[links()]
Sau 5 năm xây dựng đất nước thống nhất theo hướng sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa, bên cạnh những kết quả đạt được, cơ chế quản lý kinh tế tập trung, bao cấp đã bộc lộ ngày một rõ hơn những yếu kém trầm trọng. Mặt khác, do sự bao vây cấm vận của Mỹ và hai cuộc chiến tranh biên giới cùng thiên tai chi phối, nền kinh tế - xã hội của đất nước những năm đầu thập kỷ 80 gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt lạm phát năm 1981 lên tới 179%. Bước vào thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 1981-1985, trong bối cảnh chung của cả nước, Đảng bộ và nhân dân Hà Nam Ninh phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức: nông, công nghiệp chậm phát triển, chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của địa phương; lương thực, thực phẩm thiếu thốn; hàng hoá, vật tư khan hiếm... Trước tình hình đó, nhiều địa phương trong cả nước đã có những bước thử nghiệm, tìm tòi hướng đi mới. Đảng và Nhà nước đã từng bước có những chủ trương, biện pháp tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh sản xuất nhằm ổn định và cải thiện đời sống nhân dân.
Thực hiện chỉ đạo của Trung ương, ngày 19-2-1981, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ra Nghị quyết số 537-NQ/TU về việc thành lập Ban chỉ đạo bầu cử đại biểu Quốc hội khóa VII và Hội đồng nhân dân tỉnh do đồng chí Phạm Văn Bổng - Phó Bí thư Tỉnh ủy làm Trưởng ban. Kết quả bầu cử đại biểu Quốc hội ngày 26-4-1981: toàn tỉnh đã có 99,49% cử tri đi bầu cử, 26 đại biểu trúng cử. Kết quả bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh: có 99,5% cử tri đi bầu cử; 140 đại biểu trúng cử; trong đó: phụ nữ chiếm 22,4%, tuổi trẻ 15% có trình độ đại học và trên đại học 42,14%. Các cuộc bầu cử đều diễn ra an toàn, tiết kiệm, đúng luật và bảo đảm dân chủ. Kỳ họp thứ nhất Hội đồng nhân dân tỉnh khoá III đã tiến hành bầu các chức vụ lãnh đạo Uỷ ban nhân dân tỉnh nhiệm kỳ 1981-1985, đồng chí Trịnh Văn Thuật được bầu Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh.
Tiếp tục củng cố vai trò, chức năng của Hội đồng nhân dân tỉnh, ngày 6-6-1981, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ra Nghị quyết số 637-NQ/TU về việc thành lập Đảng đoàn Hội đồng nhân dân tỉnh khóa III. Nghị quyết chỉ rõ mục đích nhiệm vụ của Đảng đoàn là bằng công tác thuyết phục vận động quần chúng thực hiện đường lối, chính sách và các nghị quyết của Đảng, tăng cường ảnh hưởng của Đảng, tăng cường đoàn kết và mối liên hệ chặt chẽ giữa cán bộ, đảng viên và người ngoài Đảng, nghiên cứu đề nghị cấp ủy quyết định phương hướng, chủ trương công tác đối với tổ chức mà mình hoạt động. Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ định đồng chí Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh là Bí thư Đảng đoàn Hội đồng nhân dân.
Đi đôi với kiện toàn Hội đồng nhân dân, ủy ban nhân dân, Ban chỉ đạo 79 tiếp tục tham mưu cho Tỉnh ủy nghiên cứu đề xuất chủ trương, tổ chức chỉ đạo chống tiêu cực và sự phá hoại của địch trong Đảng, cơ quan nhà nước và xã hội; hướng dẫn, đôn đốc các cấp, các ngành, phối hợp tổ chức thực hiện tốt các nghị quyết, chủ trương của tỉnh và tiến hành tốt việc chống tiêu cực ở cấp, ngành mình. Ngày 4-4-1981, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ra Quyết định số 670-QĐ/TU kiện toàn Ban chỉ đạo 79 do đồng chí Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch uỷ ban nhân dân tỉnh làm Trưởng ban.
Để tăng cường xây dựng cấp huyện, ngày 9-11-1981, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ra Quyết định số 860-QĐ/TU kiện toàn Ban chỉ đạo xây dựng huyện và kiện toàn cấp huyện, do đồng chí Chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh làm Trưởng ban. Ban chỉ đạo xây dựng cấp huyện có nhiệm vụ giúp Thường vụ Tỉnh ủy và ủy ban nhân dân tỉnh nghiên cứu, chỉ đạo, kiểm tra về công tác xây dựng huyện và kiện toàn cấp huyện; chỉ đạo các ty, ban, ngành và các huyện, thành, thị trong việc thực hiện nhiệm vụ xây dựng cấp huyện; xác định mối quan hệ giữa ngành, tỉnh và huyện; nghiên cứu tổ chức lại ngành.
Năm 1982, thực hiện sự chỉ đạo của Trung ương về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ V của Đảng, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã tập trung chỉ đạo đại hội đảng các cấp. Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ III được tổ chức thành hai vòng. Từ ngày 8 đến ngày 16-1-1982, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ III (vòng 1) đã diễn ra tại thành phố Nam Định. Các đồng chí Song Hào, Nguyễn Lam thay mặt Trung ương về dự Đại hội. Đại hội đã tập trung trí tuệ, thảo luận, đóng góp ý kiến vào dự thảo văn kiện của Ban Chấp hành Trung ương Đảng và bầu 46 đại biểu chính thức, 5 đại biểu dự khuyết đi dự Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ V của Đảng.
Tháng 3-1982, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ V của Đảng diễn ra tại Thủ đô Hà Nội. Đại hội đã đánh giá những thành tựu cơ bản và chỉ ra những yếu kém, khuyết điểm của 5 năm thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ do Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV đề ra; đặt ra yêu cầu tổng kết thực tiễn để đi đến xoá bỏ cơ chế tập trung quan liêu bao cấp. Đại hội nêu lên hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; đưa ra quan điểm về chặng đường đầu tiên trong thời kỳ quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội; điều chỉnh lại quy mô, tốc độ của công nghiệp hoá xã hội chủ nghĩa, dồn sức cho những công trình trọng điểm mang lại hiệu quả thiết thực, đồng thời đầu tư mạnh cho nông nghiệp, xác định nông nghiệp là mặt trận hàng đầu
(còn nữa)