Thành Duy
Nhân dịp kỷ niệm lần thứ 40 ngày ra đời của Đề cương Văn hóa Việt Nam, đồng chí Trường Chinh đã nói về Hồ Chí Minh như sau: "Cần nhấn mạnh vai trò đặc biệt quan trọng của Hồ Chủ tịch đối với văn hóa, văn nghệ nước ta. Người là nhà hoạt động chính trị lỗi lạc, người thầy và lãnh tụ vĩ đại của cách mạng Việt Nam, đồng thời là nhà văn, nhà thơ, nhà báo mà cuộc đời gắn chặt với cách mạng Việt Nam và cách mạng thế giới nói chung, và gắn chặt với cách mạng văn hóa nói riêng. Những tác phẩm của Người là kho tàng tư tưởng và văn hóa vô cùng quý báu mà các nhà cách mạng Việt Nam và các nhà hoạt động văn hóa Việt Nam cần nghiên cứu kỹ để vận dụng trong lao động kỹ thuật, sáng tạo của mình. Tôi mong rằng, trong công tác lý luận và tư tưởng, chúng ta sớm thành lập một bộ phận nghiên cứu đầy đủ về Chủ tịch Hồ Chí Minh, bao gồm mọi hoạt động văn hóa của Người, kể cả cống hiến của Người về cách mạng tư tưởng và văn hóa".
Hơn mười năm đã qua, kể từ ngày đồng chí Trường Chinh đọc bài diễn văn quan trọng nhân dịp kỷ niệm lần thứ 40 ngày ra đời của Đề cương Văn hóa Việt Nam, vai trò đặc biệt quan trọng của Hồ Chí Minh đối với văn hóa, văn nghệ, chẳng những đã được nhấn mạnh ở nước ta mà còn cả trên thế giới. Người đã được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) "ghi nhận rằng năm 1990 sẽ được đánh dấu bằng lễ kỷ niệm lần thứ 100 ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị anh hùng giải phóng dân tộc Việt Nam và là danh nhân văn hóa thế giới". Tư tưởng của Người đã được ghi vào Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII của Đảng: "Lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động". Và từ sau Đại hội VII của Đảng đến nay, việc nghiên cứu về tư tưởng Hồ Chí Minh đã được tiến hành một cách nghiêm túc và tương đối đầy đủ ở một chương trình khoa học, công nghệ cấp nhà nước (KX.02). Như vậy là nhận định của đồng chí Trường Chinh về vai trò đặc biệt quan trọng của Hồ Chí Minh chẳng những đối với riêng văn hóa, văn nghệ mà nói chung đối với cả tư tưởng và sự nghiệp cách mạng, và điều mong muốn của đồng chí Trường Chinh về việc nghiên cứu tư tưởng của Người đã trở thành hiện thực. Điều đó chứng tỏ đồng chí Trường Chinh đã có những dự báo rất sáng suốt về việc nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh và luôn coi Hồ Chí Minh như người thầy và lãnh tụ vĩ đại của cách mạng Việt Nam, mà Trường Chinh là một trong những người đồng chí thân cận nhất của Người.
Trong số những đồng chí gần gũi nhất của Hồ Chí Minh đồng thời cũng là những lãnh tụ của Đảng và dân tộc ta, Trường Chinh là một trong những người có nhiều đóng góp trên các lĩnh vực lý luận, tư tưởng và văn hóa, văn nghệ. Có thể nói, Trường Chinh là một nhà lãnh đạo xuất sắc của cách mạng Việt Nam, đồng thời là nhà lý luận, nhà thơ, nhà báo mà cuộc đời hoạt động của mình gắn chặt với công tác lý luận và tư tưởng của Đảng và dân tộc ta. Trường Chinh là tác giả của rất nhiều công trình văn hóa, văn nghệ mà ở mỗi công trình đó đều đánh dấu một giai đoạn hoặc một cái mốc quan trọng trong sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc ta suốt nửa thế kỷ qua.
Trước hết, cần nhận rõ ở Trường Chinh một quan điểm nổi bật về văn hóa và về vị trí của văn hóa trong sự phát triển nói chung và trong sự nghiệp cách mạng nước ta nói riêng.
Phải đến cuối thế kỷ XX, loài người mới ý thức được một cách đầy đủ hơn về vị trí và vai trò của văn hóa trong phát triển kinh tế, xã hội và con người nói chung.
Đến năm 1988, UNESCO mới đề ra "Thập kỷ thế giới phát triển văn hóa" và nhiều nhà khoa học đã dự báo rằng thế giới đến năm 2000 và trong thế kỷ XXI là thế giới của văn hóa với phát triển. Và trước đó, đã có biết bao nhiêu định nghĩa về văn hóa. Thế nhưng, không thấy ai nhắc đến những định nghĩa về văn hóa của Hồ Chí Minh và sau đó của Trường Chinh, mặc dù ở Việt Nam chúng ta, từ đầu thế kỷ XX, với sự sáng suốt của Đảng ta, trong đó có đồng chí Trường Chinh, văn hóa đã thực sự là một động lực, đóng vai trò hết sức to lớn, quan trọng trong sự nghiệp cách mạng ở nước ta. Từ năm 1942, Hồ Chí Minh đã có quan niệm: "Văn hóa là tổng hợp của mọi phương thức sinh hoạt cùng với biểu hiện của nó mà loài người đã sản sinh ra nhằm thích ứng những nhu cầu đời sống và đòi hỏi của sự sinh tồn". Với một quan niệm rất mới và hết sức đúng về văn hóa như vậy Hồ Chí Minh và Đảng ta đã nghĩ đến việc xây dựng một bản đề cương văn hóa Việt Nam. Đồng chí Trường Chinh đã soạn thảo bản đề cương đó với nhan đề Đề cương Văn hóa Việt Nam năm 1943.
Khi nói về việc soạn thảo Đề cương Văn hóa Việt Nam, Trường Chinh đã nói: "Trước hết, Đề cương đi thẳng vào vấn đề văn hóa. Đó là lĩnh vực phản ánh toàn bộ đời sống xã hội và ý thức của con người, thể hiện phong phú trên các mặt: tư tưởng, học thuật và nghệ thuật. Văn hóa luôn đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy hoặc kìm hãm sự phát triển của xã hội". Cách đây hơn nửa thế kỷ, Hồ Chí Minh và Trường Chinh cũng như Đảng ta có được những quan niệm rất mới và rất đúng đắn về văn hóa như trên là điều kỳ diệu. Chính điều kỳ diệu ấy đã tạo cho cách mạng nước ta một sức mạnh mà thế giới thường nói đến như bí quyết thành công của hai cuộc kháng chiến thần kỳ của dân tộc ta. Đó là sức mạnh văn hóa, đã tạo nên lực lượng vật chất là đoàn kết được đông đảo những người hoạt động văn hóa của dân tộc thành một mặt trận gọi là Mặt trận Văn hóa cứu quốc, sau phát triển thành Hội Văn hóa Cứu quốc Việt Nam, bao gồm rất đông đảo những người hoạt động trên các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, khoa học, văn nghệ... Sức mạnh văn hóa ấy còn phải kể đến lực lượng tinh thần, trí tuệ, lương tri của cả dân tộc với bề dày của truyền thống hàng nghìn năm lịch sử cũng được huy động bằng nhiều cách, nhiều phương diện tạo nên một sức mạnh còn lớn hơn cả sức mạnh vật chất mà dân tộc ta vốn bị thua kém hơn kẻ thù nhiều lần. Chính sức mạnh tinh thần ấy đã tạo nên bản lĩnh của con người Việt Nam, tạo nên lương tri và tinh thần dũng cảm tuyệt vời mà cả thế giới đã bày tỏ những thiện cảm và lòng khâm phục đối với dân tộc ta trong những năm kháng chiến gian khổ.
(còn nữa)