từ đó tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, đào tạo nghề cho người lao động, khuyến khích, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, hộ gia đình đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh. Xã tạo điều kiện giúp các hộ dân có nhu cầu được tiếp cận với các nguồn vốn vay phát triển kinh tế gia đình, thông qua các kênh vay vốn của Hội Nông dân, phụ nữ. Hiện tại nguồn vốn vay của các hộ dân dư nợ khoảng 200 tỷ đồng. Để giải quyết những hạn chế trong phát triển làng nghề, nhất là vấn đề ô nhiễm môi trường, lấn chiếm đất đai, xã đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền trong nhân dân, đồng thời thường xuyên kiểm tra, xử lý các vi phạm. Ngoài ra, xã khuyến khích hộ dân các thôn khai thác, mở rộng phát triển kinh doanh thương mại, dịch vụ và tiểu thủ công nghiệp các tuyến Quốc lộ 10, Quốc lộ 38B và đường 57B. Với nhiều giải pháp đồng bộ, xã đã tạo động lực cho nghề mây tre đan, sơn dầu, sơn mài, chạm khắc gỗ, may mặc của Yên Tiến phát triển mạnh mẽ. Hiện cả xã có gần 50 doanh nghiệp đang làm ăn khấm khá; nhiều doanh nghiệp có từ 70 đến 1.000 lao động, doanh thu từ 20 đến 30 tỷ đồng/năm, tiêu biểu như các doanh nghiệp: Nam Hải, Ngô Văn Thái, Ngô Văn Toàn, Nam Xuyến đang thu hút lao động tại chỗ và lao động nơi khác về làm với mức thu nhập từ 6 đến 15 triệu đồng/người/ tháng. Hiện toàn xã có 90% số hộ có nghề may tre đan, sơn dầu, sơn mài, nghề gỗ, chạm khắc gỗ và may mặc. Kinh tế phát triển, xã có điều kiện đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, tập trung hoàn thiện các tiêu chí xã NTM nâng cao và thôn, xóm NTM kiểu mẫu, trong đó xóm Trung Thứ đã đạt xóm NTM kiểu mẫu... 

Với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, bộ mặt nông thôn ở Yên Tiến đã có nhiều đổi thay. Từ năm 2015 đến nay tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm của xã đạt 14,5%. Cơ cấu kinh tế của xã chuyển dịch theo hướng tích cực. Tỷ trọng các ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp chiếm 60%; thương mại, dịch vụ chiếm 20%; nông nghiệp giảm còn 20%. Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 0,24%. Các hoạt động văn hóa, xã hội có tiến bộ, an sinh xã hội được đảm bảo. Công tác quốc phòng, quân sự địa phương được tăng cường, trật tự an toàn xã hội được giữ vững./. 

Văn Trọng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com