[links()]
Trần Quốc Hương
(tiếp theo)
Mùa hè năm 1940, nước Pháp bại trận và đầu hàng nước Đức quốc xã của Hitle. Chế độ Cộng hòa Pháp sụp đổ và quốc gia Pháp ra đời ở Visi, do "quốc trưởng" bù nhìn già nua Pêtanh (Pétain) cầm đầu. Phái Đờ Gôn (De Gaulle) lưu vong sang Luân Đôn (Anh) rồi liên kết với nhóm thực dân cầm quyền ở Bắc Phi. Chính quốc không còn chỉ huy được thuộc địa. Ngày 18-6-1940, bốn ngày trước khi chính quyền Pêtanh ký văn bản đầu hàng phát xít Hitle, Nhật gửi tối hậu thư cho Pháp đòi đưa quân đội vào miền Bắc Việt Nam và kiểm soát các sân bay. Gần một tháng sau, Nhật lại đòi kiểm soát các căn cứ hải quân. Chính quyền Đờcu ở Đông Dương "quỳ gối đầu hàng, mở cửa nước ta rước Nhật". Ngày 23-9-1940, quân Nhật đánh chiếm Lạng Sơn và đổ bộ vào Hải Phòng. Từ đó, nhân dân ta chịu hai tầng xiềng xích, "một cổ đôi tròng". Nhật còn để chính quyền Đờcu tạm thời cai trị các nước Đông Dương, nhưng vẫn nắm gáy Pháp, sử dụng các căn cứ quân sự ở miền Bắc Việt Nam đế đánh Trung Hoa Dân quốc và tiến xuống Đông Nam Á. Chế độ phát xít của cả Pháp lẫn Nhật được thiết lập trên đất nước ta. Tuy cam chịu thân phận làm "chó giữ nhà cho Nhật" nhưng thực dân Pháp vẫn điên cuồng khủng bố dữ dội phong trào cách mạng nước ta.
Tháng 11-1939, Trung ương Đảng ta họp Hội nghị lần thứ sáu đề ra sự chuyển hướng chỉ đạo chiến lược, tập trung vào nhiệm vụ đánh đổ đế quốc: Bước đường sinh tồn của dân tộc ta không còn con đường nào khác hơn là con đường đánh đổ đế quốc xâm lược, vô luận da trắng hay da vàng để tranh lấy giải phóng dân tộc. Theo đường lối đó, công cuộc chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang để giành chính quyền diễn ra rất sôi nổi, nhất là ở Nam Kỳ.
Mấy tháng đầu năm 1940, nhiều cán bộ lãnh đạo chủ chốt của Trung ương đã bị Pháp bắt giam. Từ cuối tháng 4-1940, trong Trung ương chỉ còn một người. Đó là anh Phan Đăng Lưu. Tình hình sôi sục của phong trào cách mạng trong nước đòi hỏi Đảng ta phải nhanh chóng kiện toàn tổ chức, nhất là cấp Trung ương.
Tháng 11-1940, anh Phan Đăng Lưu từ miền Nam ra miền Trung và miền Bắc gặp các Xứ ủy để bàn việc phối hợp hành động với Đảng bộ Nam Kỳ trong trường hợp cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ nổ ra.
Từ ngày 6 đến ngày 9-11-1940, Hội nghị Trung ương lần thứ bảy họp tại Đình Bảng (Từ Sơn, Bắc Ninh). Dự họp có các anh Phan Đăng Lưu, Trường Chinh, Hoàng Văn Thụ, Hoàng Quốc Việt. Hội nghị khẳng định chủ trương chuyển hướng chỉ đạo chiến lược do Hội nghị Trung ương lần thứ sáu đã đề ra, nêu cao nhiệm vụ giải phóng dân tộc, sáng suốt nhận định kẻ thù chính của nhân dân ta lúc này là phát xít Pháp - Nhật và đề ra nhiệm vụ khẩn trương chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang để tiến tới Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước.
Một Ban Chấp hành Trung ương lâm thời, đồng thời là Thường vụ Trung ương gồm các anh: Trường Chinh, Phan Đăng Lưu, Hoàng Văn Thụ, Hoàng Quốc Việt được thành lập. Hội nghị đã cử anh Trường Chinh làm Quyền Tổng Bí thư.
Hội nghị quyết định hoãn cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ vì chưa đủ điều kiện bảo đảm thắng lợi, phong trào Bắc Kỳ và Trung Kỳ còn yếu, phải đợi Trung Kỳ và Bắc Kỳ chuẩn bị tốt rồi sẽ cùng Nam Kỳ tiến hành khởi nghĩa theo một kế hoạch chung của Trung ương. Nhưng ngày 22 - 11 -1940, khi anh Phan Đăng Lưu về tới Sài Gòn thì bị Pháp bắt. Lệnh nổi dậy của Xứ ủy Nam Kỳ đã ban hành từ ngày 20 và 21 - 11 - 1940. Tuy Hội nghị Trung ương lần thứ sáu quyết định hoãn cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ, nhưng khi vừa được tin cuộc Khởi nghĩa nổ ra, Thường vụ Trung ương lập tức ra thông cáo khẩn cấp và lời hiệu triệu, kêu gọi các địa phương cả nước hưởng ứng và phối hợp hành động với Nam Kỳ.
Cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ nổ ra giáng một đòn sấm sét làm địch hết sức kinh hoàng và tổn thất nặng, nhưng ta cũng phải trả giá đắt. Phát xít Pháp đã bắn giết hàng nghìn người, bắt hàng vạn người, xử bắn gần 200 chiến sĩ cách mạng, trong đó có các anh Hà Huy Tập, Nguyễn Văn Cừ, Phan Đăng Lưu, Võ Văn Tần, chị Nguyễn Thị Minh Khai. Nhiều chiến sĩ cách mạng đã bị đày ra Côn Đảo và chết trong các nhà tù. Chính quyền Đờcu còn dựa vào Sắc lệnh 20 - 1 - 1940 bắt hàng nghìn cán bộ, quần chúng cốt cán của ta đưa đi an trí, quản thúc hoặc ném vào "căng" lao động đặc biệt giam giữ không thời hạn được lập ra ở khắp nước ta. Trước sự khủng bố tàn bạo của địch, một số cán bộ dao động, nằm im hoặc lẩn tránh.
Nhân dân ta trong những năm tháng đó sống trong tình cảnh vô cùng cực khổ và khó khăn. Pháp, Nhật bắt tay nhau ra sức khủng bố, đàn áp những người cộng sản và tất cả những người Việt Nam yêu nước có tinh thần dân tộc, dân chủ. Cách mạng Việt Nam sẽ làm gì? Đảng tiên phong của giai cấp công nhân và nhân dân Việt Nam sẽ phải làm thế nào để giành lại độc lập và tự do cho Tổ quốc?
(còn nữa)