Tô Hoài
Tôi không được biết anh Trường Chinh thời kỳ hoạt động bí mật trước năm 1945. Khi cách mạng thành công tôi cũng chẳng có dịp gặp anh mấy khi. Nhưng dù chỉ một cử chỉ, một việc nhỏ nhặt tôi đều thấy một ý nghĩa thấm thía, vui vui nhớ mãi.
Tôi ghi lại những kỷ niệm ấy.
Thời kỳ Mặt trận Bình dân, những năm 1936 - 1937, tôi quãng mười bảy tuổi, vừa phải thôi học, đương thất nghiệp và bắt đầu tham gia phong trào ái hữu. Ái hữu thợ dệt tỉnh Hà Đông gửi đơn xin phép thành lập hội ở phủ Hoài Đức, bấy giờ Tri phủ là Nguyễn Hữu Trí - trong thời kỳ Hà Nội bị tạm chiếm (1946 - 1953), Nguyễn Hữu Trí được thực dân Pháp cử làm Thủ hiến Bắc Việt. Tôi thay mặt anh em đưa đơn xin phép với tư cách thư ký Hội Ái hữu lâm thời. Và cứ lâm thời như thế cho tới khi Chiến tranh thế giới thứ hai nổ ra (1939), mọi hoạt động của Mặt trận Dân chủ Đông Dương bị cấm, Hội ái hữu thợ chúng tôi cũng bị giải tán. Khi còn đương hoạt động, chúng tôi mua đọc sách báo, lập thư viện, mở lớp dạy học xóa nạn mù chữ, đấu tranh chống thuế đến khi bị giải tán thì bí mật tổ chức Mặt trận Dân tộc phản đế.
Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp tại Chiến khu Việt Bắc. |
Tôi thường viết các tin tức về hoạt động ái hữu và những cuộc đấu tranh chống thuế ở địa phương và trong tỉnh rồi đem ra Hà Nội đến tòa báo Tin Tức ở phố Phùng Hưng bây giờ. Lần nào cũng được một anh trong tòa soạn, có nước da trắng trẻo, nhanh nhẹn, tươi cười và ân cần tiếp chúng tôi ở bàn khách. Anh đọc những tin tôi viết rồi bảo nên chữa thế nào, kỹ lưỡng từng chữ, từng cái dấu.
Những tin thanh niên ở Nghĩa Đô chống thuế, thợ dệt và tiểu chủ ở Vạn Phúc ra tỉnh lỵ mít tinh đón thanh tra lao động Gôđa ở Pháp sang đều được đăng lên báo Tin Tức. Tôi phấn khởi đem đến cho anh xem mấy bài thơ mới làm. Anh cười, vỗ vai: "Làm thơ à?". Rồi anh đọc, lại trao đổi chỗ nào được, câu nào, chữ nào nên chữa, cẩn thận như khi anh cho ý kiến về những bài viết tin. Tôi nhớ có lần tôi làm một bài thơ dài, tên bài là U uất, sau tôi gửi đăng báo Tiểu thuyết thứ bảy .
Cách mạng thành công, hôm anh em Văn hóa Cứu quốc họp để nhận công tác, đồng chí Trường Chinh đến chủ trì và phân công, tôi vẫn nhớ mặt anh, bấy giờ tôi mới biết anh Năm trước ở báo Tin Tức là đồng chí Trường Chinh. Nguyên Hồng và tôi được phân công về làm báo hàng ngày Cứu Quốc, cơ quan của Tổng bộ Việt Minh, anh Xuân Thủy làm Chủ nhiệm.
*
Các tổ chức Văn hóa Cứu quốc được thành lập, những cơ sở đầu tiên ra đời ở Hà Nội năm 1943. Các tổ hoạt động bí mật và đơn tuyến. Sau này tôi mới biết Thường vụ Trung ương trực tiếp lãnh đạo công tác văn hóa, mọi công tác theo đường dây về thẳng đồng chí Bí thư Ban cán sự Đảng bộ thành phố Hà Nội - đồng chí Lê Quang Đạo, rồi xuống từng tổ khác nhau.
Khi cuộc kháng chiến chống Pháp thắng lợi, sau năm 1954, từ Việt Bắc chúng tôi trở về Hà Nội, mới thường gặp nhau. Anh Vũ Quốc Uy có sáng kiến, anh Trường Chinh đồng ý, hàng năm chúng tôi lại họp mặt anh em Văn hóa Cứu quốc ở nhà anh Trường Chinh.
Anh Vũ Quốc Uy được phân công lên danh sách. Bàn bạc với mọi người xong, danh sách được đưa lên anh Trường Chinh xem lại. Anh lại hỏi những việc đã chuẩn bị, rồi bảo anh Uy về hỏi anh em muốn anh nói về những vấn đề gì.
Những cuộc gặp thân mật, giản dị mà vẫn kỹ lưỡng, chu đáo. Tôi để ý thấy được nền nếp ngăn nắp ở anh đến từng việc tưởng như nhỏ nhặt nhất. Khi nào anh cũng ngồi cái ghế anh ngồi lần trước. Không phải ghế riêng của chủ nhà, của thủ trưởng, mà cũng giống mọi ghế khác. Nhưng chỗ ấy trông xuống vườn, có bóng cây. Anh muốn ở trong nhà vẫn ngắm được cây vườn chăng?
Anh đứng lên, cầm phích nước sôi pha vào hai cái ấm đã có chè sẵn. Anh mở nắp phích, để ngửa cái nắp nhôm xuống mặt bàn rồi đặt cái nút gọn vào trong cái nắp.
Một lần người nhà đưa nước sôi lên, anh đương mải chuyện vui. Tôi đứng dậy, đỡ cái phích, nói:
Anh để tôi làm cho.
Rồi tôi mở nắp phích, để ngửa, đặt cái nút vào trong lòng nắp rồi pha nước vào từng ấm. Dứt câu chuyện, thế mà anh đã để ý. Anh giơ ngón tay, bảo tôi:
Cậu này được đấy. Nên thôi nghề viết văn đi làm chân met ôten ở khách sạn, cái nghề phải để mắt vào trăm việc một lúc.
Anh lại cười to:
Nhưng mà học làm quản gia xong thì đến tuổi về hưu rồi!
Hôm ấy, anh Trường Chinh tặng chúng tôi mỗi người một quyển Vấn đề dân cày của anh và anh Võ Nguyên Giáp viết chung, in thời kỳ Mặt trận Bình dân ở Hà Nội. Hai anh ký tên là Qua Ninh và Vân Đình. Năm 1961, quyển Vấn đề dân cày được in lại. Tôi hỏi:
Anh lấy bút danh là Qua Ninh có ý nghĩa thế nào?
Anh lại cười:
Chẳng có ý nghĩa thế nào cả. Cậu trông đây, hàm răng tớ có hai chiếc răng nanh nhọn, hơi dài, anh em hay nói đùa. Tiếng Pháp răng nanh là canine, tớ lấy biệt hiệu Qua Ninh có nghĩa là cái răng nanh, thế thôi.
(Còn nữa)