GS.TS Tạ Ngọc Tấn
(tiếp theo)
Đặng Xuân Khu được chi bộ phân công làm chủ bút tờ Con đường chính. Cùng tham gia với đồng chí để viết bài và xuất bản báo có các tù nhân cộng sản khác như Trịnh Đình Cửu, Đỗ Ngọc Du, Trần Quang Tặng, Nguyễn Văn Ngạn... Mỗi số được chép tay ra 5-7 bản rồi bí mật chuyên đến các trại cho các tù nhân cộng sản truyền tay nhau đọc. Báo Con đường chính xuất bản từ tháng 2-1932 đến cuối năm 1932 thì đình bản do sự khủng bố gắt gao của bộ máy cai quản nhà tù. Dưới bút danh Cây Xoan, Đặng Xuân Khu đã viết nhiều bài báo trên tờ Con đường chính để tranh luận, phản bác các quan điểm sai trái của các đảng viên Quốc dân Đảng chống cộng đăng trên tờ Đường cách mạng. Đó là những bài viết với thái độ khách quan, khoa học, luận điểm chặt chẽ, chứng cứ rõ ràng về các vấn đề: Tổ quốc, dân tộc, triết học, giai cấp, đấu tranh giai cấp, khởi nghĩa cách mạng... Những bài báo của Đặng Xuân Khu đã góp phần quan trọng trong việc bồi dưỡng chính trị cho các tù nhân cộng sản, bảo vệ đường lối cách mạng của Đảng và thuyết phục một số đảng viên Quốc dân Đảng từ bỏ lập trường cách mạng tư sản để gia nhập đội ngũ của Đảng Cộng sản. Vì thế, một số đảng viên đầu sỏ chống cộng của Quốc dân Đảng tìm cách trả thù, phá hoại tờ báo của những người cộng sản bằng cách ngầm báo cho cai tù. Mỗi lần khám xét, bắt được tài liệu hay các công cụ để ra báo, bọn cai tù, mật thám lại tra khảo các tù nhân cộng sản rất dã man. Đồng chí Nguyễn Lương Bằng kể lại: "Một hôm chúng khám phá được tài liệu, liền bắt tôi, anh Trường Chinh ra đánh. Trận này anh Trường Chinh bị nó đánh nặng hơn cả, bây giờ tay của anh còn sẹo đấy". Nhưng, sự khủng bố của kẻ thù không thể làm nhụt ý chí đấu tranh cách mạng của Đặng Xuân Khu và các tù nhân cộng sản, những người luôn tin tưởng rằng:
Chí lớn nấu nung trong ngục tối,
Sẽ đem thi thố một ngày mai.
Sau gần một năm giam giữ, thực dân Pháp mở phiên tòa xét xử 40 chiến sĩ cách mạng trong đó có Đặng Xuân Khu. Sáng ngày 29-9-1931, tòa án thực dân Pháp tuyên án Đặng Xuân Khu, số tù 98290, mức án 12 năm tù, tính từ ngày 19-11-1930 đến ngày 19-11-1942 vì "tội" làm truyền đơn cổ động phong trào chống đối nhà cầm quyền và vận động binh lính Pháp, làm và phổ biến sách cấm. Tháng 2-1933, thực dân Pháp đưa Đặng Xuân Khu cùng 210 tù nhân cộng sản và Quốc dân Đảng, những phần tử nguy hiểm nhất lên nhà tù Sơn La. Mục đích thâm độc của chúng là nhằm cách ly những người cách mạng với phong trào và các tổ chức đoàn thể, đồng thời dựa vào khí hậu khắc nghiệt của nơi rừng thiêng, nước độc kết hợp với chế độ tù đày hà khắc để giết dần, giết mòn và đè bẹp ý chí chiến đấu của các tù nhân. Mặt khác, đó cũng là cách để phòng tránh những vụ vượt ngục như đã xảy ra ở Hỏa Lò cuối năm 1932. Trong thư gửi Thống sứ Bắc Kỳ năm 1932, tên Công xứ kiêm chúa ngục Sơn La Xanhpulốp viết: "Xin ngài cứ tiếp tục gửi chính trị phạm lên Sơn La. Bọn này ở Hỏa Lò là những hạng hung hăng khó trị, nhưng nếu lên Sơn La chỉ trong vòng 6 tháng thôi, vi trùng sốt rét sẽ làm cho chúng suy nhược và trở nên hiền lành". Quả đúng như thế, chỉ từ tháng 2 đến tháng 9-1933 đã có 43 tù nhân ở nhà tù Sơn La bị chết.
Báo Le Travail, tuần báo chính trị và kinh tế xuất bản thứ 6 hàng tuần bằng tiếng Pháp tại Hà Nội, số 6, ngày 21/10/1936 |
Giữa tháng 11-1933, do áp lực của phong trào đấu tranh ở Pháp đòi ân xá tù chính trị Đông Dương và chính sự đấu tranh của những tù nhân chính trị ở Đông Dương, Đặng Xuân Khu cùng nhiều tù nhân cộng sản ở Sơn La được chuyển về Hà Nội. Tháng 5-1935, Đặng Xuân Khu lại bị đưa đi đày tại nhà tù Sơn La và thêm một lần nữa nếm trải chế độ lao tù vô cùng hà khắc ở cái địa ngục trần gian này. Trong điều kiện vô cùng khó khăn của nhà tù thực dân, đồng chí đã viết cuốn sách Chống chủ nghĩa thực dân và chủ nghĩa cải lương. Nội dung cuốn sách lên án chế độ thực dân Pháp ở Đông Dương, phê phán chủ nghĩa cải lương - một thứ đồng minh của chế độ thực dân áp bức. Đồng thời, đồng chí cũng luận giải và minh chứng khả năng thắng lợi của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, giành tự do, cơm áo, hòa bình cho nhân dân; chỉ ra những yêu cầu, nhiệm vụ trong việc chuẩn bị các điều kiện để bước vào cuộc chiến đấu giành tự do khi thời cơ đến. Cuốn sách trở thành tài liệu huấn luyện chính trị cho các đảng viên trong tù.
Do thắng lợi của Mặt trận bình dân ở Pháp và phong trào đấu tranh đòi tự do dân chủ ở trong nước, ngày 29-9-1936, Đặng Xuân Khu và hàng nghìn tù chính trị đã được trả tự do.
Làm báo và lãnh đạo báo chí cách mạng thời kỳ mặt trận dân chủ
Sau khi được trả tự do, Đặng Xuân Khu nhanh chóng liên lạc với tổ chức Đảng và bắt nhịp với phong trào cách mạng đang mở rộng trong điều kiện chính phủ cánh tả ở Pháp thực hiện chính sách cởi mở ở Đông Dương. Đồng chí được phân công tham gia Ban Biên tập báo Le Travail. Đây là tờ báo xuất bản công khai bằng tiếng Pháp, do một số giáo sư trường Thăng Long đứng ra đề nghị và được chính quyền cho phép. Tuy nhiên sau khi Le Travail xuất bản, ủy ban sáng kiến tức Ban vận động lập lại Xứ ủy Bắc Kỳ đã trực tiếp chỉ đạo tờ báo, coi đây là cơ quan thông tin tuyên truyền nhằm vận động cách mạng, tập hợp lực lượng, đấu tranh chống chế độ thực dân, phong kiến. Số 1 của Le Travail ra ngày 16-9-1936. Sau bảy tháng hoạt động, báo tuyên bố đình bản nhưng nó đã để lại tiếng vang rộng lớn trong xã hội đương thời, nhất là trong giới trí thức Việt Nam và trí thức dân chủ tiến bộ ở Pháp.
(còn nữa)