[links()]
HOÀNG TÙNG
Nguyên Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng
(Tiếp theo)
Năm 1947, Trung ương Đảng, Chính phủ kháng chiến, Bộ Tổng tư lệnh quân đội và tất cả các cơ quan trung ương đã được thành lập tại Việt Bắc, núi non hiểm trở, lòng người vững vàng, kiên trì chiến đấu.
Lại mưu toan thiết lập nhanh nền thống trị trên cả nước ta, Pháp mạo hiểm tổ chức cuộc tập kích phối hợp bộ binh và không quân đánh vào Bắc Cạn nhằm mục đích cất một mẻ vó, bắt gọn Bộ chỉ huy tối cao cuộc kháng chiến của ta. Tàu chiến của chúng đã chờ sẵn ở vịnh Hạ Long để khi bắt được người đứng đầu Nhà nước và Đảng ta sẽ đưa về đây, buộc phải chấp nhận một giải pháp kết thúc chiến tranh theo ý muốn của họ. Cuộc phiêu lưu này nhanh chóng thất bại với những tổn thất khá nặng.
Pháp bị đặt vào tình thế phải đeo đuổi một cuộc chiến tranh tiêu hao kéo dài. Chúng phải chuyển sang thế phòng ngự, thay đổi tư tưởng chiến lược chiến tranh.
Sau thắng lợi tháng 10-1947, các cơ quan trung ương của ta thiết lập ổn định chung quanh dãy núi Hồng hùng vĩ nối liền Thái Nguyên với Tuyên Quang.
Bị quân Pháp nhảy dù xuống đúng chỗ ở, Trường Chinh đã nhanh chóng thoát khỏi vòng vây của địch, an toàn trở về Định Hóa. Hội nghị Trung ương được triệu tập nhằm mục đích: nhận định thắng lợi vừa qua và ý nghĩa của nó, quyết định những nhiệm vụ và công tác mới để tăng cường lực lượng mọi mặt của cuộc kháng chiến, bầu bổ sung thêm người vào Ban Chấp hành Trung ương là Tôn Đức Thắng, Phạm Văn Đồng, Lê Văn Lương, Trần Hữu Dực. Trung ương cũng quyết định kiện toàn cơ quan chỉ đạo của mình bằng việc lập ra các ban tuyên truyền, đảng vụ, kiểm tra, dân vận. Trường Chinh trực tiếp chỉ đạo Ban Tuyên truyền, báo Sự Thật, vẫn với bút danh Trường Chinh, ông viết một loạt bài về lý luận, đường lối kháng chiến, tư tưởng quân sự của cuộc chiến tranh nhân dân. Thấm nhuần tư tưởng chỉ đạo của Hồ Chí Minh, tác phẩm Kháng chiến nhất định thắng lợi của ông là tập hợp những bài được đăng trên báo Sự Thật, phát triển có hệ thống lý luận về kháng chiến toàn dân, toàn diện, ba giai đoạn của cuộc kháng chiến trường kỳ và một sốvấn đề về chiến thuật chiến tranh.
Sau thắng lợi của cách mạng Trung Quốc và sự ra đời của nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, Bác Hồ và Trung ương Đảng kịp thời nhận định những ảnh hưởng thắng lợi của cách mạng Trung Quốc đối với cuộc kháng chiến của ta: vòng vây của chủ nghĩa đế quốc và các thế lực phản động đã bị phá vỡ một mảng lớn có lợi cho ta, bất lợi đối với địch; ta có chỗ dựa và nguồn viện trợ; địch bị uy hiếp trực tiếp. Thế của ta vụt mạnh lên tạo thêm lực mới, thế của địch yếu đi, lực của chúng cũng giảm, nguồn bổ sung của chúng sắp cạn. Thời cơ đã thuận lợi cho ta mở một cuộc phản công chiến lược phá vỡ phòng tuyến biên giới phía đông của địch, đường số 4 nối liền Cao Bằng với Lạng Sơn. Tháng 10-1950, ta mở chiến dịch bẻ gãy phòng tuyến này của Pháp; tiêu diệt, bắt gọn toàn bộ quân địch. So sánh lực lượng giữa ta và địch thay đổi. Hai bên điều chỉnh chiến lược chiến tranh. Là Tổng Bí thư, Trường Chinh chỉ đạo chiến tranh trong cả nước và các chiến dịch, công tác chính trị, tư tưởng trong toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, đào tạo cán bộ, bảo đảm sự vững vàng của hậu phương chi viện đầy đủ cho tiền tuyến.
Sau khi phá vỡ vòng vây của các thế lực phản động, Đảng ta quyết định thiết lập quan hệ với các Đảng Cộng sản Trung Quốc, Liên Xô và các đảng anh em khác. Trung ương đề nghị Bác Hồ đi thăm Trung Quốc và Liên Xô. Đầu năm 1950, Mao Trạch Đông, Xtalin chúc mừng thắng lợi của Việt Nam và ngỏ ý muốn Bác Hồ làm rõ những vấn đề mà hai ông nhiều năm theo dõi và quan tâm: Đảng ta tuyên bố tự giải tán, thu hút những người địa chủ, tư sản vào bộ máy nhà nước, trì hoãn cách mạng ruộng đất. Hồ Chí Minh trình bày rõ tình hình thực tế và chính sách đoàn kết dân tộc giải phóng đất nước là quá trình kết hợp và chuẩn bị cho việc giải phóng xã hội sẽ được hoàn thành sau thắng lợi của cuộc kháng chiến. Cả Xtalin và Mao Trạch Đông đều có một tiếng nói chung rằng, đấu tranh giai cấp là điều kiện quyết định thắng lợi của cuộc đấu tranh chống đế quốc. Việc quan trọng hàng đầu của cách mạng Việt Nam là phải khôi phục hoạt động công khai của Đảng Cộng sản, cải tổ Đảng, bộ máy nhà nước, quân đội, cải cách ruộng đất. Hồ Chí Minh trả lời: chúng tôi cảm ơn gợi ý của Trung Quốc, Liên Xô và sẽ về bàn với ban lãnh đạo của chúng tôi. Bây giờ, đối với chúng tôi, việc quan trọng nhất là được sự ủng hộ, giúp đỡ của hai đảng, hai nước để đưa cuộc kháng chiến của chúng tôi đến thắng lợi nhanh chóng hơn. Chúng tôi mong được Trung Quốc, Liên Xô và các nước anh em khác thiết lập quan hệ ngoại giao với Nhà nước cách mạng Việt Nam, vấn đề cuối cùng được đáp ứng.
Từ tháng 2-1950, Trung Quốc, Liên Xô, các nước Trung và Đông Âu, Mông Cổ, Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên thiết lập quan hệ ngoại giao với nước ta. Trung Quốc bắt đầu viện trợ cho ta và cử sang Việt Bắc hai đoàn cố vấn chính trị, quân sự. Từ đó, Đảng ta lần lượt mời các cố vấn thuộc các lĩnh vực hoạt động: quân sự, chính trị, kinh tế, văn hóa, công tác đảng, công tác nhà nước và cũng lần lượt đưa cán bộ sang học ở Liên Xô, Trung Quốc và các nước anh em khác. Hồ Chí Minh học Mác, Ãngghen, Lênin theo phương pháp của các ông, nắm vững nền tảng khoa học của học thuyết, cách phân tích, giải quyết những vấn đề thực tiễn cụ thể của ta, ngay từ đầu, Người đã phát triển quan điểm của mình rằng: người Pháp làm cách mạng vô sản, người Việt làm cách mạng giải phóng dân tộc, hai cuộc cách mạng phối hợp với nhau, tiến hành đồng thời để cùng tiến tới mục đích cuối cùng của cách mạng thế giới là chủ nghĩa cộng sản.
Lênin chỉ rõ ba bộ phận cấu thành của chủ nghĩa Mác là triết học Đức, kinh tế chính trị học Anh, chủ nghĩa xã hội Pháp được ông nâng lên trên nền tảng khoa học của chủ nghĩa duy vật biện chứng. Có thể nói thêm tinh hoa tư tưởng của triết học cổ đại Hy Lạp, của nền văn hóa Phục hưng, thế kỷ ánh sáng, những thành tựu của khoa học tự nhiên đã đạt được đến giữa thế kỷ XIX với ba phát kiến lớn. Mác nói: Các khoa học tự nhiên hình thành mọi nhận thức. Lênin nói: chủ nghĩa Mác chỉ cung cấp cho chúng ta những quy luật phát triển chung nhất của lịch sử, những người mácxít phải tự mình phát hiện những quy luật phát triển đặc thù của nước mình.
(Còn nữa)