[links()]
(Tiếp theo)
Trong cuộc chiến tranh biên giới, hàng nghìn đoàn viên, thanh niên hăng hái xung phong lên đưòng chiến đấu, bảo vệ Tổ quốc, tích cực tham gia lực lượng dự bị động viên, dân quân tự vệ, luyện tập quân sự, góp phần xây dựng thế trận phòng thủ vững chắc. Nhiều đoàn viên, thanh niên Hà Nam Ninh đã hy sinh vì độc lập dân tộc, góp phần làm nên thắng lợi chung của cả nước, đánh bại quân xâm lược, giữ gìn toàn vẹn non sông đất nước. Đoàn Thanh niên còn tổ chức và thực hiện tốt phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, xây dựng quỹ “Vì người nghèo”, giúp đỡ các gia đình thương binh, liệt sĩ gặp khó khăn, các đối tượng chính sách, tổ chức các hoạt động văn nghệ, thể dục, thể thao cho thiếu niên, nhi đồng. Đoàn đã giới thiệu hàng nghìn đoàn viên ưu tú đi học các lớp bồi dưỡng đối tượng Đảng, nhiều đoàn viên ưu tú được kết nạp Đảng, trở thành đảng viên gương mẫu trong công tác ở các địa phương, đơn vị.
Chấp hành Chỉ thị số 78-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng và Chỉ thị số 06-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc tổ chức Hội Liên hiệp Nông dân Việt Nam, Ban Thường trực Hội Nông dân tập thể đã mở Hội nghị thành lập Hội Liên hiệp Nông dân tập thể tỉnh (ngày 10 và 11-4-1980). Sau hội nghị, Hội Nông dân các cấp đã nhanh chóng được thành lập và đi vào hoạt động. Hội đã chú trọng phát triển hội viên, xây dựng kế hoạch hoạt động cụ thể phối hợp với các cấp ủy đảng, chính quyền vận động nông dân thực hiện tổ chức lại sản xuất, cải tiến quản lý và xây dựng hợp tác xã nông nghiệp theo hướng tiến lên sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa, góp phần hoàn thành các nhiệm vụ kinh tế - xã hội của địa phương.
Trong giai đoạn 1975-1980, trong bối cảnh đất nước vừa có hoà bình, vừa có chiến tranh, tình hình chính trị xã hội cuối những năm 70 có nhiều diễn biến phức tạp tỉnh Hà Nam Ninh được hợp nhất, thực tế đó đặt ra cho Đảng bộ và nhân dân Hà Nam Ninh nhiều cơ hội và thách thức mới. Với bản lĩnh chính trị vững vàng, phát huy truyền thông cách mạng, Đảng bộ và nhân dân tỉnh Hà Nam Ninh đã vượt qua nhiều khó khăn và thử thách phấn đấu thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Đảng bộ tỉnh tập trung chỉ đạo tiếp tục khắc phục hậu quả chiến tranh, khôi phục và phát triển kinh tế. Hầu hết các xí nghiệp, cơ sở kinh tế được xây dựng lại, mở mang các ngành nghề, thu hút lao động, giải quyết việc làm cho người lao động. Nông nghiệp được tổ chức lại theo hướng tiến lên sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa. Các ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp được mở rộng, đặc biệt là khu vực quốc doanh. Cơ sở hạ tầng được xây dựng, nâng cấp, từng bước đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế; xây dựng cơ bản và quản lý đô thị có nhiều tiến bộ. Văn hoá, thông tin, giáo dục, y tế có chuyển biến tích cực; an ninh - quốc phòng được giữ vững. Khi chiến tranh biên giới phía Bắc xảy ra, Đảng bộ tỉnh đã nêu cao quyết tâm, kịp thời chuyển hướng chỉ đạo, tổ chức lãnh đạo nhân dân toàn tỉnh thực hiện hai nhiệm vụ: vừa xây dựng quê hương, vừa chủ động sẵn sàng chiến đấu; đồng thời chi viện sức người, sức của, góp phần cùng đồng bào biên giới và quân dân cả nước đập tan mưu đồ xâm lược của kẻ thù, bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia, tiếp tục đi lên chủ nghĩa xã hội.
Bên cạnh thành tựu đạt được, công cuộc xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh giai đoạn này còn bộc lộ nhiều hạn chế. Công tác quản lý kinh tế còn nhiều mặt yếu kém, các mục tiêu kinh tế - xã hội đặt ra chưa thực hiện được. Cuối thập niên 70, lạm phát và các biểu hiện tiêu cực xã hội gia tăng. Trình độ và năng lực của đội ngũ cán bộ còn hạn chế. Đời sống nhân dân khó khăn, vấn đề khan hiếm, thiếu lương thực chưa được giải quyết khiến cho nhân dân trăn trở, lo lắng. Trong khi đó, trình độ của cán bộ, đảng viên còn yếu, nhiều đảng viên thiếu gương mẫu, còn biểu hiện tư tương trung bình chủ nghĩa... Trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, Tỉnh ủy, ủy ban nhân dân tỉnh còn biểu hiện tư tương nóng vội, chủ quan, duy ý chí. Chính vì thế, đường lối, chủ trương, nghị quyết và các mục tiêu về kinh tế - xã hội đề ra chưa căn cứ vào tình hình thực tế, chưa tính hết khó khăn của thời kỳ hậu chiến, tính khả thi thấp nên thực tế thường không đạt được kế hoạch đề ra.
Mặc dù còn nhiều khó khăn, song những kết quả mà Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh đạt được từ năm 1975 đến 1980 là rất quan trọng, khẳng định sự nỗ lực, cố gắng của Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh, tạo cơ sở để Đảng bộ và nhân dân Hà Nam Ninh phấn đấu hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ chính trị trong giai đoạn cách mạng tiếp theo.