Trường Chinh - Nhà lý luận xuất sắc của Đảng và nhân dân ta (kỳ 7)

06:12, 06/12/2018

Hồng Long

(tiếp theo)

Tháng 7-1948, Trường Chinh công bố tác phẩm Chủ nghĩa Mác và văn hóa Việt Nam. Cũng có thể thấy rất rõ ràng, ở thời điểm toàn dân tộc đang còn rất bỡ ngỡ trước bao nhiêu công việc hoàn toàn mới mẻ về xây dựng cuộc sống độc lập, tự do, lại phải đương đầu với kẻ thù hung bạo với đội quân thiện chiến trong cuộc kháng chiến không cân sức, cuốn sách Chủ nghĩa Mác và văn hóa Việt Nam dựng lên được tinh thần cơ bản về sự nghiệp xây dựng đất nước ngay trong công cuộc kháng chiến trường kỳ nhất định thắng lợi. Trong tác phẩm của mình, với tính thống nhất chặt chẽ nhưng cũng rất phong phú và sáng sủa giữa lôgíc và lịch sử, Trường Chinh đã phân tích đầy đủ về mặt trận văn hóa - có thể suy rộng ra như mặt cơ bản nhất về mặt kiến quốc, về sự nghiệp xây dựng đất nước với những giá trị cơ bản trong truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Ông đã vạch rõ vị trí của văn hóa trong tính thống nhất giữa văn hóa và xã hội và nêu rõ luận điểm: "Xét đến cùng thì phương thức sản xuất, hoặc nói rộng ra, kinh tế là nhân tố quyết định chủ yếu đời sống tinh thần của xã hội. Đương nhiên, kinh tế không phải là nhân tố quyết định duy nhất và nhiều khi không phải là nhân tố quyết định trực tiếp, nhưng phân tích đến cùng thì dần dần ta thấy hiện ra nhân tố kinh tế. Văn học nghệ thuật, triết học, đạo đức... là kiến trúc thượng tầng xây dựng lên trên những điều kiện kinh tế nhất định và chịu ảnh hưởng sâu sắc của một bộ phận kiến trúc thượng tầng khác là chính trị, pháp luật. Kiến trúc thượng tầng nói trên có khi hình như phát triển riêng biệt. Nhưng thật ra, nó chịu sự quyết định của điều kiện sinh hoạt vật chất của xã hội rất chặt chẽ; đồng thời nó ảnh hưởng lại đời sống vật chất của xã hội và góp phần vào công cuộc cải tạo xã hội không nhỏ".

Báo Cứu quốc, cơ quan tuyên truyền cổ động của Việt nam Độc lập Đồng minh.
Báo Cứu quốc, cơ quan tuyên truyền cổ động của Việt nam Độc lập Đồng minh.

Ông nêu rõ lập trường văn hóa mácxít: "trong thời đại chúng ta hiện nay, văn hóa cách mạng, nhất là văn hóa hiện thực xã hội chủ nghĩa, phương pháp của nó là khoa học. Lập trường của nó là duy vật. Nó trái hẳn với "văn hóa" ngu dân, "văn hóa phản động của các giai cấp bóc lột (tư sản, địa chủ) mà mục đích là che đậy những chỗ xấu xa của xã hội cũ, cốt xuyên tạc sự thật và quét lên trên tấm gỗ mọt một nước sơn bóng nhoáng. Văn hóa phản cách mạng là văn hóa sợ sự thật như con cú sợ ánh mặt trời". Sau khi phân tích rõ văn hóa Việt Nam xưa và nay, ông phân tích rõ tính chất và nhiệm vụ của văn hóa dân chủ mới Việt Nam: "văn hóa dân chủ mới của nước ta hiện nay phải là văn hóa có tính chất dân tộc, khoa học và đại chúng. Ba tính chất ấy đồng thời tồn tại và quan hệ khăng khít với nhau, không thể tách rời nhau được".

Với Trường Chinh, hai tác phẩm Kháng chiến nhất định thắng lợi và Chủ nghĩa Mác và văn hóa Việt Nam là sự thể hiện luận điểm khoa học của ông về kháng chiến và kiến quốc trong cuộc chiến đấu kiên quyết và sáng tạo của dân tộc và nhân dân ta.

Báo cáo Bàn về Cách mạng Việt Nam tại Đại hội II của Đảng (2-1951), Trường Chinh đã định hình và hoàn thiện lý luận về cách mạng Việt Nam: "Cách mạng Việt Nam là một cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân. Gọi là cách mạng dân tộc, vì cách mạng đó tiêu diệt bọn đế quốc xâm lược, giành độc lập, thống nhất hoàn toàn cho dân tộc. Gọi là cách mạng dân chủ, vì cách mạng đó xóa bỏ những tàn tích phong kiến và nửa phong kiến, cải cách ruộng đất, phát triển công thương nghiệp, thực hiện những quyền tự do, dân chủ cho nhân dân. Gọi là cách mạng nhân dân, vì cách mạng đó do nhân dân tiến hành, dưới sự lãnh đạo của giai cấp công nhân, dựa trên cơ sở liên minh công nông. Dân tộc và dân chủ là tính chất của cách mạng đó. Nhân dân là lực lượng của cách mạng đó". "Cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân trong bối cảnh chung của thắng lợi của các lực lượng hòa bình và dân chủ của thế giới những năm sau Chiến tranh thế giới thứ hai. Cách mạng Việt Nam là cách mạng giải phóng dân tộc, là cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân. Cách mạng đó làm tròn nhiệm vụ dân chủ tư sản và dần dần tiến triển thành cách mạng xã hội chủ nghĩa, không cần phải qua một cuộc bùng nổ cách mạng".

Cuộc cách mạng dân tộc giải phóng ở nước ta với những bước đi lịch sử từ chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang đến Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám và cuộc kháng chiến chín năm chống chủ nghĩa thực dân Pháp, chống các thế lực phản động nhất của chủ nghĩa thực dân Pháp được chủ nghĩa đế quốc Mỹ hỗ trợ là cả quá trình tổ chức và xây dựng các giai cấp và toàn dân tộc thành đội ngũ cách mạng có tổ chức và sức mạnh đấu tranh vì độc lập dân tộc, cuối cùng lập nên chiến công vang dội thế giới trong cuộc chiến đấu 55 ngày đêm ở Điện Biên Phủ. Trường Chinh đã viết về chiến thắng Điện Biên Phủ như sau: "Chiến thắng Điện Biên Phủ đã kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến lâu dài và anh dũng của quân và dân ta chống thực dân Pháp xâm lược được bọn can thiệp Mỹ giúp sức. Chiến thắng Điện Biên Phủ đã đánh lui một bước, đánh đổ một bộ phận chủ nghĩa đế quốc thế giới ở Việt Nam, đã góp phần thúc đẩy cuộc đấu tranh của nhân dân thế giới vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội".

Quá độ từ một nền nông nghiệp nghèo nàn, lạc hậu đi lên chủ nghĩa xã hội, vì sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước

Hội nghị Giơnevơ đã đi đến thỏa thuận lập lại hòa bình ở Đông Dương, ký kết hiệp định đình chiến ở Việt Nam, Lào, Campuchia.

Lực lượng của ta ngày càng lớn mạnh. Pháp không còn đủ sức tiếp tục chiến tranh như trước. Song đế quốc Mỹ lại can thiệp trực tiếp.

Nhiệm vụ đấu tranh giải phóng dân tộc còn phải đi tiếp.

Tình hình thực tế trên thế giới và trong nước có nhiều khó khăn mới.

Trên thế giới và trong phong trào cộng sản và công nhân quốc tế có nhiều cuộc tranh cãi về con đường phát triển và đi lên của các nước, nghiêm trọng nhất là sự chia rẽ trong phong trào cộng sản và công nhân quốc tế trước hết là giữa Đảng Cộng sản Liên Xô và Đảng Cộng sản Trung Quốc.

 (còn nữa)

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com