[links()]
Trần Quốc Hương
(tiếp theo)
Vào mùa thu năm 1938, Bác Hồ từ Nga về Trung Quốc. Với bút danh PC. Lin, Bác Hồ đã viết những bức thư bằng tiếng Pháp đăng trên báo Notre Voix (Tiếng nói chúng ta).
Qua những bức thư đó - theo anh Võ Nguyên Giáp - "Bác Hồ đã khéo léo truyền đạt lại cho Đảng ta những điểm chính trong Nghị quyết Đại hội VII (năm 1935) của Quốc tế Cộng sản, kinh nghiệm kháng chiến chống Nhật của Trung Hoa. Người nhắc nhở phải chống chủ nghĩa biệt phái, mở rộng Mặt trận Dân chủ chống chủ nghĩa phát xít, kiểm soát chặt chẽ báo chí công khai của Đảng để tránh những sai lầm về chính trị và không được có một thỏa hiệp, nhượng bộ nào với bọn Trốtkít. Những bức thư của Bác Hồ lúc bấy giờ đã có tác dụng chỉ đạo rất lớn đối với sự lãnh đạo của Đảng ta".
Anh Trường Chinh nhớ lại: "Tôi liên lạc được với Bác Hồ từ cuối thời kỳ Mặt trận Dân chủ, lúc đang viết báo công khai của Đảng, đồng thời được trao nhiệm vụ nhận những bức thư của Bác Hồ gửi về cho Xứ ủy Bắc Kỳ và Trung ương Đảng. Những bức thư này do một đồng chí công nhân hoạt động bí mật, làm việc trên tuyến đường xe lửa Hà Nội - Vân Nam chuyển về, rồi bỏ vào hòm thư của báo Notre Voix.
Tháng 6-1940 xảy ra sự kiện lớn, khởi đầu của nhiều sự kiện sau này ở Việt Nam là Pháp bại trận và đầu hàng phát xít Đức. Bác Hồ quyết định gấp rút trở về nước, ở Tịnh Tây, Bác Hồ đóng vai một phóng viên Trung Quốc nói tiếng Pháp, có ba giấy tùy thân, ghi năm 1940: Hội viên Hội nhà báo Thanh niên Trung Quốc, Thông tin viên đặc biệt của Hãng thông tấn Tin tức quốc tế, và giấy thông hành của Ban Tham mưu thuộc Tổng hành dinh Đệ tứ chiến khu.
Sau Hội nghị Trung ương lần thứ bảy, anh Hoàng Văn Thụ được cử đi Trung Quốc tìm gặp Bác Hồ. Anh Thụ đã gặp Bác Hồ ở Tịnh Tây và báo cáo với Bác về phong trào cách mạng trong nước qua các cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn, Nam Kỳ, Đô Lương và sau Hội nghị Trung ương lần thứ bảy. Lúc đó vừa qua Tết Dương lịch năm 1941. Bác Hồ nói với anh Hoàng Văn Thụ về quyết định trở về nước của Bác và đề nghị Trung ương triệu tập Hội nghị lần thứ tám.
Mùa xuân năm 1941, Bác Hồ về nước qua cột mốc biên giới số 108, ở Cao Bằng.
Anh Trường Chinh nhớ lại:
"Phải đến Hội nghị lần thứ tám của Trung ương họp tại Pác Bó (Cao Bằng) lần đầu tiên tôi mới được gặp Bác Hồ. Gặp Bác là điều mơ ước lớn của cả lớp người cách mạng trẻ chúng tôi. Lúc bấy giờ, ít ai dám nghĩ điều đó sớm có thể thành sự thật. Cho nên mừng đến ứa nước mắt.
Bác Hồ chủ trì hội nghị. Bác không tự giới thiệu mình là Nguyễn Ái Quốc, mà chỉ nói là đại diện của Quốc tế Cộng sản. Bác phân công tôi viết báo cáo chính trị để trình ra hội nghị. Tôi viết xong, trình Bác xem trước. Bác gạch đi một số đoạn, rồi nói: Chú hay viết dài".
Dự hội nghị có các anh Hoàng Văn Thụ, Hoàng Quốc Việt, Phùng Chí Kiên, một số đại biểu của Xứ ủy Bắc Kỳ, Trung Kỳ và một số đại biểu hoạt động ở nước ngoài.
Hội nghị họp từ ngày 10 đến ngày 19-5-1941. Căn cứ vào những ý kiến chỉ đạo và nhận định sáng suốt của Bác Hồ về tình hình trong nước và quốc tế, Hội nghị lần thứ tám của Trung ương đặt lên trên hết và trước hết nhiệm vụ chủ yếu trước mắt của cách mạng nước ta là giải phóng dân tộc.
Vấn đề giải phóng dân tộc trước đây đã được Hội nghị lần thứ sáu của Trung ương, tháng 11-1939 đề ra. Đến Hội nghị lần thứ bảy (11-1940) cũng đã nhất trí, đồng thời cũng đặt vấn đề lập căn cứ địa cách mạng để chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang. Song, phải đến Hội nghị lần thứ tám của Trung ương, tháng 5-1941, vấn đề chuyển hướng chỉ đạo chiến lược giương cao ngọn cờ giải phóng dân tộc mới được hoàn chỉnh và nâng cao lên đúng tầm yêu cầu của nhiệm vụ cách mạng. Hội nghị quyết định thành lập Mặt trận Việt Nam Độc lập Đồng minh, gọi tắt là Việt Minh.
"Hội nghị lần thứ tám của Trung ương - anh Trường Chinh nhớ lại - Bác Hồ nói, chưa phải là Đại hội Đảng nhưng vẫn cứ bầu ra Ban Chấp hành Trung ương, Thường vụ Trung ương và Tổng Bí thư theo cách bỏ phiếu kín. Chúng tôi đề nghị Bác Hồ đảm nhiệm chức vụ Tổng Bí thư. Song, Bác nói: Tôi đang làm một số việc của Quốc tế Cộng sản. Do đó chưa thể giữ chức Tổng Bí thư của Đảng ta được".
Theo giới thiệu của Bác Hồ, Hội nghị bầu anh Trường Chinh làm Tổng Bí thư, và bầu ra Ban Thường vụ Trung ương chính thức ba người gồm các anh: Trường Chinh, Hoàng Văn Thụ, Hoàng Quốc Việt.
"Họp xong hội nghị - vẫn theo lời anh Trường Chinh - Bác Hồ dẫn Thường vụ chúng tôi ra bờ suối, và căn dặn thêm: Các đồng chí phải hết sức giữ gìn đoàn kết, làm việc tập thể và cá nhân phụ trách. Chính Bác viết Mười điều chính sách Việt Minh. Bác còn tự tay viết Kính cáo đồng bào thư bằng chữ nôm, ký tên Nguyễn Ái Quốc".
Ngày 23 và 24-9-1941, anh Trường Chinh viết Chính sách mới của Đảng, một cuốn sách bỏ túi, phổ biến ngắn gọn tinh thần Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ tám. Cuốn sách được in với số lượng lớn, lưu hành rộng rãi trong toàn Đảng và Mặt trận Việt Minh vào cuối năm 1941.
Chính sách mới của Đảng, đó là chính sách cứu quốc được vạch ra và phát động từ rừng sâu đầu nguồn Pắc Bó, mở đường cho cao trào cách mạng giải phóng dân tộc long trời lở đất ThángTám 1945 sau này.
(còn nữa)