Trần Thị Minh Châu
Anh Trường Chinh có tên thật là Đặng Xuân Khu, anh lại có bí danh là Thận. Chúng tôi thường tán vui với nhau: "Không biết ai đặt tên cho anh ấy là Thận?" Mà tính anh ấy cẩn thận nhất trần đời. Anh bàn việc gì cũng kỹ càng thấu đáo. Anh làm việc gì cũng cân nhắc từng ly. Bài văn, bài báo, bài thơ của anh cũng được anh chau chuốt từng ý từng lời. Khi đưa xuống nhà in, anh đòi tự mình đi sửa morát (sửa bản in), có lần anh phải đi bộ cả ngày đường xuống nhà in sơ tán và ngủ lại để chờ sửa lại bản in thử lần thứ hai. Anh không chỉ sửa câu, sửa chữ mà còn cẩn thận không để thiếu một cái dấu phẩy. Công nhân in nhiều người không biết anh Thận là ai nên đã có người nói vui: nhà in mình mà tuyển ông Thận này về làm công nhân sửa bản in thì thật là hết ý.
Trở lại những năm 1938 - 1939, Đảng ta lãnh đạo phong trào Mặt trận Dân chủ hoạt động công khai. Tôi được phân công phụ trách Hiệu sách "Đồng Xuân". Hiệu sách đầu tiên của Đảng bán sách báo cách mạng công khai. Có những khách hàng tới rất thân quen như: anh Nguyễn Văn Cừ, anh Phan Bôi, anh Đặng Xuân Khu, anh Hoàng Bá Cung, anh Trần Đình Tri, anh Phạm Thường Khanh, anh Đào Duy Kỳ...
Cửa hàng của tôi có nhiều sách báo nước ngoài, nhiều nhất là sách của Pháp, còn có sách dịch và sách báo của tác giả Việt Nam. Tôi có bán cuốn Vấn đề dân cày của Qua Ninh và Vân Đình. Tôi được biết hai tác giả này là Đặng Xuân Khu và Võ Nguyên Giáp.
Anh Đặng Xuân Khu là một trong những khách hàng chăm đến hiệu sách, mua thì ít mà mượn đọc thì nhiều.
Cửa hàng của tôi quá nhỏ hẹp nhưng trên gác vẫn có một phòng nhỏ để khách hàng quen có thể mang sách lên ngồi đọc hoặc trao đổi bàn bạc công việc. Có lần anh Đặng Xuân Khu hỏi tôi:
Chị bán sách báo nhưng có đọc những sách báo này không? Tôi thật thà trả lời:
Tôi chỉ đọc được mấy cuốn sách văn nghệ dịch như: Người mẹ của Gorki. Nhiều sách khác như: Lịch sử Đảng Cộng sản Liên Xô thì chỉ hiểu lõm bõm, còn Duy vật biện chứng, Duy vật lịch sử thì chẳng hiểu nổi, tôi thích đọc báo hơn.
Anh không tỏ vẻ khó chịu mà lại cười rất tươi và nói:
Điều đó dễ hiểu. Rõ ràng là phải giúp cho chị và cho cả lớp bạn đọc trẻ đang say mê những hiểu biết mới. Họ sôi nổi tham gia tổ chức Đoàn thanh niên Dân chủ, họ rầm rộ đi dự các cuộc biểu tình, mít tinh, dự các cuộc đấu tranh đòi dân sinh dân chủ, đòi tăng lương giảm giờ làm, chống đánh đập công nhân, chống sưu cao thuế nặng, ... Họ thích đọc sách báo cách mạng nhưng dù họ có trình độ trung học hay đại học họ cũng chưa dễ dàng tiếp thu được chủ nghĩa Mác - Lênin, nhà trường chưa bao giờ dạy họ môn khoa học này, do đó phải giúp họ tiếp xúc qua sách báo.
Anh bàn với tôi:
Hiệu sách phải có chỗ cho các bạn trẻ đến mua hoặc đọc sách, phải có quy định một tuần để ba ngày họ đến vừa đọc sách vừa trao đổi với nhau. Nếu có gì không hiểu thì ghi lại. Đợi khi có anh cán bộ nào đến thì nhờ các anh giảng giải cho.
Chị và anh Tuyết (là cán bộ nghiệp vụ của hiệu sách) sẽ trao đổi lại với họ:
Anh bàn với các anh lãnh đạo:
Phải chọn một số thanh niên tích cực, một số cán bộ trẻ cho đi học một lớp chính trị ngắn ngày.
Và lớp học đầu tiên đã mở, phải học bí mật vào các buổi tối. Địa điểm phải thay đổi luôn. Khi thì ở cơ quan phố Hàng Điếu, khi thì xuống một cơ sở quần chúng ở bãi Phúc Xá. Chỉ có trên 10 học viên, trong đó có tôi, anh Tuyết (phụ trách nghiệp vụ của hiệu sách), anh Cảnh phụ trách cửa hàng Crilale (cơ sở làm kinh tế của Đảng), anh Thường phụ trách Nhà in Tiến Bộ (Le Progrès - nhà in của Đảng)... Giảng viên có anh Đặng Xuân Khu, anh Thành Ngọc Quản, anh Phạm Thường Khanh, ...
Chúng tôi đều là những thanh niên lần đầu tiên được học duy vật biện chứng - duy vật lịch sử - kinh tế chính trị học. Tôi nhớ mãi cái thí dụ: "Quả trứng và con gà".
Anh Đặng Xuân Khu bảo: Đây là những bài học vỡ lòng, sau này còn phải học nhiều mới hiểu được, thực tế là sau này tôi đã được đi học Trường Nguyễn Ái Quốc, sau đó còn đi học ở Học viện Mác - Lênin ở Trung Quốc hơn năm trời mà vẫn chưa dám nghĩ rằng mình đã nắm vững được chủ nghĩa Mác - Lênin.
Đầu năm 1943, anh Trường Chinh phân công cho ba chúng tôi: anh Nguyễn Khang, anh Lê Quang Đạo và tôi làm biên tập cho báo Cứu Quốc do anh trực tiếp phụ trách, cả ba chúng tôi đều làm công tác ở các tỉnh khác nhau nhưng mỗi tháng một lần chúng tôi hẹn nhau về một địa điểm hoặc ở Hà Đông hoặc ở Hà Bắc, đó là những cơ sở quần chúng tốt. Mỗi lần chỉ được tập trung có bốn ngày để vừa rút kinh nghiệm số báo trước và phân công viết số báo sau.
Mặc dù chúng tôi đã biết tính anh Thận nên đã cố gắng viết ngắn gọn, chính xác và giúp nhau kiểm tra lại các bài viết của nhau. Bao giờ anh Thận cũng trực tiếp đọc và sửa chữa các bài chính. Bản thân anh cũng thường viết bài và làm thơ cho cả báo.
Tôi còn nhớ năm 1944, tổ chúng tôi vừa gặp nhau để chuẩn bị cho số báo mới thì được tin anh Hoàng Văn Thụ bị xử bắn.
Chúng tôi bàng hoàng nhìn nhau, thương tiếc một đồng chí lãnh đạo tài ba của Đảng, anh đang phụ trách công tác binh vận của Đảng.
Chúng tôi bàn nhau phải có một bài để tưởng nhớ anh trong số báo này, nhưng viết thế nào đây cho xứng với anh Hoàng Văn Thụ.
Lê Quang Đạo bật dậy, phải có một bài thơ, nhưng cả ba chúng tôi đều không biết làm thơ. Nhưng với tình cảm vừa đau xót vừa thương anh, chúng tôi quyết định cứ làm một bài thơ do ba người nghĩ ra và chắp nối lại lấy tên là "Khóc anh Hoàng Văn Thụ".
Bài thơ ấy được anh Trường Chinh duyệt, anh đồng cảm với chúng tôi nhưng nói bài thơ này kém quá, có tình nhưng chưa có thi vị thơ. Anh đưa bài thơ cho một nhà thơ xem và làm lại, vẫn lấy tên là "Khóc anh Hoàng Văn Thụ" và được in trong số báo mới.
Đến năm 1948, trong kháng chiến ở Việt Bắc, tôi lại có dịp gặp anh Trường Chinh tại nơi làm việc của anh. Trong khi trao đổi về công việc, anh bỗng hỏi tôi: "Chị có hiểu "điển hình" là thế nào không?". Tôi lúng túng vì chưa học đến, nhưng cũng mạnh dạn trả lời: "Thưa anh, là cái gì chung nhất mà lại là điển hình nhất".
Anh cười và nhắc tôi: "Chị đã viết được báo, cần nên tìm cách học thêm để có thể viết văn". Tôi hứa với anh, nhưng mãi đến năm 1956 về thủ đô, làm giám đốc Nhà xuất bản Phổ thông, tôi đã học tại chức và tốt nghiệp Đại học Văn - Sử.
Cũng nhờ đó, nay về hưu tôi đã viết, không phải là thơ văn, không phải là hồi ký mà chỉ chọn viết về sự việc, về con người mà tôi còn ghi nhớ trong tim. Nay đã 80 tuổi, tôi còn viết sử cho phụ nữ Hưng Yên, chọn những con người điển hình trong cán bộ cũng như nhân dân của nhiều địa phương mà tôi đã trải qua công tác từ thời kỳ bí mật. Có một số được chọn in thành sách và trong các báo.
Nhớ anh Đặng Xuân Khu, tôi càng cố gắng viết theo lời dặn dò của anh.
Anh Đặng Xuân Khu không chỉ là một nhà lãnh đạo Đảng mà còn là nhà văn, nhà thơ.
Sau này khi phụ trách ngành xuất bản, chúng tôi đã in tập thơ Sóng Hồng của anh.
Tôi luôn nhớ anh, một người anh kiên trì, một nhà lãnh đạo luôn quan tâm bồi dưỡng lớp cán bộ trẻ./.