Trường Chinh - Nhà lý luận xuất sắc của Đảng và nhân dân ta (kỳ 9)

06:12, 13/12/2018

Hồng Long

(tiếp theo)

Thắng lợi ở Điện Biên Phủ năm 1954 là mốc lịch sử trọng đại đánh dấu thời điểm mới của việc giải phóng hoàn toàn miền Bắc, đưa đất nước vào giai đoạn phát triển lịch sử mới. Song, nhìn toàn cục từ cuộc đấu tranh lịch sử của toàn dân tộc sau khi đã giành được chính quyền về tay nhân dân lao động, khai sinh ra một đất nước độc lập có chủ quyền, thắng lợi năm 1954 mới chỉ là thắng lợi bộ phận, đất nước vẫn còn bị chia cắt và một phần còn bị chủ nghĩa đế quốc thống trị. Độc lập dân tộc thật sự phải đến thắng lợi năm 1975 mới được trọn vẹn.

Hai nhiệm vụ chiến lược về cách mạng giải phóng dân tộc và cách mạng xã hội chủ nghĩa thống nhất với nhau ở ngay chiến lược đấu tranh cho giải phóng đất nước... Từ sau chiến thắng Điện Biên Phủ và sau Đại hội III, đất nước, dân tộc được tổ chức lại hướng vào mục tiêu giải phóng miền Nam, hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân trên phạm vi cả nước. Các luận điểm khoa học về cách mạng, về giải phóng dân tộc, giai cấp và con ngươi có tính thống nhất của nó ở ngay luận điểm ban đầu của Bác Hồ trên đường đi tìm đường cứu nước: "muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản", "chỉ có chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng được các dân tộc bị áp bức và những người lao động trên thế giới khỏi ách nô lệ".

Đồng chí Trường Chinh thăm và nói chuyện với cán bộ lãnh đạo tỉnh Hải Hưng, từ ngày 29 đến ngày 31-1-1981.

Nghị quyết Đại hội III cũng như nghị quyết các hội nghị Trung ương sau Đại hội đều bao hàm nội dung về sự thống nhất của hai nhiệm vụ chiến lược, tập trung sức mạnh của cả dân tộc, cả nước vào cuộc đấu tranh không khoan nhượng trước một thế lực tàn bạo và có sức mạnh kinh tế - kỹ thuật, quân sự lớn hơn mình gấp nhiều lần. Và chính trong tính thống nhất này, Trường Chinh có nhiều đóng góp quan trọng với Bộ Chính trị, với Trung ương về mặt lý luận, không phải chỉ để giải quyết mối liên hệ giữa hai nhiệm vụ chiến lược mà là để làm rõ tính thống nhất giữa hai nhiệm vụ chiến lược trong cuộc đấu tranh của toàn dân tộc, của toàn thể nhân dân.

Năm 1965, Trường Chinh viết những bài về mối quan hệ giữa chiến tranh và cách mạng làm cơ sở nhận thức và hành động của toàn Đảng, toàn dân, khẳng định nghĩa vụ đấu tranh vũ trang tất yếu của quân và dân ta trong các bài Giương cao ngọn cờ chủ nghĩa Mác - Lênin, Nắm vững đường lối quân sự của Đảng (2-1965), Chủ tịch Hồ Chí Minh với những vấn đề quân sự của Việt Nam (5-1965). Tháng 9-1965, Trường Chinh viết một bài đầy đủ, toàn diện, chặt chẽ, giải quyết mối quan hệ giữa chiến tranh và cách mạng với đầu đề Nắm vững mối quan hệ giữa chiến tranh và cách mạng ở Việt Nam để hoàn thành thắng lợi sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Ông viết: "Chiến tranh và cách mạng là những vấn đề thời sự rất lớn... Tôi không bàn về chiến tranh cách mạng nói chung, mà chỉ bàn về quan hệ giữa chiến tranh và cách mạng ở Việt Nam hiện nay, góp phần giải thích thêm đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng ta, góp phần giải quyết tốt những vấn đề có liên quan đến chiến tranh và cách mạng ở nước ta để đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của toàn dân ta đến thắng lợi hoàn toàn". Ông đã phân tích các mối quan hệ cụ thể làm nổi bật bản chất của vấn đề một cách thuyết phục: "Nghiên cứu mối quan hệ giữa chiến tranh và cách mạng ở nước ta mấy chục năm nay, chúng ta nhận thấy những điểm nổi bật dưới đây:

Nhân dân Việt Nam muốn tự giải phóng cho mình nhất định phải đấu tranh vũ trang và làm chiến tranh cách mạng chống bọn đế quốc và bè lũ tay sai của chúng.

Chiến tranh cách mạng của nhân dân ta là một phương tiện quyết liệt để hoàn thành nhiệm vụ cách mạng và đạt tới mục đích chiến lược của cách mạng Việt Nam trong từng giai đoạn.

Phải thực hiện từng bước nhiệm vụ của cách mạng Việt Nam ngay trong quá trình đấu tranh vũ trang lâu dài".

Năm 1968, trong tác phẩm Đời đời nhớ ơn Các Mác và đi theo con đường Các Mác đã vạch ra, ông dành cả một chương để viết về "Vấn đề bạo lực trong cách mạng Việt Nam". Ông viết: "Chủ nghĩa Mác - Lênin nhận định rằng vấn đề cơ bản của mọi cuộc cách mạng là vấn đề chính quyền. Chỉ có dùng bạo lực cách mạng của quần chúng đập tan bạo lực phản cách mạng của các giai cấp bóc lột thống trị thì mới giành được chính quyền về tay nhân dân và xây dựng xã hội mới. Không bao giờ một giai cấp bóc lột lại tự nguyện rút lui khỏi vũ đài chính trị, từ bỏ chính quyền của nó, từ bỏ việc áp bức bóc lột nhân dân lao động". Ông phân tích cụ thể về bạo lực trong quá trình cách mạng Việt Nam, vạch rõ: "Hiện nay, đế quốc Mỹ đang tiến hành chiến tranh xâm lược ở miền Nam nước ta và gây ra chiến tranh phá hoại, chủ yếu bằng không quân, chống nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Trước tình hình đó, đồng bào cả nước ta phải dùng bạo lực cách mạng chống lại bạo lực phản cách mạng của đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai để giải phóng miền Nam, bảo vệ miền Bắc, tiến tới hòa bình thống nhất Tổ quốc. Đấu tranh quân sự kết hợp với đấu tranh chính trị đó là hình thức cơ bản của bạo lực cách mạng ở miền Nam hiện nay".

 (còn nữa)

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com