Trường Chinh - Thân thế và sự nghiệp (Kỳ 6)

03:02, 07/02/2017

[links()]

HOÀNG TÙNG
Nguyên Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng

(Tiếp theo)

    Công tác của Thường vụ Trung ương rất khẩn trương. Biết rõ quân đội Nhật đang chuẩn bị đánh đổ chính quyền của Pháp, qua báo Cờ Giải Phóng, Trường Chinh dự báo: cái nhọt bọc nhất định phải vỡ mủ. Qua Trần Quốc Hương, ông chuẩn bị cuộc gặp với những người Pháp thuộc phái Đờgôn, vận động họ phối hợp cùng với ta chống Nhật. Họ do dự, có thể vì tại Cônggô Bradavin thuộc Pháp, Đờgôn tuyên bố, sau chiến tranh, Pháp sẽ trở lại Đông Dương và chỉ cho Việt Nam hưởng một chế độ tự trị hạn chế. Trường Chinh bác bỏ âm mưu ấy.

    Hoạt động của Tổng Bí thư những năm tháng trước cuộc Tổng khởi nghĩa cực kỳ sôi nổi, năng động, linh hoạt. Bất chấp nguy hiểm, ông vào nội thành họp các nhà văn thành lập Hội văn hóa cứu quốc, đưa ra Đề cương Văn hóa Việt Nam. Năm 1944, ông giúp nhóm các nhà trí thức do Dương Đức Hiền đứng đầu thành lập Đảng Dân chủ Việt Nam.

    Những bài viết ký tên Trường Chinh mang tính chỉ thị, chỉ đạo của Trung ương về chính trị, tư tưởng, tổ chức có ảnh hưởng rất rộng. Cán bộ, đảng viên coi báo Cờ Giải Phóng là cẩm nang cách mạng. Nhân danh Tổng bộ Việt Minh, Trung ương cho ra đời báo Cứu Quốc. Lúc đầu, báo này cũng do Trường Chinh phụ trách và là cây bút chính luận chủ lực. Gần như là một linh cảm, ông biết cuộc chính biến của quân đội Nhật sắp nổ ra, ông triệu tập Hội nghị Thường vụ Trung ương mở rộng ngày 9-3-1945 ở chùa Đồng Kỵ. Hội nghị mới bắt đầu thì ngoài cổng chùa có tiếng ồn ào. Lý trưởng, trương tuần đưa lính tuần đinh đến đòi mở cửa chùa vào bắt những người lạ mặt mới đến. Nhà sư trụ trì ra giằng co, nói dối rằng những người ban ngày đến tô tượng, buổi chiều đã về. Ông làm như vậy cốt để những ngưòi mới đến có thể rút lui qua giậu tre sau chùa.

    Trên đường chuyển sang Đình Bảng, bỗng nghe tiếng súng lớn nổ vang từ phía Hà Nội. Ngày 10, Hội nghị tiếp tục công việc ở Đình Bảng, đồng thời phái người vào nội thành nắm tình hình cụ thể. Toàn quyền Đờcu (Decoux) và toàn bộ quan chức người Pháp bị bắt (quân Pháp bị tước vũ khí và bị giam trong trại). Quân Nhật làm chủ Hà Nội.

    Hội nghị Đình Bảng nhanh chóng thông qua Chỉ thị Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta. Qua báo Cờ Giải Phóng , Trường Chinh phân tích những vấn đề quan trọng của bản Chỉ thị, hướng dẫn hành động, thông tin phong trào quần chúng, vạch trần tính chất giả hiệu của hành động của Nhật Bản trao quyền độc lập cho người Việt Nam, công nhận Bảo Đại làm vua, trao cho ông ta tìm người lập nội các, thiết lập hệ thống chính quyền và quân đội. Một số nhà trí thức có tên tuổi do Trần Trọng Kim đứng đầu lập thành chính phủ bù nhìn. Từ cấp kỳ đến tỉnh, huyện, xã phần lớn quan lại, công chức cũ của Pháp được giữ lại làm việc với cái tên mới: khâm sai, tỉnh trưởng, huyện trưởng. Quân khố xanh được đổi tên thành bảo an binh. Vốn là quan lại bù nhìn, vua bù nhìn, chủ thay đổi, vẫn là bù nhìn. Nhiều nhà trí thức được Nhật sử dụng rất ngây thơ về chính trị kể từ Trần Trọng Kim. Tất cả đều đảo lộn.

    Tình hình bên ngoài là Nhật, Đức đang đi đến thất bại cuối cùng. Quân Nhật ở Đông Dương nơm nớp lo sợ về tai họa sắp đến, và phải đương đầu với Việt Minh đang có khí thế lấn át chính quyền bù nhìn. Nhiều tên Việt gian, tay sai của Nhật bị trừng trị giữa ban ngày ở Hà Nội và nhiều nơi khác.

    Nhân những ngày hỗn quân, hỗn quan sau cuộc chính biến, mấy nghìn người cộng sản ở các nhà tù đã được chuẩn bị cho những cuộc chiến đấu lớn, bằng nhiều biện pháp thích hợp, nhanh chóng thoát khỏi nhà tù, trở về các địa phương tham gia đội ngũ lãnh đạo các cấp. Họ đều là những cán bộ dày dạn kinh nghiệm, từ chưa đầy một nghìn đảng viên, chỉ trong mấy ngày Đảng ta có thêm khoảng bốn nghìn cán bộ. Hệ thống tổ chức của Đảng được khôi phục ở tất cả các cấp, các địa phương. Nhiều tỉnh ủy chỉ có vài đồng chí, được bổ sung gấp ba, bốn lần. Đó là lực lượng then chốt để phát động cao trào cứu quốc rồi cao trào Tổng khởi nghĩa. Bản Chỉ thị tháng ba và Cương lĩnh, Điều lệ Việt Minh, báo Cờ Giải Phóng là cẩm nang chỉ đường cho hành động của mọi người.

    Trong những tháng phong trào đang có bước phát triển nhảy vọt này, Bác Hồ lại có việc phải đi Vân Nam từ tháng hai đến tháng năm mới về đến Tuyên Quang. Trách nhiệm to lớn đặt lên vai Trường Chinh. Người ông nhỏ nhắn, thanh tú song chí ông lớn, nhạy bén về chính trị, thành thạo về tổ chức. Tư duy biện chứng của ông thể hiện sinh động vô cùng trong quá trình chuẩn bị cuộc Cách mạng Tháng Tám.

    Sau tháng 3-1945, Trường Chinh, Nguyễn Lương Bằng, Lê Đức Thọ đều chuyển về Khu an toàn ở ngoại thành Hà Nội và một bộ phận của huyện Hoài Đức. Số người giúp việc được bổ sung: một Ban chỉ huy Đội công tác gồm gần mười người được thành lập, mỗi người phụ trách một huyện trong toàn bộ Khu an toàn ở bên này và bên kia sông Hồng. Đội ngũ người liên lạc cũng được tăng cường nhằm bảo đảm sự liên hệ nhanh chóng giữa Trung ương, ba xứ ủy và các tỉnh ủy, các khu.

    Phong trào cứu quốc phát triển nhảy vọt ở cả thành thị lẫn nông thôn, miền Bắc, miền Trung, miền Nam, nhiều chiến khu ra đời và nhanh chóng mở rộng. Trước nạn đói xảy ra ở các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ, các tỉnh Bắc Trung Bộ, một phong trào cứu đói, phá kho thóc của quân Nhật chia cho đồng bào nghèo được phát động thu hút đông đảo quần chúng, ngọn cờ Việt Minh được giương cao trong các cuộc biểu tình chống Nhật và chính phủ bù nhìn. Hưởng ứng chỉ thị của Trung ương: "Sắm vũ khí trả thù nhà", các lò rèn ở các làng đỏ lửa suốt đêm rèn dao, kiếm, mũi mác. Thanh niên lập thành các đội tự vệ cứu quốc, luyện tập quân sự.

(Còn nữa)



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com