Những năm tháng làm việc bên anh Trường Chinh (kỳ 4)

06:10, 26/10/2017

[links()]

Trần Quốc Hương

(tiếp theo)

    Tôi báo cáo mọi chuyện với anh Lê Quang Đạo. Sau đó không lâu, anh Lê Quang Đạo giới thiệu tôi đi học một lớp chính trị ngắn ngày do Xứ ủy mở ở làng Đình Bảng, Từ Sơn, Bắc Ninh. Trong khi đi học, tôi nhớ đến hai bức thư của nhóm trung kiên nhà tù Hỏa Lò vẫn còn giữ được. Tôi thưa chuyện với anh Lê Quang Đạo và nhờ anh chuyền giùm hai bức thư đó lên Thường vụ Trung ương.

    Sau lớp học, tôi được Xứ ủy Bắc Kỳ bố trí tham gia Ban Cán sự Phúc Yên, phụ trách địa bàn từ thị trấn Hương Canh, huyện Bình Xuyên đến Tam Dương.

    Một thời gian sau, tôi được tin anh Trường Chinh cho gặp. Đó là vào cuối tháng sáu năm 1943. Chị liên lạc mà anh Trường Chinh phái đi tìm tôi chính là chị Ngôn (còn có tên là Lịch) vốn người Hà Nam quê tôi, sớm thoát ly gia đình đi hoạt động cách mạng, có thời gian cũng đã tham gia Ban Cán sự Phúc Yên.

    Ngày giờ, địa điểm, mật hiệu mà anh Trường Chinh căn dặn, tôi đã thầm nhắc đi nhắc lại nhiều lần. Cứ tưởng mọi chuyện sẽ diễn ra suôn sẻ. Nào ngờ, đêm trước ngày hẹn, tôi ngủ một giấc thật ngon lành, tỉnh dậy ra đến ga thì tàu hỏa đã chạy mất hút rồi. Thật là một chuyện nhớ đời. Mười năm sau, phải, đúng mười năm sau, trong một lớp học chỉnh Đảng ở Việt Bắc, anh Trường Chinh còn tủm tỉm cười, nhắc lại với tôi chuyện đó.

    Một tuần sau, vẫn chị Ngôn được phái đi tìm tôi. Rút kinh nghiệm việc lỡ tàu lần trước, lần này tôi mượn một chiếc xe đạp tốt, chuẩn bị thật chu đáo. Suốt đêm hôm ấy, tôi không sao ngủ được. Vậy mà sớm tinh mơ hôm sau, vẫn tỉnh táo gò lưng đạp hơn hai chục cây số, tới nơi trước giờ hẹn.

    Hôm ấy, ở đền Hai Bà Trưng, làng Hạ Lôi, ngay từ lúc đầu gặp mặt, tôi đã thú thật với anh Trường Chinh vì sao lần trước tôi lỡ hẹn, và tôi rất lấy làm xấu hổ về chuyện này. Thấy tôi thành khẩn nhận sai lầm, khuyết điểm, anh vui vẻ bỏ qua cho tôi chuyện đó. Suốt cả một buổi, từ bảy giờ sáng cho đến gần trưa, anh Trường Chinh hỏi tôi đủ mọi chuyện và lắng nghe tôi nói. Đối với tôi, đó là một cuộc sát hạch nghiêm túc của một ông thầy đáng kính, lớn hơn mình mấy cái đầu. Tôi còn nhớ một câu hỏi đột ngột của anh:

    Người nông dân làm cách mạng để có ruộng đất. Anh công nhân làm cách mạng để có được nhà máy. Còn cậu, học sinh con nhà giàu, làm cách mạng để có được cái gì?

    Không một chút đắn đo, tôi trả lời ngay:

    Thanh niên học sinh như chúng em đi thoát ly hoạt động cách mạng là do lòng yêu nước, muốn sống vì lý tưởng cao đẹp, để biết yêu cái gì, đấu tranh gìn giữ cái gì, ghét cái gì và chống lại cái gì.

    Nở một nụ cười đôn hậu, anh Trường Chinh gật đầu, tỏ ý hài lòng.

    Tôi rất mừng khi thấy anh dành nhiều thời gian hỏi tôi rất kỹ về tình hình mọi mặt của Hà Nội, một địa bàn mà anh biết tôi khá thông thạo. Cũng chính từ ngày đó, anh gọi tôi là "thổ công Hà Nội".

    Và buổi trưa hè nắng gắt đó, tôi đã dùng xe đạp chở anh Trường Chinh trên đường về. Anh bảo tôi không đi theo đường nhựa, mà men theo đường đất ven sông. Đến gần một bến đò ở Trạm Trôi thì anh chia tay với tôi.

    Đến lần gặp sau, ở bên bờ đê sông Hồng, anh Trường Chinh vui vẻ cho biết Thường vụ Trung ương Đảng quyết định rút tôi khỏi Ban Cán sự Đảng tỉnh Phúc Yên để đi nhận công tác mới. Lúc bấy giờ, tôi cũng chưa biết mình sẽ làm gì.

    Mấy hôm sau, chị Ngôn đến gặp, bảo tôi thu xếp công việc rồi đưa tôi sang Sù, Gạ (Phú Xá, Phú Thượng, bây giờ thuộc quận Tây Hồ, Hà Nội). Chính tại đây, tôi được anh Trường Chinh cử về bộ phận Công tác đội trong An toàn khu của Ban Thường vụ Trung ương.

    Anh lên Hà Nội lần này là đi họp Xứ ủy, với tư cách là một cán bộ chủ chốt của Ban cán sự Đảng Hải Phòng. Tôi tâm sự, hàn huyên với anh về mọi chuyện và nhờ cậy anh giúp tôi liên hệ với tổ chức Đảng. Thế là anh Vũ Quý sốt sắng chắp mối cho tôi được gặp anh Lê Quang Đạo, lúc này đang là ủy viên Thường vụ Xứ ủy Bắc Kỳ, Bí thư Ban Cán sự Hà Nội. Chỉ mấy hôm sau, qua sự giới thiệu và sắp xếp của anh Vũ Quý, tôi được gặp anh Lê Quang Đạo. Lần gặp này làm tôi nhớ mãi, vì địa điểm chính là nhà một cơ sở cách mạng, gia đình một anh bạn cùng bị bắt với tôi trong một vụ khác, mười lăm năm sau ở miền Nam. Đó cũng là nhà của anh Hội, Bí thư Tỉnh ủy Gò Công, hy sinh ngay từ ngày đầu Kháng chiến chống Pháp.

(còn nữa)



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com