Phố Đỗ Tông Phát dài 110m, rộng 13m, có địa giới từ phố Thích Đức Thuận đến đường Đỗ Mạnh Đạo, thuộc khu tái định cư Bãi Viên.
Đỗ Tông Phát (1812-1893) xuất thân trong gia đình nông dân nghèo ở xã Quần Anh, huyện Nam Chân, xứ Sơn Nam Hạ (nay thuộc huyện Hải Hậu). Năm 1843, ông đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân khoa thi Quý Mão triều Thiệu Trị. Năm 1848 ông nhậm chức Tri phủ Ứng Hòa rồi vào Nghệ An làm đốc học. Sau đó, ông được chuyển về làm việc tại Quốc tử giám Huế với chức vụ Quốc tử giám tư nghiệp, là thầy dạy của hai Vua Thành Thái và Duy Tân. Sau khi được triều đình cho về nghỉ tại quê nhà, ông chiêu mộ nghĩa binh xin trấn giữ miền biên giới Đông Bắc và được triều đình nhà Nguyễn phong làm Tham biện, Phòng hải sự vụ. Năm Giáp Tý niên hiệu Tự Đức thứ 17 (1864), ông được thăng hàm Quang Lộc Thiếu Khanh trật tòng tứ phẩm, rồi làm Quốc sử viện toản tu rồi được điều ra Nam Định giữ chức Thương biện tỉnh vụ coi sóc ruộng hoang tại vùng đất thuộc huyện Giao Thủy. Năm 1867, ông được nhà Nguyễn phong làm Doanh điền sứ tổ chức nhân dân khai khẩn lập nên các Tổng Quế Hải, Tân Khai (nay là 4 xã Hải Đông, Hải Tây, Hải Quang và một phần xã Hải Lý). Năm Quý Hợi niên hiệu Tự Đức thứ 26 (1873), Thành Nam Định thất thủ trước sự tấn công của Pháp, Đỗ Tông Phát phải liên đới chịu trách nhiệm, bị mất hết chức tước. Sau một thời gian ra sức phục vụ, ông lại được khôi phục hàm Biên tu, lĩnh chức Doanh điền sứ. Năm 1881 ông tiếp tục giữ chức Hàn lâm viện Biên tu kiêm Biện điền sự vụ… Sau đó, do tuổi cao, Đỗ Tông Phát từ quan, về nghỉ tại thôn Tây xã Quần Phương Hạ./.
Minh Tân