Tháng Tư về, trong ký ức của nhiều cán bộ, nhân viên ngành Bưu chính - Viễn thông Nam Định lại trào dâng xúc cảm nhớ về hình ảnh của những đồng nghiệp từng đội “mưa bom, bão đạn”, mưu trí dũng cảm, kịp thời đưa những chuyến hàng thư báo đến nơi an toàn, phục vụ công tác chỉ đạo điều hành sản xuất và chiến đấu trong những năm chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ.
Cán bộ, công nhân viên VNPT Nam Định tham quan nhà trưng bày tư liệu lịch sử truyền thống ngành thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước. |
Trong 4 năm (1965-1968) chống chiến tranh phá hoại lần thứ nhất của đế quốc Mỹ, chiến sự càng diễn ra ác liệt thì nhu cầu vận chuyển thư báo, hàng hóa càng lớn. Trong điều kiện máy bay Mỹ liên tục bắn phá vào thành phố Nam Định, ngành Bưu điện đã nhanh chóng kiện toàn tổ chức, phát triển lực lượng, chuyển hướng kịp thời các hoạt động thông tin bưu điện sang thời chiến, tạo điều kiện thuận lợi cho các cấp, các ngành chỉ đạo sản xuất chiến đấu, đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt trong mọi tình huống. Bưu điện đã tổ chức thành 9 phòng, ban, 8 đơn vị sản xuất, xây dựng 12 Bưu điện huyện, thị xã, thành phố và mở rộng 49 bưu điện khu vực phục vụ thông tin liên lạc và làm công tác báo động phòng không, đáp ứng yêu cầu thông tin liên lạc, vận chuyển thư tín, hàng hóa chiến đấu và sản xuất. Năm 1972, khi đế quốc Mỹ ném bom đánh phá miền Bắc lần 2, Bưu điện tỉnh thiết lập một đường thư chính riêng cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh; xây dựng và củng cố các đường vòng, đường tránh, đảm bảo an toàn các tuyến thư trong ngày. Mỗi bưu cục thành lập một bộ phận lưu động phục vụ các cơ quan sơ tán, đơn vị bộ đội trực chiến và nhân dân. Lực lượng tự vệ Bưu điện đã bám sát các vùng trọng điểm bắn phá của máy bay Mỹ, giữ vững liên lạc cho các trận địa tên lửa, pháo cao xạ, các lực lượng phòng không của dân quân tự vệ đang trực tiếp chiến đấu với máy bay Mỹ như: Hầm chỉ huy Tỉnh đội, Hầm chỉ huy Thành đội; các trận địa pháo Chùa Cuối, Mỹ Trọng, Nam Phong, Phù Nghĩa, Khu 8, Vấn Khẩu, Nhân Hậu… Trong gian khổ ác liệt nhưng với tinh thần “Đứt dây như đứt ruột, gãy cột như gãy xương” cán bộ, công nhân viên ngành Bưu điện đã kiên cường bám trụ nối dây, dựng cột giữ cho đường dây thông tin thông suốt. Trong trận máy bay Mỹ đánh phá thành phố Nam Định ngày 20-7-1972 tại nhiều địa điểm như: cầu Đò Quan, ga xe lửa, nhà máy Dệt, trụ sở Bưu điện tỉnh, Đài Truyền thanh tỉnh, Liên đoàn Lao động tỉnh và Bệnh viện Đa khoa tỉnh…, cán bộ, công nhân viên Bưu điện đã chủ động sơ tán toàn bộ thiết bị thông tin ra khỏi trụ sở, đồng thời nhanh chóng lắp đặt thêm 3 tổng đài điện thoại ở những khu vực trọng yếu như: hầm khu vực nhà Kèn (vườn hoa trung tâm thành phố), hầm khu vực đường Nguyễn Du phục vụ chiến đấu. Mặc cho bom rơi đạn nổ, ác liệt, các điện thoại viên vẫn bình tĩnh tiếp dây, phục vụ sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Bộ Chỉ huy Phòng không của tỉnh, thành phố, chỉ huy các trận địa pháo. Trong suốt thời kỳ chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ, Bưu điện tỉnh đã phải nhiều lần sơ tán 45 tổng đài lớn, nhỏ, 1.050 máy điện thoại, dịch chuyển vòng tránh 1.200km đôi dây khỏi các trọng điểm đánh phá. Các tuyến thông tin đường trục đã 135 lần bị đánh phá nhưng thông tin liên lạc vẫn được giữ vững. Trong công tác bưu chính, lực lượng xung kích tự vệ bưu điện đã không quản ngày đêm có mặt kịp thời tại các trận địa Phòng không và 94 cơ quan của tỉnh sơ tán ở ngoại thành để chuyển phát công văn tài liệu, thư báo. Nhiều lần vận chuyển, lực lượng phải vòng tránh qua các điểm địch bắn phá, có lần đang giao nhận gói thư báo thì toa xe bị trúng đạn bốc cháy, các chiến sĩ tự vệ bưu điện đã dũng cảm phối hợp với lực lượng tại chỗ chuyển hết công văn tài liệu đến nơi an toàn. Trong trận máy bay Mỹ đánh bom phố Hàng Thao, đội vận chuyển thư báo công văn đi 6 huyện phía nam tỉnh có 2 đồng chí bị thương, gói thư tung toé khắp đường phố. Giữa khói lửa mịt mù, bom nổ 4 phía, anh em tự vệ Bưu điện vẫn bình tĩnh, gan dạ, người đưa người bị thương đi cấp cứu, người thu nhặt công văn thư báo, bưu phẩm để chuyển tiếp. Vượt lên khó khăn, hiểm nguy trong chiến tranh phá hoại bằng không quân của giặc Mỹ, cán bộ, công nhân viên ngành Bưu điện đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, dũng cảm quên mình, sát cánh cùng lực lượng vũ trang tỉnh hiệp đồng tác chiến, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Vừa sản xuất, vừa tham gia chiến đấu vì miền Nam ruột thịt, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đã có hàng trăm cán bộ, chiến sĩ của ngành lên đường vào các chiến trường tăng cường cho Bưu điện tuyến lửa Vĩnh Linh (Quảng Bình), 74 người đã anh dũng hy sinh, 42 người để lại một phần xương máu trên các chiến trường. Với những thành tích trong việc xây dựng và giữ vững huyết mạch thông tin phục vụ chiến đấu, góp phần đắc lực vào thắng lợi của sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, tập thể cán bộ, công nhân viên Bưu điện tỉnh Nam Định vinh dự đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ kháng chiến chống Mỹ; 6 Bằng khen của Chính phủ, 15 Bằng khen của Tổng cục Bưu điện; 1.217 người được tặng Huân chương, Huy chương Kháng chiến và Giải phóng; 21 cá nhân đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua liên tục từ 10 đến 15 năm.
Sau khi đất nước thống nhất, cán bộ, công nhân viên Bưu điện tỉnh nhanh chóng củng cố, phát triển mạnh ở cả hai mảng Bưu chính và Viễn thông đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong nước và hội nhập quốc tế. Dù Bưu chính và Viễn thông đã tách ra hoạt động độc lập từ cuối năm 2012 nhưng đến nay, cả 2 đơn vị đã thực hiện những chiến lược, giải pháp phát triển mang tính đột phá. Xây dựng hệ thống hạ tầng thông tin băng rộng quốc gia hiện đại, đồng bộ, công nghệ ngang tầm quốc tế; cung cấp tích hợp hệ thống các dịch vụ bưu chính viễn thông, internet và phát thanh, truyền hình số phong phú, đa dạng. Trong giai đoạn đẩy mạnh xây dựng chính quyền điện tử theo tinh thần Nghị quyết số 36 của Bộ Chính trị, bưu chính - viễn thông tiếp tục là công cụ đắc lực trong việc số hóa dữ liệu, làm việc, quản lý, điều hành trực tuyến, phát triển thương mại điện tử và tổ chức dịch vụ bưu chính chuyển phát, góp phần đẩy nhanh quá trình thực hiện cải cách hành chính ở địa phương. Đặc biệt, trong thời điểm dịch bệnh COVID-19, các cán bộ, công nhân viên toàn ngành đã nỗ lực vượt khó nâng cấp đường truyền, chất lượng dịch vụ đáp ứng yêu cầu quản lý xã hội, học tập, làm việc trực tuyến; cắt cử nhân viên đảm bảo bưu gửi, vận chuyển hàng hóa trong khi thực hiện theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ về giãn cách xã hội./.
Bài và ảnh: Nguyễn Hương