Tô Hoài
(tiếp theo)
Năm ấy, tôi đã thôi công tác ở Hội Nhà văn, về Hội Văn nghệ Hà Nội. Một hôm, Văn phòng Trung ương Đảng có điện xuống nhắn tôi lên ngay. Tôi chắc chỉ có anh Năm gọi, nhưng không đoán được việc gì.
Đúng là anh Năm gọi. Tôi lên, anh Năm chỉ hỏi có một câu:
Đã lâu không có dịp nghe thơ. Tối ngày kia, anh tổ chức một đêm thơ. Có được không?
Câu hỏi nghiêm và dứt khoát như lệnh công tác. Tôi nói được ạ. Nhưng tôi lại thưa: lệnh phòng không thành phố cấm tụ tập đông, các rạp đã đóng cửa từ lâu. Bấy giờ anh Năm mới cười mỉm, nói việc ấy thì trên này lo xin phép cho.
Thế là tôi về tổ chức đêm thơ. Thì giờ quá gấp, nhưng cũng chẳng có gì khó. Cấp tốc phân công: người chọn thơ, người đi mời cô Tuyết, cô Kim Dung ngâm thơ. Không bán vé, chỉ có khách mời dự. Tất cả Văn phòng Hội và chúng tôi ra dọn dẹp rạp Đại Nam đã bỏ hoang hàng năm nay. Cả ngày, mấy lần còi báo động máy bay vào, cao xạ và tên lửa dồn dập bắn lên, cái quãng phố Huế tháng trước bị bom còn toang ngoảng đấy, chúng tôi ở trong rạp vẫn mải miết quét, lau nhà, kê lại những hàng ghế xộc xệch, phun thuốc muỗi...
Đồng chí Trường Chinh tại Hội nghị chỉ đạo biên soạn bộ sách Hồ Chí Minh Toàn tập, ngày 20-4-1978. |
Mọi việc xong xuôi chóng vánh. Ba giờ chiều, tôi đến rạp Đại Nam xem lại mọi việc. Những chậu cây đinh lăng trang trí vừa được đem đến đặt dọc hai bên lối vào cửa.
Một chiếc xe cứu hỏa đỗ trước rạp. Lính cứu hỏa mũ sắt nhảy xuống, người nào cũng bịt khẩu trang, xách cái ống dài to như cái bơm săm ô tô. Cái ống đưa xịt xịt vào mọi xó xỉnh các góc nhà rồi ra từng chậu cảnh.
Tôi không hỏi, nhưng biết là dụng cụ dò mìn! Máy dò mìn!
Cảm thấy cái gì trọng đại đương diễn ra, tôi đâm lo. Bấy giờ tôi cũng đương làm trưởng ban đại diện một khối phố - tương tự chức danh chủ tịch phường bây giờ, khối phố và nhà tôi ở gần đây. Tôi nghĩ đến việc canh phòng. Tôi về phố gặp đội dân phòng, chọn sáu người đến đứng gác hai bên hè phố ngoài cửa rạp, trong khi biểu diễn. Tôi nói có công tác đặc biệt.
Khách đến đã đông nghịt. Đã lâu, các rạp đóng cửa, người ta háo hức đi xem vả chăng, Sở Văn hóa và Hội Văn nghệ xưa nay đã có lực lượng chuyên "lấp lỗ trống" những khi cần, không để rạp trống trải. Những người "lấp lỗ trống" ấy là ai, người thế nào, không biết. Đêm nay thấy kéo vào ùn ùn trông mặt như các cô hàng ngày bán gạo, bán rau, bán thịt, đong nước mắm và bưng bê hàng phở mậu dịch. Những người này cũng như người nhà, người quen công nhân viên. Miếng thịt, mớ rau trong tay các cô ấy bán ra cơ hồ khó mà dễ chứ có cái vé, cái giấy mời đi sinh hoạt văn hóa thế này thì không mấy ai đã có được.
Hai hàng ghế đầu, khách cũng vừa đến. Tôi thật sự hốt hoảng. Hầu hết các Uỷ viên Bộ Chính trị đi dự đêm thơ. Anh Năm kia kìa, lại cả anh Lê Đức Thọ mới ở Pari về. Từ lúc chiều thấy dò mìn tôi đã đoán, đã nghĩ ra việc gọi dân phòng lên, bây giờ càng hốt.
Có người vào rạp gọi tôi. Tôi ra cửa, một cán bộ cũng mặc bộ đại cán màu xi măng như tôi, không mặc sắc phục, nhưng qua câu chuyện tôi đoán là công an chìm. Anh nói dịu dàng, thế mà tôi cứ bối rối thêm.
Anh ấy nói:
Có phải anh phân công dân phòng lên gác? Không cần, anh ạ. Tôi đề nghị giải tán ngay, cho về ngay.
Tôi bước ra hè. Điều làm tôi ngạc nhiên đến rợn người, cả sáu bác dân phòng đều đeo đèn ba pin ở thắt lưng, đi ghệt lửng như nhau, cánh tay cài băng đỏ, oách lắm. Tôi không dặn dò ăn mặc thế nào thì các bác ấy cho là công tác đặc biệt thì phải là long trọng.
Tôi bảo cất băng, bỏ đèn pin vào túi, về ngay. Sáu người đi nghiêm hàng một ngay ngắn, ra về.
Rạp đã đông hẳn. Khách quý ngồi hai hàng ghế đầu, dãy thứ ba để trống. Để tránh đi lại lộn xộn tôi cho làm một mạch đến mười giờ rưỡi, không nghỉ giải lao. Tôi tìm anh công an chìm, bảo thế, anh ấy không nói gì.
Khách quý ngồi xem, cũng như mọi người, không có giới thiệu. Đến hôm nay tôi chẳng còn nhớ đêm ấy trên sân khấu ai ngâm thơ, ngâm những bài gì và có tác giả lên đọc thơ không. Chỉ nhớ đêm thơ diễn ra suôn sẻ, êm đềm.
Sớm hôm sau, báo Nhân Dân đăng trên trang nhất tin về đêm thơ Hà Nội, tới dự có các vị trong Bộ Chính trị, in cả tên. Đài phát thanh Tiếng nói Việt Nam đưa tin vào buổi phát đầu tiên trong ngày.
Nhưng tin vui đặc biệt này lại không thấy trên báo Hà Nội mới.
Bấy giờ hình như tôi mới hơi vỡ nhẽ. Nhưng tôi cũng không trao đổi với ai. Tôi nghĩ thế là thế giới biết, Mỹ phải biết, không còn gì bàn thêm nữa. Bộ Chính trị đi nghe thơ, thư giãn!
Mấy hôm sau, anh Năm lại gọi tôi lên. Trên bàn nước có đĩa kẹo lạc. Chắc là tiệc trà mừng công. Anh không hỏi về đêm thơ mà anh bàn ngâm thơ như hát là truyền thống Việt Nam, nhưng đọc thơ rõ từng chữ là diễn giải theo lối mới, cũng có cái hay khác.
Tôi nghĩ cái ý nghĩa đêm thơ ở rạp Đại Nam, theo tôi hiểu, nhưng tôi im lặng không hỏi anh.
Ra về, anh Năm cười cười:
Được đấy. Nhưng mà cậu kém văn minh. Không có giờ giải lao cho người ta đi tiểu!
Tôi lại cũng không nói tại sao tôi đã làm thế.