Lê Minh
(tiếp theo)
Đồng chí Trường Chinh rất có kinh nghiệm về xây dựng An toàn khu (ATK). Hồi cuối năm 1941, đồng chí đã bị bắt hụt, chỉ còn trong gang tấc. Mật thám xộc vào đến sân nhà cơ sở rồi, từ trên gác xép sau nhà, các đồng chí Thường vụ Trung ương đương họp, nhảy qua nóc nhà bên, trốn thoát. Nhờ ATK nên dù đế quốc ra tay khủng bố trắng, đồng chí vẫn an toàn, không những thế còn viết xong một văn kiện hết sức quan trọng mang tính chiến lược của cách mạng Việt Nam: "Chiến tranh Thái Bình Dương và cách mạng giải phóng dân tộc ở Đông Dương''. Văn kiện này vừa được thông qua tại hội nghị Thường vụ Trung ương, tiến hành ngay tại làng Thượng Cát (ngoại thành Hà Nội, gần bến Hối, đầu cầu Thăng Long bây giờ).
Để kịp đối phó với tình hình nhiều cơ sở của Đảng bị vỡ, đồng chí đề ra sáng kiến lập hệ thống liên hoàn ATK. Lúc đó, một hoàn cảnh hết sức đặc biệt của cách mạng Việt Nam, lãnh tụ Hồ Chí Minh không thể ở gần Hà Nội. Do nhu cầu tranh thủ sự ủng hộ của quốc tế, Hồ Chí Minh hai lần vắng mặt ở Việt Nam vào những thời điểm then chốt: từ tháng 8-1942 đến tháng 10-1944 và từ tháng 2 đến tháng 5-1945. Trong Thường vụ Trung ương, đồng chí Hoàng Văn Thụ bị bắt tháng 12-1943 và bị xử bắn tháng 5-1944. Đồng chí Hoàng Quốc Việt được cử đi công tác nước ngoài từ tháng 12-1944 đến cuối tháng 4-1945.
Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí Trường Chinh cùng các đồng chí Thường vụ Trung ương Đảng họp bàn mở Chiến dịch Biên giới, năm 1950. |
Trách nhiệm to lớn của Đảng và cách mạng Việt Nam thời kỳ này gần như đặt lên vai một mình Tổng Bí thư Trường Chinh. Đồng chí vẫn ra vào Hà Nội, thay mặt Thường vụ Trung ương chỉ đạo mọi hoạt động, lập ra các tổ chức mới, phái cán bộ đi các địa phương. Người này bị bắt, đồng chí tìm người khác bổ sung, thậm chí ủy viên Trung ương này bị bắt, thì kịp cử ngay đồng chí khác thay thế. Trong khi chính đồng chí còn nhiều lần khác suýt bị bắt. Năm 1943, tòa án binh Pháp ở Hà Nội đã kết án tử hình vắng mặt đồng chí. Hà Nội, trung tâm đầu não và sào huyệt chính của đế quốc Pháp, chúng liên tục lùng sục, đánh phá ác liệt vào các cơ quan lãnh đạo của Đảng và mối hiểm nguy bị đế quốc bắt không giây phút nào không rình rập đồng chí. Có đồng chí đề nghị, Tổng Bí thư không nên ở Hà Nội. Đồng chí đã trả lời: "Chúng ta được Đảng tín nhiệm bầu ra, phải làm việc, không nên tránh. Vấn đề là phải tổ chức cho chặt chẽ. Tôi phải ở dưới xuôi để bám sát nhân dân, bắt mạch phong trào. Hãy cứ bám chắc vào nhân dân, vào các cơ sở là an toàn. Rừng cây chưa chắc đã kín đáo bằng rừng người. Núi đá chưa chắc đã vững chắc bằng núi người". Đồng chí đặt rất cao trách nhiệm trước Đảng và dân tộc, cũng như đã đánh giá rất cao vai trò của nhân dân trong cách mạng.
Hội nghị Trung ương vẫn tiến hành ở Võng La (tháng 2-1943), ở Đồng Kỵ (9-3-1945) - vì bị đế quốc đánh hơi lùng sục phải rời sang Đình Bảng. Sau hội nghị, đồng chí Trường Chinh soạn thảo Chỉ thị: Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta. Chỉ thị này đã trở thành cẩm nang đối với toàn Đảng và Mặt trận Việt Minh trong cao trào Tiền khởi nghĩa và Tổng khởi nghĩa toàn quốc.
Trung tuần tháng 4-1945, Tổng Bí thư triệu tập Hội nghị quân sự cách mạng Bắc Kỳ, thống nhất các lực lượng vũ trang thành "Việt Nam giải phóng quân", kiện toàn các chiến khu đã có, lập thêm các chiến khu mới ở cả ba miền đất nước, cử ra một "Ủy ban quân sự để phụ trách chỉ huy các chiến khu miền Bắc Đông Dương về mặt chính trị và quân sự, đồng thời giúp đỡ cho toàn quốc về mặt quân sự".
Bác Hồ từ Trung Quốc trở về. Khi nhận được thư của Người, đồng chí Trường Chinh gấp rút chuẩn bị nội dung cuộc họp và quyết định cử người đi dự Hội nghị toàn quốc của Đảng và Đại hội quốc dân ở Tân Trào. Tại đây đồng chí được đề cử phụ trách ủy ban khởi nghĩa toàn quốc và 11 giờ đêm ngày 13-8-1945, ủy ban hạ lệnh Tổng khởi nghĩa.
...Vậy mà, ở cương vị Tổng Bí thư với biết bao công việc hệ trọng quyết định sự sống còn của đất nước ngay sau Cách mạng Tháng Tám như lúc này - thù trong, giặc ngoài - đồng chí vẫn để tâm đến một cán bộ nữ còn quá non trẻ như tôi, vừa được kết nạp Đảng tại ngôi nhà 51 Hàng Bồ này ở tuổi 17 (1945). Lời căn dặn của đồng chí xuất phát từ tấm lòng của người lãnh đạo luôn chăm sóc đến cán bộ, mà về sau tôi còn được nghe lại nhiều lần.
Chúng tôi ở nhà 51 Hàng Bồ đều biết đồng chí Tổng Bí thư còn trực tiếp phụ trách báo Cờ Giải Phóng (sau này là báo Sự Thật), cơ quan ngôn luận của Đảng. Đồng chí cặm cụi tự viết bài, đến tòa soạn tham gia trình bày báo, xuống nhà in sửa bản in thử. Công nhân không ai biết đồng chí là Tổng Bí thư, chỉ biết là một nhà báo chú tâm vào công việc, cẩn trọng từng chữ, từng dấu chấm, dấu phẩy, và rất ôn tồn, rành rẽ trong tiếp xúc. Chính thời kỳ này, báo Sự Thật còn có một cơ quan đặt ở phố nhỏ Lý Văn Phức (đường Nguyễn Thái Học bây giờ rẽ vào). Cơ quan chuyên làm công việc sưu tầm, lưu trữ tư liệu đang xảy ra trong nước và trên thế giới. Mỗi cán bộ theo dõi một chuyên đề, cắt dán bài, tin trên các báo và bản tin hàng ngày. Anh Thép Mới đưa tôi đến đây. Anh tên là Lộc, học trò của cha tôi khi ông dạy học ở Nam Định. Anh là bạn học và sau này cùng hoạt động cách mạng với chú và anh ruột tôi (Nguyễn Công Bông, Nguyễn Tài Khoái), cùng bị bắt với cả anh Cương (Nguyễn Cơ Thạch), anh Đổng (Mai Chí Thọ). Lúc này cán bộ chúng tôi đang theo lớp triết học vào ban đêm, do các giáo sư đỏ mới từ Liên Xô về giảng dạy. Anh Thép Mới muốn chúng tôi mở rộng tầm nhìn, bổ sung những hiểu biết và học cách làm việc rất khoa học của anh Nhân. Ngày nào đồng chí phụ trách cơ quan cũng tổng hợp tin tức để báo cáo Tổng Bí thư, và khi Tổng Bí thư viết bài cần tư liệu, số liệu, cơ quan này cung cấp chính xác và kịp thời. Xem lại những bài viết của đồng chí thời ấy, không kêu gọi chung chung, không chữ nghĩa hoa mỹ mà rất cụ thể, thiết thực thẳng thắn. Đó là bài học cho tôi sau này trong công tác vận động quần chúng và nhất là trong nghề viết. Tôi cũng hiểu, anh Thép Mới trở thành một nhà báo có uy tín, chính là nhận được sự đào tạo trực tiếp từ đồng chí Trường Chinh, ngay từ ngày đầu Khởi nghĩa Tháng Tám.
(còn nữa)