Khôi phục và phát triển KT-XH giai đoạn 1976-1980, tăng cường công tác quốc phòng - an ninh, góp phần bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa - Kỳ 13

06:05, 26/05/2016

[links()]

(Tiếp theo)

    Nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo của toàn Đảng bộ, Tỉnh ủy luôn coi trọng công tác xây dựng, củng cố Đảng về chính trị, tư tưởng và tổ chức.

    Công tác chính trị, tư tưởng được tăng cường. Các cấp ủy đảng coi trọng tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, giáo dục chủ nghĩa Mác - Lênin, bồi dưỡng lập trường, quan điểm giai cấp công nhân, làm cho cán bộ, đảng viên hiểu rõ hơn về đường lối xây dựng đất nước trong giai đoạn cách mạng mới; đồng thời tăng cường giáo dục phẩm chất, đạo đức cách mạng, chống mọi biểu hiện suy thoái, ngăn ngừa tệ nạn tham ô, tham nhũng, thói quan liêu, hách dịch. Trong những năm 1978-1980, tình hình quốc tế diễn biến phức tạp, Đảng bộ tỉnh đã tăng cường công tác giáo dục truyền thống cách mạng, khơi dậy lòng yêu nước, tinh thần dân tộc, nâng cao giác ngộ cách mạng, vạch trần âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, kiên quyết đấu tranh, làm thất bại âm mưu phá hoại của kẻ thù, kiên định độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Đảng bộ thường xuyên tổ chức các đợt sinh hoạt phê bình và tự phê bình. Qua các đợt học tập, nghiên cứu các chỉ thị, nghị quyết, tư tương và hành động trong cán bộ, đảng viên có chuyển biến tích cực. Đại đa số đảng viên nhận thức đúng đắn đường lối cách mạng của Đảng và thực tiễn địa phương, từ đó, không ngừng học tập, trau dồi, nâng cao trình độ lý luận chính trị. Năm 1978, các trường Đảng huyện đã mở 2 lớp sơ cấp cho 2.240 đảng viên học tập và 31 lớp chương trình trung cấp lý luận chính trị. Các huyện triển khai thực hiện tốt là Xuân Thuỷ, Hải Hậu, Nam Ninh.

    Tỉnh ủy chỉ đạo, sắp xếp, hợp nhất, giải thể và thành lập mới một số tổ chức như: hợp nhất hai trường Đảng, bao gồm trường Đảng tỉnh và trường Đảng tại chức thành trường Đảng tỉnh; giải thể Đảng đoàn uỷ ban nhân dân tỉnh, lập Đảng đoàn Hội đồng nhân dân tỉnh, lập Đảng đoàn ở các tổ chức quần chúng gồm Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Văn học - Nghệ thuật, Liên hiệp Công đoàn tỉnh. Năm 1978, giải thể Đảng bộ dân, chính, đảng và chuyển số chi bộ, Đảng bộ ở đây về trực thuộc các huyện và Thành ủy Nam Định; chuyển 5 đảng ủy ngành, khối về trực thuộc các huyện, Thành uỷ. Số lượng tổ chức đảng trực thuộc tỉnh giảm từ 25 xuống còn 19 đơn vị (15 huyện và 4 đảng ủy trực thuộc). Tổng số tổ chức cơ sở đảng năm 1976 là 1.631, năm 1980 giảm còn 1.553. Số đảng viên năm 1980 là 105.025 đồng chí.

    Năm 1980, thực hiện Chỉ thị số 83-CT/TW ngày 26-11-1979 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về phát thẻ đảng viên, đây là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong các tổ chức cơ sở đảng và toàn thể đảng viên, Tỉnh ủy đã chỉ đạo các đảng bộ trong toàn tỉnh tiến hành ba đợt phát thẻ Đảng ở 1.210 tổ chức cơ sở đảng cho 66.275 đảng viên. Các đơn vị làm tốt công tác này là: Huyện Vụ Bản đạt 98,3%; Hải Hậu 97,1%; Ý Yên 95,4%...

    Việc nâng cao chất lượng đảng viên được đẩy mạnh; phong trào giúp đỡ đảng viên trung bình được nhiều nơi thực hiện. Các đảng bộ huyện, thành phố tiến hành phân loại, xác định đảng viên trung bình, chỉ rõ thiếu sót và nêu phương hướng khắc phục đối với từng trường hợp. Phong trào có tác dụng tốt trong việc nâng cao chất lượng đảng viên và củng cố các chi bộ yếu kém trong toàn Đảng bộ. Hai năm 1975-1976, số đảng viên tích cực tăng 17,08%, đảng viên trung bình giảm 15,25%, đảng viên phải xem xét giảm còn 2,56%.

    Đi đôi với việc củng cố tổ chức cơ sở đảng, nâng cao chất lượng đảng viên, Đảng bộ tỉnh luôn quan tâm, chỉ đạo sát sao công tác kiểm tra, giữ gìn kỷ luật đảng. Tỉnh ủy đã ban hành các nghị quyết xác định rõ nhiệm vụ, chức năng và mối quan hệ của các tổ chức, ban, ngành; quy định lề lối làm việc của các đảng ủy, bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách; luôn luôn nắm vững và xuất phát từ thực tiễn, lấy phê bình và tự phê bình làm động lực thúc đẩy hoạt động của các tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thế.

    Tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 192-CT/TW và Thông tri số 22-TT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về việc đưa ra khỏi Đảng những người không đủ tư cách đảng viên, Tỉnh ủy đã chọn chỉ đạo làm điểm ở xã Trực Tuấn (Nam Ninh) để rút kinh nghiệm trong chỉ đạo chung, sau đó, triển khai tiếp ở 40 điểm làm thử (20 xã và 20 cơ quan, xí nghiệp). Đến tháng 3-1978, các điểm đã mở hội nghị đảng viên nghiên cứu quán triệt Thông tri số 22. Riêng Đảng bộ xã Trực Tuấn đã phân loại và xử lý một số trường hợp; trong số 114 đảng viên của Đảng bộ xã, số đảng viên đủ tư cách là 83 người, chiếm 72,9%; số đảng viên cần xem xét tư cách là 31 người, chiếm 27,1%; thi hành kỷ luật 12 đảng viên. Trong năm 1978, toàn tỉnh có 992 tổ chức cơ sở đảng có đảng viên cần phải xử lý, có 32,1% số cơ sở xử lý đảng viên, 58,4% cơ sở đang xử lý và 9,2% cơ sở chưa xử lý; số đảng viên bị xử lý là 3.704 người; trong đó đưa ra khỏi Đảng 1.694 đảng viên. Huyện Hải Hậu, huyện Nam Ninh là những đơn vị đi đầu trong công tác xử lý đảng viên sai phạm. Qua thực hiện Chỉ thị số 192 và Thông tri số 22 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, công tác xây dựng đảng có sự chuyển biến tích cực, nhận thức về vai trò của tổ chức cơ sở đảng, tính tiên phong gương mẫu của đảng viên nâng lên rõ rệt. Nhiều tổ chức đảng đã phát huy năng lực lãnh đạo trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị ở địa phương, đơn vị. Một số đảng bộ, chi bộ yếu kém có chuyển biến tốt. Số đảng viên trung bình và kém có tiến bộ rõ rệt.

    Công tác phát triển đảng có nhiều cố gắng. Sáu tháng đầu năm 1980, các huyện Hải Hậu, Nam Ninh, Nghĩa Hưng, Vụ Bản, Ý Yên, Xuân Thuỷ và Đảng ủy Nhà máy Liên hợp Dệt Nam Định mở 14 lớp bồi dưỡng đối tượng đảng cho 1.077 quần chúng ưu tú; kết nạp được 402 đảng viên mới.

(Còn nữa)



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com