PGS.TS. Lê Quốc Lý
(tiếp theo)
Tư tưởng đổi mới kinh tế của đồng chí Trường Chinh không phải không gặp các rào cản, phản đổi, mà có rất nhiều rào cản, phản đối trong thực tế, cụ thể là đã có "ý kiến phê phán gay gắt là "chạy theo chủ nghĩa xã hội thị trường", "say sưa với cơ chế thị trường", "bắt chước các quan điểm của nước ngoài", cho rằng phải "cẩn thận với những con ngựa thành Tơroa", "chủ nghĩa cơ hội hữu khuynh",... Trước thực tế đó, đồng chí Trường Chinh đã nêu: "trong quá trình đổi mới tư duy, nhất là tư duy kinh tế, không thể không sử dụng các phạm trù sản xuất hàng hóa, quy luật giá trị, đòn bẩy kinh tế, quan hệ hàng hóa, tiền tệ, giá cả thị trường,... là những phạm trù chính trị kinh tế học được các nhà kinh điển chủ nghĩa Mác - Lênin đúc kết và khái quát, thì tại sao lại không dùng được. Vấn đề là những phạm trù kinh tế ấy có phù hợp với điều kiện cụ thể, phản ánh được những quy luật kinh tế khách quan của nước ta hay không, chứ không phải là vấn đề bắt chước hay không bắt chước quan điểm của nước ngoài".
Đồng chí Trường Chinh nói chuyện với cán bộ ngành tiểu thủ công nghiệp. |
Đóng góp to lớn của đồng chí Trường Chinh về vấn đề kinh tế còn được thể hiện khi với cương vị là Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam (từ ngày 14-7-1986), đồng chí Trường Chinh làm Trưởng Tiểu ban văn kiện cho Đại hội VI của Đảng, đã đi sâu nghiên cứu, đưa ra các quan điểm, phương hướng đổi mới đất nước, trong đó trọng tâm là đổi mới kinh tế, đặc biệt, chú ý đến các vấn đề lớn về kinh tế còn nhiều ý kiến khác nhau như cơ cấu sản xuất và cơ cấu đầu tư, về xây dựng quan hệ sản xuất mới với nền kinh tế nhiều thành phần, về cơ chế quản lý... Dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng, đã được đồng chí Trường Chinh yêu cầu sửa chữa, hoàn thiện nhiều lần và đồng chí đã cho rằng, quá trình cách mạng xã hội chủ nghĩa ở nước ta đòi hỏi chúng ta phải đổi mới trên nhiều mặt: đổi mới tư duy, nhất là tư duy kinh tế, đổi mới phong cách làm việc, đổi mới tổ chức và cán bộ. Đại hội lần thứ VI của Đảng ta phải đáp ứng yêu cầu đó. Bước đổi mới phải được thể hiện trong nội dung các văn kiện của Đảng, trước hết là trong Báo cáo chính trị và trong phương hướng bố trí nhân sự của Trung ương, của các cấp ủy Đảng tại đại hội các cấp và Đại hội toàn quốc lần này".
Đóng góp của đồng chí Trường Chinh được thể hiện rõ nét trong việc nêu rõ ba bài học quan trọng: Một là, "sức mạnh của một nước, của cách mạng chính là ở nhân dân. Hai là, phải tôn trọng quy luật khách quan, vận dụng nó vào thực tế. Ba là, giữ vững và tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng.
Điều đặc biệt trong đóng góp của đồng chí Trường Chinh có thể kể đến là trong hành động, đồng chí Trường Chinh đã xác định: "phải kiên quyết và dứt khoát chấm dứt cách bố trí kế hoạch và lối làm ăn cũ, không thể duy trì cơ cấu sản xuất và đầu tư bất hợp lý, với hiệu quả rất thấp như hiện nay. Tiếp tục cách làm cũ thì nền kinh tế sẽ gặp khó khăn lớn hơn, không thể củng cố được quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa và cũng không thể xây dựng cơ chế quản lý một cách thuận lợi". Đồng chí cũng đã chỉ rõ: "chuyển hướng là việc rất khó khăn, đòi hỏi chúng ta phải đổi mới tư duy, thay đổi cách nghĩ, cách làm, dám thừa nhận và thay đổi những quyết định sai lầm trước đây của mình, dám dũng cảm xử lý những việc phức tạp. Sắp xếp lại, giãn tiến độ, đình, hoãn, cắt bỏ những công trình đã từng chăm lo, đã tốn công sức, tiền của để xây dựng, rõ ràng là đau đớn, nhưng nhất định phải "giải phẫu" thì mới chữa được căn bệnh trầm trọng. Phải dũng cảm, phải chịu đựng".
Phân tích tình hình nước ta đi lên chủ nghĩa xã hội từ tình trạng nghèo nàn, lạc hậu với hàng triệu người chưa có việc làm, bởi vậy, theo đồng chí Trường Chinh "không có con đường nào khác hơn là chúng ta phải thừa nhận sự tồn tại của các thành phần kinh tế”. Đây là đóng góp đột phá của đồng chí Trường Chinh trên lĩnh vực kinh tế bởi quan điểm này là tiền đề để chuyển tư duy từ không thừa nhận các thành phần kinh tế đến thừa nhận, khuyến khích và đến hôm nay coi phát triển kinh tế tư nhân là động lực phát triển của nền kinh tế. Công lao của đồng chí Trường Chinh trong lĩnh vực kinh tế vô cùng to lớn chính ở chỗ khẳng định "nhất thiết không thể bỏ qua phát triển sản xuất hàng hóa” và đồng chí cũng khẳng định: "các thành phần kinh tế còn tồn tại lâu dài". Chính vì lẽ đó đồng chí Trường Chinh cũng chỉ ra: "phải thay đổi cách nghĩ, cách làm về cải tạo. Phải lấy phát triển làm mục đích, cải tạo làm phương tiện, gắn phương tiện với mục đích. Tiến hành cải tạo phải nhằm mục đích làm cho sản xuất phát triển hơn trước khi cải tạo và khi sản xuất phát triển với mức độ cao hơn thì lại tiếp tục tiến hành cải tạo với bước đi và hình thức thích hợp đế thúc đẩy sản xuất phát triển cao hơn nữa".
(còn nữa)