Tôi làm giao thông cho anh Thụ, anh Chinh (kỳ 5)

06:07, 02/07/2019

Trần Thị Sáu

(tiếp theo)

Bà lý Lờ về sau giác ngộ cũng khá, cả gia đình đều tốt. Anh con trai thứ hai, cô con gái tên là Dụt, đều tham gia canh gác cho cán bộ họp và vào đoàn thể cứu quốc. Nhà bà trở thành trạm liên lạc, chứa cán bộ đi về.

Nhưng rồi giặc cũng biết nhà bà chứa cán bộ Việt Minh, đem lính về bắt. Chúng lôi anh con trai thứ hai ra đánh. Giặc đánh con bà gần chết, đâm anh thủng cả bụng và đưa anh đi tù.

Đêm hôm ấy, hàng xóm tưởng nhà bà sẽ buồn thiu lạnh tanh. Nhưng không! Người ta vẫn thấy bà ôm cháu và hát ru với cái giọng trầm bổng. Hàng xóm không hiểu được bà, nên nói:

Bà Lờ phải rồ phải dại hay sao, con cháu bị bắt mà vẫn hát?

Ít tháng sau, giặc thả con bà ra. Bà vẫn tiếp tục đón cán bộ về nhà cho trú ngụ.

Giặc lại đến lần thứ hai đánh và bắt anh con cả bà. Nhưng bà có sợ đâu, bà vẫn chứa cán bộ như thường. Anh Thụ bảo tôi:

Đấy, tình nghĩa giữa Đảng ta và nhân dân thắm thiết keo sơn như thế đấy!

Đồng chí Trường Chinh với các đại biểu quốc hội là văn nghệ sĩ.
Đồng chí Trường Chinh với các đại biểu quốc hội là văn nghệ sĩ.

Trong khi đi công tác, nhiều lúc tôi cũng nghĩ đến gia đình. Anh Ba nhà tôi hiền lành lắm. Sau mấy tháng tù, anh được giặc thả ra. Chúng bảo:

Về nhà đi tìm vợ, bảo nó về làm ăn. Quan lớn không bắt nữa đâu.

Tưởng giặc nói thật, anh đến những nhà quen ở các làng chung quanh tìm tôi. Có bận, anh đi giữa cánh đồng, may mắn gặp được anh Thụ. Anh kể chuyện Tây "khuyên" anh thế nào. Anh Thụ an ủi và bảo:

Có bao giờ giặc thương người cách mạng! Chị ấy về, chúng nó bắt đấy.

Từ ngày lấy chồng, tôi cứ mong đẻ được một đứa con trai, mong mãi chẳng thấy gì. Trước khi tôi đi thoát ly một tháng, nỗi ước mong ấy lại thành sự thực: tôi đã có mang. Tôi vừa mừng, vừa lo. Mừng vì sẽ có con. Còn lo vì sợ ảnh hưởng đến công tác của Đảng.

Đi công tác được năm tháng có đêm qua làng, nhớ gia đình quá, tôi đánh liều về nhà thăm chồng con. Cái Sự, cái Dung mừng quá, chúng ôm lấy tôi, rơm rớm nước mắt. Tôi ôm con vào lòng cũng chỉ chực khóc. Khổ thân các con tôi, vắng mẹ, chúng gầy tọp hẳn đi. Anh Ba thấy tôi về, mừng cũng chả kém lũ trẻ. Tối hôm ấy, hai vợ chồng tôi to nhỏ nói chuyện với nhau cho đến gần sáng. Thấy người anh Ba có hơi rượu, tôi hỏi:

Trước kia anh có uống rượu bao giờ đâu?

Chồng tôi thú thật:

Mình đi, ở nhà khó khăn, lắm lúc buồn quá, tôi nhấm nháp một tý.

Tôi khuyên nhủ dặn dò anh đủ điều. Ngày hôm sau, tôi vẫn còn bịn rịn chưa muốn rời gia đình. Một người trong làng đến chơi, nhưng có ý không tốt. Hình như hắn định đi báo, tôi cảm thấy ngay điều đó, vội vàng cắp thúng giả vờ đi chợ. Tôi hỏi cháu Dung:

Nhà còn cám không hả con?

Cái Dung thấy mấy ngươi làng ngồi đó, tinh ý hiểu ngay. Nó trả lời:

Hết cám rồi mẹ ạ.

Con ở nhà, mẹ lên chợ Kẻ, đong thúng cám nhớ!

Tôi vội vã lên đê, rẽ xuống ruộng ngô và lẩn sang làng khác. Mấy tiếng sau, mật thám đánh ô tô về, lên cả chợ Kẻ, nhưng không bắt được tôi.

Thoát ly được hơn tám tháng thì đến ngày tôi sắp sinh cháu. Tôi báo cáo xin tạm nghỉ công tác. Khi tôi bước chân đi đến nhà hộ sinh, anh Thụ đưa cho tôi hai đồng và bảo:

Chúng tôi đàn ông không biết thế nào đâu, chị cần thứ gì, thì cứ bảo.

Lúc đó, một miếng giẻ làm tã lót cũng không có. Anh Thụ có chiếc màn con liền đưa ngay cho tôi:

Không có gì làm đệm cho cháu, chị xé cái màn này ra đệm cho cháu vậy.

Tôi không bằng lòng, lấy màn anh sẽ nằm bằng gì, nhưng anh bắt cứ phải nhận.

Tôi đến nhà hộ sinh làng Cáo, nói là người làng Vẽ. Ở đấy, mỗi ngày trả một hào. Tôi nói chuyện với bà đỡ. Bà quý tôi lắm, bắt tôi vào ngủ trong buồng riêng của bà.

(còn nữa)

 

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com