Văn Tạo
(tiếp theo)
Đó là vào giữa tháng 12-1953, tôi nhận được Công văn số 457/TNCQ-TƯ đề ngày 8-12-1953 của Trung ương Đoàn Thanh niên Cứu quốc do đồng chí Nguyễn Lam phụ trách, triệu tập lên công tác ở Ban nghiên cứu Lịch sử, Địa lý, Văn học trực thuộc Thủ tướng phủ. Tôi vui mừng thấy công tác này hợp với nguyện vọng của tôi, vì ngay từ tháng 1-1947, khi được kết nạp vào Đảng, tôi đã báo cáo về sở trường văn hóa, khoa học của tôi là tôi ham muốn về: Khoa học nông nghiệp và Khoa học lịch sử. Đó là hai môn tôi đã ít nhiều được thể nghiệm trong công tác thực tế.
Lòng tràn đầy phấn khởi, tôi mang theo giấy triệu tập đi bộ một mạch từ Phú Bình, Thái Nguyên lên Sơn Dương, Tuyên Quang, con đường bị máy bay Hencát của giặc Pháp rà quét suốt ngày. Vậy mà đến tối tôi đã đến được Sơn Dương (tính ra năm, sáu chục cây số mà đi chỉ trong có một ngày). Phải nằm chờ ở trạm kiểm soát mất hơn một tuần để hoàn tất thủ tục kiểm tra, tôi mới được liên lạc ra đón, dẫn qua trụ sở Trung ương Đoàn Thanh niên Cứu quốc, rồi từ đấy mới chuyển giao sang Ban Sử - Địa - Văn ở Tân Trào.
Đồng chí Trường Chinh thăm gia đình ông Phan, cơ sở cách mạng thời kỳ 1939-1940, tháng 1-1979. |
Tuy với danh nghĩa là một Ban trực thuộc Ban Bí thư Trung ương Đảng nhưng vì vừa mới thành lập chưa được một tháng, nên chưa có trụ sở. Chúng tôi còn phải ở nhờ trụ sở của Ban Biên tập Nhà xuất bản Sự thật do đồng chí Minh Tranh, một trong năm ủy viên Ban Sử, Địa, Văn phụ trách. Sang đầu năm 1954, chúng tôi phải lên rừng lấy tranh, tre, nứa, lá để dựng lên một căn nhà khoảng 16 thước vuông chia làm 4 phần (nơi mà nay dựng bia lưu niệm). Một phần cho đồng chí Trần Huy Liệu là Trưởng ban, một phần cho Giáo sư Trần Đức Thảo mới ở Pháp về, là ủy viên Ban, một phần cho hai thanh niên chúng tôi và một phần làm Văn phòng Ban. Tổ đảng được sinh hoạt ghép với chi bộ Ban Biên tập Nhà xuất bản Sự thật (trực thuộc Đảng bộ Ban Tuyên huấn Trung ương) do đồng chí Minh Tranh làm Bí thư chi bộ.
Tôi được nhận nhiệm vụ tổ trưởng tổ đảng Ban Sử Địa Văn và làm công tác tổ chức của Ban cho nên điều thuận lợi trước tiên là được quản lý các văn kiện thành lập Ban (Tôi còn giữ được để đưa ra sử dụng nhân dịp kỷ niệm lần thứ 30 ngày thành lập Ban, tháng 12-1993, và in ra trong cuốn Ban Văn Sử Địa - Viện Sử học xuất bản năm 1993). Đồng thời với trách nhiệm làm công tác tổ chức, tôi được các đồng chí trong Ban từng bước kể cho nghe về quá trình thành lập của Ban (vì vậy mà nay tôi mới có thể viết được hồi ký này, phần về trước tháng 12-1953).
Ngoài các nhận thức bước đầu kể trên, lại qua thực tế giao lưu, tiếp xúc với các ban, ngành ở Trung ương và các địa phương hồi đó, qua nghiên cứu các văn kiện của Đảng, tôi ngày càng thấy rõ công lao của đồng chí Trường Chinh đối với sự ra đời của Ban Sử Địa Văn.
Thực tế, thời điểm ra đời của Ban Sử Địa Văn là vào tháng 12- 1953, nhưng việc chuẩn bị cho sự ra đời đó, nếu kể từ nguồn gốc tư tưởng khoa học, là có từ rất sớm ở các đồng chí Trường Chinh, Trần Huy Liệu, Tôn Quang Phiệt và Minh Tranh. Riêng ở đồng chí Trường Chinh, tinh thần coi trọng tác dụng của sử học, địa lý, văn học... đối với công tác cách mạng được biểu lộ ngay từ thời kỳ Mặt trận Dân chủ (1936 - 1939), rõ nhất là ở một số bài in trên báo Tin Tức và tác phẩm Vấn đề dân cày.
Sự kiện nổi bật là trên tờ Tin Tức, số ra vào cuối năm 1938 chuẩn bị đón Tết năm 1939, đồng chí Trường Chinh đã viết bài "Kỷ niệm Tây Sơn". Đồng chí rất tâm đắc với bài phát biểu này, sửa đi sửa lại rất kỹ như người đưa in số báo này là đồng chí Minh Tranh thuật lại. Nhưng khi đến nhà in lấy báo để phát hành thì cũng là lúc có lệnh của Thống sứ Bắc Kỳ cho tịch thu toàn bộ số báo Tin Tức đó ngay tại chỗ, không để lọt một số nào. Tờ báo ngày nay không còn nữa, nhưng theo đồng chí Minh Tranh kể lại:
"Bài của đồng chí Trường Chinh "Kỷ niệm Tây Sơn" đã đưa quan điểm sử học mácxít vào nhận thức cách mạng Việt Nam. Điều này có phần nào làm thực dân Pháp lo ngại, nhất là thời điểm này cũng là lúc lực lượng phản động ở chính quốc Pháp và thuộc địa đang trỗi dậy chống lại phong trào dân chủ, cho nên số báo Tin Tức này đã bị tịch thu".
Từ quan điểm về sử học kể trên của đồng chí Trường Chinh còn gợi ý là phải nghiên cứu về các hình thái kinh tế - xã hội trong lịch sử Việt Nam và đề ra những vấn đề cụ thể cho giới sử học là cần đi sâu như: ''Thế nào là phương thức sản xuất châu Á, nó có tồn tại trong lịch sử xã hội Việt Nam không?" và "Ở Việt Nam có chế độ chiếm hữu nô lệ không?"...
Nhưng sâu sắc nhất là nhận thức của đồng chí Trường Chinh về vị trí và vai trò của nông dân Việt Nam trong lịch sử. Đồng chí đã cùng đồng chí Võ Nguyên Giáp viết cuốn sách Vấn đề dân cày xuất bản năm 1938 ký tên là "Qua Ninh" (Trường Chinh) và "Vân Đình" (Võ Nguyên Giáp).
Ngoài việc làm rõ vị trí và vai trò của nông dân Việt Nam trong cách mạng, cuốn Vấn đề dân cày còn vận dụng sử học, văn học và phần nào về địa lý học vào việc nghiên cứu, biên soạn vấn đề nông dân, chú trọng đến cơ sở kinh tế - xã hội, lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất xã hội trong lịch sử.
(còn nữa)