Chuyện nhỏ về người anh lớn (kỳ 3)

06:10, 31/10/2019

Tô Hoài

(tiếp theo)

Anh dặn tôi:

Lên Lạng Sơn, anh sẽ gặp gia đình, bè bạn và đồng chí của anh Thụ thuở thiếu thời. Từ bấy tới nay, thời gian đã khá dài và hoàn cảnh cuộc đời mỗi người biến chuyển mỗi khác. Trong khi tìm hiểu, tập trung các sự kiện của mỗi người để có thể phân tích, nhận định cho khách quan, chính xác anh nên chú ý những câu chuyện kể lại là những bức ảnh chụp không bao giờ như nhau mà nó theo góc độ tư tưởng, tình cảm, cách nghĩ và việc làm của mỗi người. Có người kể công. Có người muốn minh oan. Có người hồn nhiên, thành thực. Tất cả đều có lý do và động cơ nhất định. Phải rút ra được nhận định trên cơ sở khách quan như thế, tài liệu mới chính xác được. À nhưng mà cậu là nhà văn, nhà báo thì cung cách, công việc làm thế nào là nghề của cậu rồi.

Đồng chí Trường Chinh dự Hội nghị khoa học kỷ niệm 40 năm Đảng ta công bố Đề cương Văn hóa - Việt Nam, ngày 27-12-1983.
Đồng chí Trường Chinh dự Hội nghị khoa học kỷ niệm 40 năm Đảng ta công bố Đề cương Văn hóa - Việt Nam, ngày 27-12-1983.

Tôi đến chào anh trước khi đi. Anh bảo:

Bây giờ trên quê chỉ còn bà chị anh Thụ. Ông cụ thân sinh ra anh mất rồi. Cũng may, cái năm ông cụ còn khỏe, tôi đã mời được cụ về Hà Nội chơi ít lâu. Vui lắm, ở ngay nhà tôi đây. Anh lên trên ấy, gặp Mã Khánh Phương thì biết, chuyến ấy Mã Khánh Phương cùng đi với cụ về mà.

Hôm sau, đồng chí thư ký đến tìm tôi.

May quá, anh chưa đi. Anh Năm cần gặp anh.

Câu chuyện anh cần là thế này.

Anh Năm bảo:

Hôm nọ, kể chuyện với anh tôi nói ở cánh đồng làng Dàn, làng Cáo trong An toàn khu chúng tôi hay hẹn nhau ra những cái đồi. Tôi nhớ không đúng, ở trung du bên Vĩnh Yên mới có những cái đồi. Còn ở ngoại thành như ở Cáo thì gọi là gò, không phải là đồi, gò bé hơn đồi. Chúc anh đi làm việc kết quả.

Lên Lạng Sơn chuyến ấy tôi đã gặp nhiều người với biết bao chuyện cũ, những mong mỏi, những nhớ thương của những bà con trong gia đình như bà Dụ, chị anh Thụ, như con cháu trong gia đình anh Lương Văn Chi ở bên Điềm He. Tôi đã ở Khơ Đa lâu với Mã Khánh Phương dân tộc Nùng mà anh em thân thương gọi là Mã Hợp. Thuở thanh niên, Mã Hợp đã kết nghĩa đập chén ăn thề với Hoàng Văn Thụ và Hoàng Đình Dong. Nhưng Mã Hợp chỉ hoạt động ở địa phương đến những năm bị Tây đồn Đồng Đăng khủng bố thì Mã Hợp cùng với bố là Mã Thành Nhân chạy sang ở Lũng Nghìn bên Trung Quốc đến năm 1950, Lạng Sơn được giải phóng mới lại trở về Khơ Đa, Ma Mèo. Mã Hợp công tác ở Phòng lương thực huyện, đến tuổi hưu rồi vẫn được giữ lại làm công tác đi các làng thu mua lợn cho mậu dịch. Sau này tôi được biết Mã Hợp về công tác trông nom Nhà bảo tàng Hoàng Văn Thụ ở Bắc Sơn cho đến khi mất.

Cái chuyện anh Trường Chinh đã kể chuyến về chơi Hà Nội của cụ thân sinh anh Thụ và Mã Khánh Phương là "vui lắm" có lẽ bởi câu chuyện này.

Mã Hợp kể:

Tôi với cụ về ở chơi nhà ông Trường Chinh hơn một tháng, một tháng hai phiên chợ. Chúng tôi ngày nào cũng được ngồi ô tô đi xem khắp nơi rồi lại về nhà đứng trong cửa sổ trông ra đường phố xem người đi qua đi lại. Lâu lâu rồi cuồng chân quá, chân tôi chân chạy khắp các làng lại năm nào cũng trèo núi bắt tắc kè cả mùa mà. Có hôm tôi rủ cụ ra phố rồi hỏi thăm đường lên chợ Đồng Xuân vào hàng uống rượu, ăn bún chả, ăn nem. Thích quá. Đến lúc ăn xong quên mất không biết đường về đằng nào. Tôi nghĩ ra cách, vào đồn công an, tôi hỏi các đồng chí có biết đường không, nhờ các đồng chí đưa chúng tôi về nhà đồng chí Trường Chinh. Thế là chỉ một nhoáng, cái ô tô đen mọi khi chúng tôi vẫn ngồi đến đỗ ngay trước cổng đồn. Tôi bắt tay chào đồng chí công an rồi chúng tôi lên xe. Về nhà, đồng chí Trường Chinh cũng không phê bình về khuyết điểm quên đường. Đồng chí chỉ hỏi đi chơi đâu, có gì vui? Tôi nói đi chợ Đồng Xuân, chợ Đồng Xuân to hơn chợ Kỳ Lừa nhiều, chúng tôi ăn bún chả, ăn nem, uống rượu vui lắm. Đồng chí Trường Chinh nói thế thì từ giờ hôm nào các cụ thích ăn nem, uống rượu thì bảo ở nhà làm hay là đi chợ mua về cả nhà ăn còn vui hơn. Nhưng mà ăn uống ở chợ vẫn thích, ở nhà vui thế nào bằng được. Có hôm chúng tôi lại đi chợ Đồng Xuân. Chỉ bực một cái, rượu vào rồi, không còn nhớ được đường về, lại phải vào hỏi đồn công an. Lần này thì đồng chí công an đã quen mặt, quay điện thoại gọi ô tô ngay.

*

Tháng 12-1972.

Máy bay địch bị bắn rơi được thông báo khắp thành phố trên loa, đài trong nhà và các ngã ba, ngã năm đường phố, con số đã lên tới hàng nghìn, Hà Nội đương căng thẳng về những tin tức giằng co ở Hội nghị Pari. Có thể đạt được kết quả, có thể tan vỡ. Máy bay địch vẫn đến thả bom, nhưng lại cũng khác thường, máy bay không người lái liên tiếp vào trinh sát nhiều đến độ ụ trung liên của tự vệ làng ngoại thành ở Kim Liên cũng bắn rơi được. Triệu chứng gì đây? Các quầy bia hơi ở "chuồng cọp", ở Cổ Tân, ở Bờ Hồ đông người hẳn lên, nhộn lên kháo chuyện "Ông Lê Đức Thọ đã về", "Thằng Kít đau đầu quá cũng cút về Mỹ rồi", "Ra đến điều kiện ấy là cuối cùng rồi, không còn gì bàn nữa. Lại choảng to nữa đến nơi".

(còn nữa)

 

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com