Huy Cận
Năm 1943, giữa lúc cao trào cách mạng "đánh Pháp, đuổi Nhật", Trung ương Đảng ra Đề cương Văn hoá Việt Nam mà tác giả chính là đồng chí Trường Chinh, Tổng Bí thư Đảng. Lúc bấy giờ chúng tôi, những văn nghệ sĩ hoạt động ở Hà Nội, hết sức mừng là trong Đề cương nêu phương châm: Dân tộc, khoa học, đại chúng, đặt vấn đề dân tộc lên đầu. Chúng tôi rất mừng vì thấy Đảng đề cao dân tộc, lấy dân tộc làm gốc của văn hoá, vì trong hơn 80 năm Pháp đô hộ chúng ta, thực dân Pháp tìm cách dè bỉu, phá hoại văn hoá truyền thống của chúng ta, hòng làm nhụt tinh thần độc lập, tinh thần chiến đấu của nhân dân ta. Tôi nhắc thế là vì văn nghệ sĩ chúng ta có tinh thần dân tộc rất cao và luôn luôn hướng vào cuộc đấu tranh giành độc lập. Đến tháng 7-1948, Đại hội Văn hoá toàn quốc lần thứ II họp tại Đào Giã (Tỉnh Phú Thọ). Đồng chí Trường Chinh lại đọc bản Báo cáo quan trọng Chủ nghĩa Mác và văn hoá Việt Nam. Tham dự Đại hội có khá đông các nhà khoa học, nhà giáo dục và văn nghệ sĩ. Tôi đã có vinh dự được cử làm Phó Chủ tịch Đại hội ấy, nên tôi nhớ rất rõ không khí náo nức, phấn khởi của các giáo sư, bác sĩ, nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ, hoạ sĩ, kịch tác gia, nhà sử học,... dự Đại hội. Khi nghe báo cáo của đồng chí Trường Chinh, mọi người thấy rõ và thấy sáng con đường tiến lên của văn hoá nước nhà, bắt đầu từ Cách mạng Tháng Tám và từ cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện và trường kỳ. Báo cáo dùng quan điểm của chủ nghĩa Mác soi rọi vào lịch sử văn hoá của dân tộc, phân tích kỹ và sâu sắc tiến trình và thành tựu của văn hoá các thế kỷ trước, nhấn mạnh yếu tố dân tộc, yếu tố dân gian và tổng quát là chủ nghĩa nhân đạo của nền văn hoá, văn nghệ được cha ông mấy nghìn năm xây dựng. Báo cáo cũng nêu vấn đề tiếp thu có chọn lọc vốn văn hoá, văn nghệ truyền thống, gạn đục khơi trong, phủi bụi thời gian để làm sáng lại những viên ngọc của quá khứ, đồng thời phê phán xu hướng văn hoá, văn nghệ thân phát xít Nhật biểu hiện trong một số sách và một số bài báo lúc đó, và đề cao, cổ vũ những sáng tác hướng về dân tộc, hướng về phong trào nhân dân, vì độc lập dân tộc, vì một nền văn hoá chân chính. Báo cáo dành một phần quan trọng thuyết minh thêm về hai phương châm khoa học và đại chúng. Ở Đại hội đó, đồng chí Nguyễn Khánh Toàn đọc tham luận về lịch sử nước ta hồi cuối Lê đầu Nguyễn. Giáo sư Nguyễn Đình Dụ báo cáo về giáo dục, nêu phương hướng giáo dục trong kháng chiến. Giáo sư Nguyễn Xiển báo cáo về khoa học và nêu vấn đề phổ biến kiến thức khoa học và nêu thành tựu của giáo sư Lê Văn Thiêm về toán học và cũng nêu vấn đề phát triển khoa học, phổ biến kiến thức khoa học trong nhân dân, phục vụ kháng chiến. Nhà văn Hoài Thanh báo cáo về công tác văn nghệ, nêu phương châm văn nghệ đi vào quần chúng, văn nghệ phải là một vũ khí đấu tranh giành độc lập... Đại hội rất phấn khởi được Hồ Chủ tịch gửi lời thăm và khuyến khích.
Đề cương Văn hoá Việt Nam năm 1943 và Báo cáo Chủ nghĩa Mác và văn hoá Việt Nam năm 1948 đã có tác dụng rất lớn, có thể nói là quyết định đối với phong trào văn hoá, văn nghệ kháng chiến và sự nghiệp văn hoá, văn nghệ cho đến ngày nay.
Đồng chí Trường Chinh còn nhiều lần phát biểu về đường lối văn hoá, văn nghệ nhân dịp đại hội của các hội văn học, nghệ thuật. Đồng chí rất chú ý lắng nghe ý kiến của anh chị em khi bàn đến phương châm, đường lối văn nghệ của Đảng. Tại Đại hội Văn nghệ năm 1957 có cuộc tranh luận giữa một số anh em về phương châm xây dựng văn nghệ. Có một số người không nhất trí với phương châm mà Liên Xô đề ra lúc đó là "xây dựng nền văn nghệ, văn hoá mới với nội dung xã hội chủ nghĩa và hình thức dân tộc” vì nó có ít nhiều ảnh hưởng không hay đến chúng ta, dễ làm cho ta ngộ nhận là dân tộc chỉ nằm trong hình thức. Câu chuyện đến tai đồng chí Trường Chinh, đồng chí triệu tập số anh em tranh luận lại, nghe rõ ý kiến hai bên, và hỏi: "Vậy thì anh em đề nghị thay bằng phương châm gì cho thích hợp với ta?". Tôi đã mạnh dạn trả lời: Xin nêu "xây dựng nền văn hoá, văn nghệ với nội dung xã hội chủ nghĩa và tính chất dân tộc". Đồng chí ngẫm nghĩ một lúc rồi cho là phải. Thế là phương châm mới ấy đã chỉ đạo xây dựng văn hoá, văn nghệ trong suốt ba mươi năm, từ năm 1957 đến năm 1986. Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng (cuối năm 1986), chúng tôi đã kiến nghị (bằng bản tham luận) nêu lên phương châm mới có bề sâu hơn là: "Xây dựng nền văn hoá, văn nghệ đậm đà bản sắc dân tộc". Đại hội chấp nhận đề nghị này, và ghi vào nghị quyết của Đại hội.
Có thể nói, đồng chí Trường Chinh là một trong những nhà lãnh đạo của Đảng rất gắn bó với sự nghiệp văn hoá, văn nghệ của đất nước và đã chỉ đạo sát sao sự nghiệp ấy hơn bốn mươi năm.
*
Kỷ niệm thứ hai về anh Trường Chinh là năm 1940, tập thơ đầu của tôi Lửa thiêng do Nhà xuất bản Đời Nay xuất bản ở Hà Nội thì đồng chí Trường Chinh nhờ anh Lê Quang Đạo (lúc đó là Bí thư thành Hoàng Diệu) tìm mua cho anh một quyển. Anh Trường Chinh nói với anh Đạo: "Tôi đã đọc nhiều thơ của Huy Cận trên báo Đời Nay, thơ Huy Cận chan chứa tình yêu quê hương, đất nước. Anh chàng này nhất định sẽ làm cách mạng". Quả thật, như đồng chí Trường Chinh đoán, cuối năm 1941, tôi tham gia hoạt động cách mạng trong Mặt trận Việt Minh, cảm động hơn nữa là sau khi giải phóng Hà Nội đi xem một cuộc triển lãm tranh tại phố Hàng Ngang, đồng chí Trường Chinh dừng lại lâu trước bức tranh của hoạ sĩ Lê Lam vẽ cảnh sông nước mênh mông và đồng chí nói: "Đây là bức tranh như là minh hoạ bài thơ "Tràng Giang" của Huy Cận". Rồi đồng chí đọc toàn văn bài thơ đó cho những người xem triển lãm nghe. Đồng chí lại nói: "Mỗi lúc tôi đi qua sông Hồng ở bến đò Phú Thuỵ thì trong đầu tôi lại vang lên bài thơ "Tràng Giang". Sao mà bài thơ hay thế, sao mà tiếng Việt Nam đẹp thế, sao mà quê hương ta đáng yêu thế". Sau câu chuyện ấy, hoạ sĩ Lê Lam tặng tôi bức tranh ấy làm kỷ niệm.
Một kỷ niệm nữa với đồng chí Trường Chinh mà không bao giờ tôi quên là câu chuyện bên bờ sông Đáy cuối năm 1947. Hôm đó tôi đi họp Hội đồng Chính phủ phải vượt qua sông Đáy và đồng chí Trường Chinh cũng phải qua sông đi họp Trung ương. Trong lúc chờ đò, đồng chí Trường Chinh kéo tôi lại gần và nói: "Bây giờ Huy Cận phải tiếp tục làm thơ, và làm thơ hay. Nếu Huy Cận hoạt động cách mạng mà tịt thơ thì có tội, mà người ta sẽ đổ tội cho cách mạng, cho Đảng làm tịt nguồn thơ của nhà thơ Huy Cận". Nói xong đồng chí cười ha hả và bắt tay tôi bảo phải làm thơ hay. Về sau này mỗi lúc tôi ra một tập thơ mới đều gửi tặng anh Trường Chinh với lời đề: "Báo cáo với anh là Huy Cận vẫn làm thơ, không hề tịt thơ". Anh đọc những tập thơ và có nhiều lời đánh giá cao và tiếp tục cổ vũ tôi.
Kỷ niệm với anh Trường Chinh thì còn nhiều, tôi không thể kể hết, có một điều rất rõ, anh Trường Chinh là Tổng Bí thư của Đảng mà rất tâm đắc với sự nghiệp văn hoá, văn nghệ, rất gần gũi và am hiểu tâm tư, nguyện vọng của các văn nghệ sĩ, rõ ràng anh là "lãnh tụ rất tri âm, tri kỷ " với những người sáng tác. Cho nên sự lãnh đạo của anh về văn hoá, văn nghệ đã khơi nguồn mạnh mẽ cho anh chị em chúng tôi sáng tác dồi dào theo tinh thần dân tộc, và tư tưởng của thời đại./.