Trần Thị Sáu
(tiếp theo)
Một hôm vào cuốỉ năm 1943, theo đúng ngày hẹn, tôi đến làng Phú Gia gặp anh Thụ nhưng chị Hai Vẽ bảo anh đi đâu chưa thấy về, đi từ mấy hôm rồi. Tôi rất băn khoăn. Những người làm công tác cách mạng, nhất là anh Thụ, có bao giờ sai hẹn đâu. Hẳn là có sự gì bất trắc: một là anh ốm, hai là anh đã bị giặc bắt. Tôi về báo với anh Chinh. Anh cũng rất lo. Mấy hôm sau mới biết đích xác là anh Thụ bị bắt. Anh chị em chúng tôi đều rụng rời chân tay. Khoảng đầu năm 1944 anh Thụ bị giặc xử bắn. Vật kỷ niệm của anh còn lại là một số đồ dùng. Tôi giữ chiếc chăn và đôi guốc mộc anh đóng rất chắc. Anh Chinh giữ lại chiếc áo len màu nâu đỏ.
Anh Thụ và anh Chinh rất tâm đầu ý hợp. Anh chị em cứ thường nói hai anh là cặp vợ chồng. Ít lâu sau, anh Chinh đem cái áo len cho đồng chí khác mặc. Anh không thể mặc nổi cái áo ấy, vì cứ mỗi lần trông thấy nó là lại nhớ đến đồng chí của mình.
Cơ quan in của ta đang tiến hành công tác rất thuận lợi bỗng dưng có chuyện xảy đến. Một chuyện bình thường nhưng cũng đủ làm ta vất vả.
Cô con dâu nhà viên thứ chỉ hàng ngày vẫn đi cắt cỏ. Một hôm, cô vào vườn nhà anh Tiệm (vợ anh Tiệm là mợ cô ta). Hai anh thợ in là anh Quyên và anh Tuân không biết nên cứ in sột soạt trong buồng. Cô ta có tính tò mò liền ghé đầu qua mành mành nhìn xem. Một đồng chí thấy thế liền ra tuyên truyền. Và cô gái ấy đã giác ngộ, nên hàng ngày cứ thậm thụt đến nhà anh Tiệm. Có bận lâu không gặp tôi, các anh thợ in nhờ cô mua giúp cả chanh để in. Viên thứ chỉ dần dần để ý đến cô con dâu. Ông ta theo dõi và ngờ rằng cô con dâu phải lòng một kẻ lạ mặt nào đương nấp trong buồng nhà anh Tiệm. Ông ta nghe ngóng mãi và phán đoán rằng đó là hai anh làm giấy bạc giả. Ông ta xui con trai đánh con dao găm, và xui trẻ chăn trâu ném gạch vào buồng in. Hai anh thợ in viết giấy cho tôi: "Chị phải vào ngay, có việc cần giải quyết". Tôi nắm tình hình đến báo cáo với anh Chinh.
Tối hôm ấy, sau khi anh Tiệm đã đi đơm đó và chị Tiệm đã ngủ say, mấy chúng tôi liền cùng nhau gánh gồng, dọn hết đồ lề in sang địa điểm mới. Khi đã dọn xong, tôi mới đánh thức chị Tiệm dậy, bảo rằng trên có việc cần, nên đã điều anh em ở đây đi nơi khác rồi.
Sáng sớm hôm sau viên thứ chỉ sai trương tuần Chử sồng sộc vào nhà anh Tiệm, mở cửa buồng, khám xét nhưng có thấy gì nữa đâu. Viên thứ chỉ cáu quá về nhà sai con trai đánh cô con dâu một trận ốm liệt giường liệt chiếu.
Chúng tôi liền họp bàn, thấy rằng viên thứ chỉ vẫn chưa biết hoạt động của chúng tôi ở trong làng. Lại nhận định thấy Vân Nội là một làng có nhiều cơ sở của ta, quần chúng trung kiên của Đảng rất tốt, hơn nữa bọn hương lý trong làng vẫn chưa có thái độ phản động, do đó, chúng tôi đề ra kế hoạch phải đi tuyên truyền thuyết phục viên thứ chỉ.
Lúc đó (1944) cao trào Việt Minh đang lên rất mạnh, việc thuyết phục có thế có kết quả.
Tôi được giao nhiệm vụ gặp viên thứ chỉ. Tôi thay bộ váy áo thường ngày bằng bộ quần áo đi mượn, đầu chít một vành khăn trắng. Tôi bày kế cho anh Tiệm mời viên thứ chỉ ra. Anh Tiệm vào bảo:
Nhà tôi có người quen đi buôn ở Yên Bái về. Chị ấy có cao hổ cốt bán. Ông có muốn mua, đến trưa mời ra nhà tôi.
Đúng 12 giờ trưa, viên thứ chỉ vác ba-toong ra nhà anh Tiệm. Tôi đàng hoàng ngồi ở phản giữa, mời ông ta ăn trầu, uống nước và giữ thế chủ động hỏi trước một thôi.
Cụ sinh được mấy ông, bà? Cấy được bao nhiêu mẫu ruộng? Dân làng ngày ba tháng tám thiếu thóc, cụ có cho vay không?
Tôi lại nói hai người ở nhờ trong nhà anh Tiệm chính là hai cậu em tôi. Tôi nói suốt hai tiếng đồng hồ, viên thứ chỉ chỉ im lặng ngồi nghe. Nhưng chỉ riêng chuyện hai đồng chí cơ quan in ấn, ông ta vẫn còn bán tín bán nghi cho là người làm bạc giả. Tôi phải tìm cách giải thích:
Cụ là người làm việc quan, chắc cụ cũng nắm được dân gian trong làng. Nhưng cái gì cũng phải có lý có lẽ. Nếu thực anh Tiệm chứa người làm bạc giả thì việc gì anh ấy phải vất vả đi đơm đi tát. Họ chỉ cần in một lúc là anh Tiệm cũng đủ thừa ăn tiêu rồi. Vả lại, cụ là người nhất lý chi trưởng, nếu có người làm giấy bạc giả trong làng, cụ để cái tiếng ấy lan ra, cũng chả lợi gì cho cụ. Còn nếu cụ muốn biết hai cậu em tôi trước ở nhờ đây, làm việc gì, hai hôm nữa tôi sẽ báo cho cụ biết.
Hai hôm sau, tôi bảo anh Tiệm đem đến cho viên thứ chỉ tờ truyền đơn và Kinh năm chữ.
Anh Tiệm bảo rằng:
Xem xong, ông ta có vẻ sợ lắm.
Một hôm, tôi gặp viên thứ chỉ ngoài đường. Ông ta đon đả mời vào nhà chơi. Tôi hẹn khi khác. Tôi thấy thái độ viên thứ chỉ như thế, nên định tiến thêm một bước nữa, nếu viên thứ chỉ ủng hộ cách mạng thì sự hoạt động của ta ở làng Vân Nội sẽ thuận lợi hơn.
(còn nữa)