[links()]
(Tiếp theo)
Thực hiện Chỉ thị số 02-CT/TW ngày 8-5-1982 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, công tác chuẩn bị đại hội các cấp vòng 2 của tỉnh được tiến hành khẩn trương. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã phân công các đồng chí ủy viên Thường vụ đi nghe và cho ý kiến trực tiếp về nội dung công tác chuẩn bị đại hội của các huyện, thành, thị và đảng ủy trực thuộc; đồng thời chỉ đạo tiến hành đại hội điểm ở huyện Hải Hậu để rút kinh nghiệm. Nhiệm vụ chủ yếu của đại hội các cấp vòng 2 là bàn phương hướng, giải pháp thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ V của Đảng và bầu Ban Chấp hành Đảng bộ khoá mới. Đại hội đảng bộ cơ sở, đại hội đảng bộ cấp huyện và tương đương vòng 2 đều thực hiện đúng sự chỉ đạo của Trung ương, đảm bảo nguyên tắc, thủ tục, đạt chất lượng cao.
Từ ngày 25 đến ngày 29-3-1983, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hà Nam Ninh lần thứ III (vòng 2) được tổ chức tại Nhà văn hoá 3-2, thành phố Nam Định, có 507 đại biểu chính thức về dự Đại hội. Đồng chí Hoàng Tùng, Bí thư Trung ương Đảng thay mặt Ban Bí thư về dự và chỉ đạo Đại hội. Đại hội thông qua Báo cáo về công tác xây dựng đảng, báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khoá II), bầu Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khoá III gồm 43 ủy viên chính thức và 4 ủy viên dự khuyết. Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã bầu 13 Ủy viên Ban Thường vụ, đồng chí Nguyễn Văn An được bầu là Bí thư Tỉnh ủy; đồng chí Trần Bình được bầu là Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; đồng chí Trịnh Văn Thuật được bầu là ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh.
Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hà Nam Ninh lần thứ III, vòng 2, tháng 3-1983. |
Đại hội đề ra phương hướng, nhiệm vụ chung cho những năm tới là: “Nắm vững chuyên chính vô sản, phát huy quyền làm chủ tập thể của nhân dân lao động, tiến hành đồng thời ba cuộc cách mạng, lấy cách mạng khoa học - kỹ thuật làm then chốt; tăng cường đoàn kết toàn Đảng bộ và quân dân trong tỉnh, nêu cao tinh thần tự lực tự cường, tận dụng khai thác mọi nguồn lao động, đất đai, rừng, biển, ngành nghề, tiếp tục xây dựng kinh tế và phát triển văn hoá theo hướng tập trung, đưa nông nghiệp một bước lên sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa, trọng tâm là giải quyết vững chắc vấn đề lương thực, tạo nguồn nguyên liệu tại chỗ, đẩy mạnh sản xuất hàng tiêu dùng và hàng xuất khẩu, từng bước xây dựng cơ cấu hợp lý nông - công nghiệp từ cơ sở, trên địa bàn huyện và hình thành cơ cấu công - nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Tăng cường quản lí kinh tế, cải tiến phân phối lưu thông, kiên quyết xoá bỏ hành chính quan liêu bao cấp, thực sự chuyển sang hạch toán kinh doanh xã hội chủ nghĩa, phấn đấu tạo thế cân đối mới, nhất là cân đối tài chính, tiền - hàng, bảo đảm kinh tế địa phương phát triển mạnh mẽ, vững chắc. Thường xuyên đề cao cảnh giác, tăng cường lực lượng quốc phòng, an ninh, kiên quyết đánh thắng cuộc chiến tranh phá hoại nhiều mặt của địch và sẵn sàng chiến đấu thắng lợi trong mọi tình huống; đảm bảo giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, ổn định và từng bước cải thiện đời sống nhân dân trong tỉnh, làm tròn nghĩa vụ đối với Nhà nước và nghĩa vụ quốc tế được Trung ương giao, góp phần tích cực vào sự nghiệp cách mạng xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.
Trên cơ sở phương hướng nhiệm vụ chung, Đại hội đề ra một số nhiệm vụ, mục tiêu chủ yếu: Sản lượng lương thực bình quân đạt 82 vạn tấn/năm; giá trị sản lượng công nghiệp địa phương 340-350 triệu đồng/năm; xuất khẩu đạt 100-120 triệu đồng/năm; huy động lương thực đạt 17 vạn tấn/năm; mức ăn bình quân đạt 16 kg/tháng/người... Đại hội quyết định tập trung vào thực hiện 4 nội dung lớn:
Đẩy mạnh sản xuất, đáp ứng những nhu cầu cấp bách và thiết yếu nhất, bảo đảm ổn định và tiến lên cải thiện một bước đời sống vật chất và văn hoá của nhân dân trong tỉnh, trước hết là vấn đề lương thực, thực phẩm. Giải quyết tốt hơn những nhu cầu về ăn, mặc, học tập, chữa bệnh, nhà ở và đi lại.
Tiếp tục xây dựng có trọng điểm cơ sở vật chất kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội, chủ yếu là thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, hàng tiêu dùng và hàng xuất khẩu.
Củng cố, hoàn thiện quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa trên các lĩnh vực, trước hết là nông nghiệp.
Đáp ứng các yêu cầu phòng thủ đất nước, bảo đảm kết hợp chặt chẽ xây dựng kinh tế với củng cố quốc phòng và giữ vững an ninh, trật tự.
Ngay sau khi Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ III được tổ chức thành công, các cấp ủy đảng đã tổ chức quán triệt nghị quyết tới cán bộ, đảng viên. Trên cơ sở thực tế của từng địa phương, đơn vị, cấp ủy, chính quyền các cấp đều xây dựng chương trình hành động thực hiện nghị quyết với tinh thần chủ động, cụ thể, sát thực; đồng thời phát động phong trào thi đua sâu rộng tới các tầng lớp nhân dân, tạo ra khí thế mới trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ chính trị và đã thu được kết quả khá toàn diện.