Tôi làm giao thông cho anh Thụ, anh Chinh (kỳ 7)

06:07, 09/07/2019

Trần Thị Sáu

(tiếp theo)

Hôm sau, tôi lên cơn sốt, người nóng rực như hòn than. Các anh cắt cho tôi ba thang thuốc chén hết sáu hào, bệnh mới khỏi. Nghe nói mấy hôm sau tôi đi rồi, anh Ba xuống làng Cáo nhưng không gặp được tôi. Một hôm tôi lại trông thấy bà Kề và chị Hoài người làng mang chai nước mắm và cầm một cây vỏ đi trong làng Phú Gia tìm tôi. Thú thật, những lúc sinh con cái mà được những lời an ủi săn sóc của chồng con, của hàng xóm, thì sung sướng thật. Tôi muốn gặp những người thân của tôi lắm nhưng tôi đành lánh mặt.

Đồng chí Trường Chinh dự Hội nghị thống nhất Việt Minh - Liên Việt, tháng 3-1951.
Đồng chí Trường Chinh dự Hội nghị thống nhất Việt Minh - Liên Việt, tháng 3-1951.

Hôm sau, tôi khoác cái áo tơi lá, che gió cho con, tay xách gói tã đi đò qua sông. Tôi sang sông vì Đảng yêu cầu tôi như vậy. Tôi lại đến nhà anh Linh làng Ngọc Giang. Mấy tháng đầu, cháu còn bé quá, tôi chưa làm công tác được. Nhà anh Linh cũng túng lắm, gạo không có, cả nhà phải ăn cháo ngô trừ bữa. Có lần tôi phải ăn ngô rang đúng mười ngày.

Anh Thụ một hôm đến tìm tôi. Anh nói: "Đảng rất cần chị đi hoạt động. Liệu chị có đi được không". Tôi bảo:

Cháu nó khóc nhiều quá, nuôi cháu lại đi công tác, khó khăn lắm!

Anh Thụ nghĩ cách giải quyết, nhưng cũng chẳng nghĩ ra cách nào. Anh hẹn về thảo luận với anh Chinh.

Khi anh Thụ đi khỏi, tôi suy nghĩ rất nhiều. Hay là đưa con về cho chồng tôi nuôi. Nhưng nếu thế, con tôi sẽ chết mất! Một mình anh Ba nuôi hai đứa con lớn còn chả đủ cho chúng ăn nữa là nuôi một đứa bé ẵm ngửa. Ôm ẵm nó, anh có thì giờ đâu mà làm lụng. Hay đưa nó nhờ một gia đình cơ sở nuôi hộ. Cũng chả được! Những gia đình này đều nghèo túng, nuôi gia đình mình còn chả nổi, nữa là lại đèo thêm một đứa trẻ đỏ hỏn! Còn Đảng mình thì nghèo quá. Tiền quỹ Đảng là tiền đóng góp của nhân dân để làm cách mạng. Tiền ấy là tiền mua súng, in sách, đánh lại quân thù. Tôi nhớ có bận anh Thụ đưa 12 đồng cho bốn chị mở hàng cơm làm công tác binh vận. Cuối cùng, hàng cơm lỗ mất 4 đồng, anh Thụ và các chị cứ xót xa tiếc mãi. Bốn đồng bạc ấy đối với Đảng quý lắm. Tôi suy nghĩ mãi và cuối cùng chỉ còn cách là đem cho đứa trẻ đi. Người hiếm hoi, nuôi đứa trẻ sẽ săn sóc nó tử tế, chu đáo. Chiều hôm ấy, tôi như đứt lòng đứt ruột. Tôi ôm con đi trên đường cái. Một người đàn bà có quang gánh hỏi tôi:

Bác mang cháu đi đâu?

Tôi trả lời:

Nhà chả đủ bát ăn, tôi mang cháu đi xem có ai xin thì cho đây.

Người đàn bà nhìn cháu, thấy nó khỏe mạnh xinh xắn, liền ẵm lấy. Chị ta nói tên làng chị. Về sau, tôi có tìm đến nhưng không thấy, có lẽ chị nói dối, vì sợ tôi đến xin lại cháu chăng.

Mấy hôm sau, anh Chinh đến. Vẻ mặt anh rất vui. Anh bảo:

Chúng tôi bàn kỹ rồi. Mỗi tháng sẽ đưa chị hai đồng để chị nhờ người nuôi cháu.

Tôi nói rằng đã đem cháu cho người ta mất rồi. Anh Chinh nghe tôi nói, sững người ra. Rồi anh gục đầu xuống bàn nửa tiếng đồng hồ chả nói được một lời.

Từ hôm ấy, tôi lại bắt đầu đi công tác cho Đảng. Ban ngày công việc bận bịu, túi bụi, nên chuyện riêng cũng quên đi. Nhưng ban đêm, thỉnh thoảng có lúc thức dậy quờ tay sang bên cạnh, không thấy con, có lúc tôi khóc thầm.

Cho cháu đi được mấy hôm, tôi bị căng vú sữa, phải nhờ con anh Linh bú. Có bận anh Chinh đến, thấy cháu bú, anh liền gọi nó ra hè và bảo:

Này cháu đừng bú nhớ. Bú chực thế về sau cái mũi nó tẹt đi, xấu lắm!

Tôi hiểu anh lo lắng sức khỏe cho tôi. Đã không có thức ăn bồi dưỡng, đứa trẻ bú như thế người sẽ yếu đi.

Sau đó, tôi về gây cơ sở ở làng Vân Nội, một làng nghèo xơ xác. Ở đây chỉ có nhà viên thứ chỉ là có đến 16 mẫu ruộng. Tôi đến ở nhà cụ Lã. Gia đình chỉ có hai vợ chồng già chuyên nghề đan rổ rá. Từ đó, tôi phát triển cơ sở sang nhà anh Oánh thợ may, nhà bà Đối, nhà anh Chiêu.

Anh Chinh về ở nhà anh Oánh và cơ quan in bắt đầu đến ở nhà anh Tiệm, in báo Cờ Giải Phóng từ số 1 (cơ quan in từ dạo về ở Thượng Cát, định chuyển sang Võng La, nhưng về đây mới bắt đầu in được). Công việc của tôi lúc bấy giờ là làm Công tác đội và giao thông cho Trung ương. Tôi làm các việc: liên hệ với một số nơi, thu xếp nơi ăn chốn ở cho các đồng chí, đem bài vở đến cơ quan in và chuyển báo chí tài liệu sau khi in xong đến nơi khác. Dạo ấy, tôi ốm yếu lắm, da cứ vàng bệch. Quần áo chả có, cần làm công tác có "tính chất ngoại giao" thì đi mượn, còn thường ngày chỉ mặc cái váy bạc, cái áo nâu mốc bốn vạt. Ban ngày tôi đi khâu, đi chợ, tôi lại đi làm công tác. Tôi chui bụi tre nhiều quá đến nỗi cái khăn vuông đội đầu bị rách tướp. Lúc đó còn có anh Trần Cư và anh Trần Độ cùng công tác đội với tôi.

Tuy tôi công tác trực tiếp với anh Chinh, nhưng vẫn phải thường xuyên về bên kia sông bắt liên lạc với anh Thụ ở nhà chị Hai Vẽ.

(còn nữa)

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com