GS.TS Tạ Ngọc Tấn
Đồng chí Trường Chinh tên thật là Đặng Xuân Khu, sinh ngày 9-2-1907 trong một gia đình có truyền thống Nho học tại làng Hành Thiện. Ông cụ thân sinh đồng chí là Đặng Xuân Viện (1880-1958), một nhà Nho uyên bác, không thành đạt về khoa bảng nên không tham gia quan trường, ở nhà dạy học và viết sách. Cụ là một cây bút xuất sắc trong nhóm "Nam Việt Đồng Thiện Hội", từng viết cho nhiều tờ báo lớn ở Hà Nội như Nam phong, Trung Bắc tân văn, Đông Pháp, Ngọ báo và từng được tặng thưởng giải nhất cuộc thi thơ do báo Đồng Pháp tổ chức. Ông đã để lại cho đời sau bộ sách Minh Đô sử (100 quyển) và nhiều tập sách về danh nhân, cổ sử của đất nước. Thân mẫu đồng chí là bà Nguyễn Thị Từ, con cụ Cử nhân Nguyễn Đức Ban. Bà là người phụ nữ có tiếng "công, dung, ngôn, hạnh", là nhà giáo đầu tiên, người truyền dạy tình yêu quê hương, đất nước cho các con. Ông nội của đồng chí là Đặng Xuân Bảng, đỗ tiến sĩ tam giáp đệ nhất danh năm 1856, làm quan đến chức Tuần phủ Hải Dương, một vị quan thanh liêm, trung thực, một nhà Nho uyên bác, tác giả của nhiều công trình lớn như: Sử học bị khảo, Việt sử cương mục tiết yếu, Cổ nhân ngôn hành lục...
Người cộng sản trẻ tuổi và Báo Dân cày
Một số báo Dân Cày. Ảnhchụp lại: VGP |
Do truyền thống giáo dục và điều kiện gia đình khá giả, từ nhỏ Đặng Xuân Khu đã được làm quen với Tứ thư, Ngũ kinh, được tiếp thu từ cha, mẹ những bài học về văn hóa, lịch sử và Nho học. Lớn lên, Đặng Xuân Khu được gia đình cho theo Tây học ở Trường Thành Chung Nam Định. Ngay trên ghế nhà trường, Đặng Xuân Khu đã tham gia các hoạt động đòi ân xá cho nhà yêu nước Phan Bội Châu. Ngày 11-3-1926, nhà yêu nước Phan Chu Trinh mất, phong trào truy điệu và để tang cụ ngay lập tức lan ra cả nước, ở Nam Định, Đặng Xuân Khu đã cùng với Nguyễn Đức Cảnh, Nguyễn Khắc Lượng, Nguyễn Tường Loan, Đặng Châu Tuệ, Nguyễn Văn Hoan, Nguyễn Danh Đới và một số học sinh khác khởi xướng việc bãi khóa và vận động nhân dân, đòi tổ chức Lễ truy điệu cụ Phan Chu Trinh. Sự kiện đó đã gây tiếng vang trong cả nước làm cho chính quyền thực dân tức tối trả thù. Ngày 30-4-1926, viên Thống sứ Rôbanh đã ký lệnh đuổi học vĩnh viễn 47 học sinh Trường Thành Chung, trong đó có Đặng Xuân Khu, Nguyễn Đức Cảnh, Nguyễn Khắc Lượng. Sau khi bị đuổi học, Đặng Xuân Khu vẫn tiếp tục hoạt động trong phong trào thanh niên, học sinh ở Nam Định và được người bạn học là Nguyễn Văn Hoan giới thiệu gia nhập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên.
Năm 1927, Đặng Xuân Khu lên Hà Nội thi lấy bằng Diplome, sau đó thi đỗ vào Trường Cao đẳng Thương mại Đông Dương. Mùa hè năm 1928, kết thúc năm học thứ nhất, Đặng Xuân Khu về quê nghỉ hè. Chứng kiến tình cảnh thống khổ của người dân, Đặng Xuân Khu vận động một số người là anh em họ hàng ra tờ báo Dân cày để thức tỉnh tinh thần yêu nước, hướng dẫn nhân dân đấu tranh, chống lại sự bóc lột của thực dân, địa chủ. Báo Dân cày do Đặng Xuân Khu làm chủ bút, người em họ Đặng Xuân Thiều trực tiếp viết tay các bài báo để in thạch. Một số thanh niên trong làng tình nguyện bí mật đưa báo đi phát hành trong vùng. Báo Dân cày ra được bốn số thì Đặng Xuân Khu hết thời gian nghỉ, phải quay về Hà Nội. Công việc ra báo giao lại cho Đặng Xuân Thiều chủ trì. Tuy nhiên, báo chỉ ra được vài số nữa thì phải đình bản.
Ngày 16-6-1929, tại số nhà 312 phố Khâm Thiên, Hà Nội, một số đại biểu tích cực của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên ở Bắc Kỳ đã nhóm họp và tuyên bố thành lập Đông Dương Cộng sản Đảng, ra Tuyên ngôn, Chính cương, Điều lệ và thành lập các ban chuyên môn. Ban Tuyên truyền của Đảng do ủy viên Trung ương lâm thời Trịnh Đình Cửu phụ trách được giao nhiệm vụ ra báo Búa liềm. Đặng Xuân Khu được phân công làm công tác biên tập của tờ báo.
Tháng 9-1929, Tổng hội sinh viên ra đời và quyết định xuất bản tờ báo Người sinh viên. Đặng Xuân Khu được cử làm chủ bút của báo. Cuối năm 1929, Đặng Xuân Khu bỏ học, dấn thân vào con đường cách mạng đầy chông gai và hiểm nguy. Từ đây, đồng chí trở thành một nhà cách mạng chuyên nghiệp, dành toàn tâm, toàn ý cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, giành tự do, độc lập cho đất nước, mưu cầu hạnh phúc cho nhân dân.
Ngày 4-11-1930, Đặng Xuân Khu bị mật thám bắt khi đến điểm hẹn để nhận tài liệu từ một đảng viên cộng sản Pháp. Địch đưa đồng chí về nhốt ở nhà tù Hỏa Lò và tập trung thẩm vấn để hòng truy bắt các yếu nhân trong bộ máy lãnh đạo và các cơ sở bí mật của Đảng Cộng sản. Tuy không khai thác được gì từ Đặng Xuân Khu, nhưng chúng vẫn giam đồng chí vào khám không cần xét xử.
Cùng bị giam trong khám tù với Đặng Xuân Khu và các đảng viên cộng sản còn có các tù nhân Quốc dân Đảng. Hai phía "Quốc" và "Cộng" bắt đầu cuộc đấu khẩu về các quan điểm chính trị từ những vấn đề nền tảng tư tưởng, quan điểm triết học đến mục tiêu cách mạng và con đường, cách thức thực hiện các mục tiêu đó. Sang năm 1932, hai phía bắt đầu bí mật tổ chức xuất bản các tờ báo và sử dụng chúng để tiếp tục cuộc tranh luận về chính trị. Phía tù nhân cộng sản đã xuất bản các tờ báo Lao tù đỏ sau đổi thành Lao tù tạp chí, Con đường chính, Bônsêvích. Phía Quốc dân Đảng có tờ báo Đuốc đưa đường của các đảng viên Quốc dân Đảng ly khai và tờ Đường cách mạng của các đảng viên Quốc dân Đảng chống cộng, trong đó tờ Đường cách mạng ra mặt công khai chống lại các quan điểm cách mạng của Đảng Cộng sản, liên tục viết bài nhạo báng, công kích những người cộng sản.
(còn nữa)