[links()]
(Tiếp theo)
Đi đôi với việc thực hiện tốt bầu cử đại biểu hội đồng nhân dân các cấp, bộ máy hành chính được sắp xếp kiện toàn theo hướng tinh giản, gọn nhẹ, có sự phân công chặt chẽ, quy định lề lối làm việc, thường xuyên duy trì các buổi tiếp dân, phát huy quyền làm chủ của nhân dân lao động; tiến hành tổ chức các tiểu khu ở thành phố Nam Định với quy mô một vạn dân. Tỉnh chỉ đạo các huyện lập quy hoạch cán bộ, đề bạt nhiều cán bộ vào các vị trí chủ chốt. Toàn tỉnh triển khai góp ý kiến cho dự thảo Hiến pháp mới đạt kết quả tốt.
Bên cạnh công tác xây dựng đảng, chính quyền, Tỉnh ủy còn chú trọng củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động của các đoàn thể nhân dân.
Mặt trận Tổ quốc các cấp đóng vai trò quan trọng trong việc đoàn kết toàn dân, tham mưu cho các cấp ủy đảng, chính quyền đề ra các biện pháp để tổ chức, động viên các tầng lớp nhân dân tham gia các phong trào, hành động cách mạng thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương. Tháng 12-1977, Mặt trận Tổ quốc tỉnh tổ chức Đại hội lần thứ nhất. Thông qua Đại hội, Mặt trận Tố quốc đã củng cố, kiện toàn tổ chức, cán bộ và xác định rõ nhiệm vụ trong giai đoạn cách mạng mới. Mặt trận Tổ quốc các cấp đã góp phần quan trọng vào việc thực hiện công tác vận động ngưòi Hoa năm 1978-1979; thường xuyên tổ chức các buổi tiếp dân, đi sâu đi sát cơ sở; lắng nghe và kịp thời phản ánh tâm tư, nguyện vọng của quần chúng với cấp ủy, chính quyền; tuyên truyền các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng về đại đoàn kết dân tộc. Tháng 9- 1978, ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh mở đợt sinh hoạt chính trị với chủ đề toàn dân bàn việc nước, mang lại hiệu quả thiết thực. Cơ cấu tổ chức của Mặt trận có nhiều thay đổi. Năm 1977, các huyện, thành, thị tiến hành đại hội. Thành lập ủy ban Mặt trận. Ngày 14-4-1978, Tỉnh ủy ra Chỉ thị số 01-CT/TU về việc thành lập các tổ Mặt trận trên địa bàn dân cư, trên cơ sở rút kinh nghiệm làm điểm ở hai xã Xuân Phương (Xuân Thủy), Nam Tiến (Nam Ninh), tạo điều kiện đẩy mạnh và đưa công tác mặt trận cơ sở đi vào hoạt động thiết thực hơn.
Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp luôn khẳng định vai trò, vị trí của mình trên các lĩnh vực của hoạt động xã hội. Bám sát sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, của Trung ương Hội Phụ nữ, đầu năm 1977, Hội Liên hiệp Phụ nữ cấp huyện và cơ sở tiến hành tổ chức đại hội. Tháng 6-1977, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh tổ chức Đại hội lần thứ nhất. Hội Phụ nữ các cấp đã vận động, tổ chức chị em tham gia các phong trào lao động sản xuất, làm thuỷ lợi, đẩy mạnh thâm canh tăng vụ, phát động phong trào thi đua “Người phụ nữ mới xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” gồm 4 nội dung: lao động, sản xuất và chấp hành chính sách; làm tốt công tác hậu phương quân đội; tham gia giữ gìn trật tự an toàn xã hội; tổ chức tốt cuộc sống gia đình, nuôi dạy con tốt; đoàn kết, học tập tiến bộ. Phong trào gửi tiền tiết kiệm, lập quỹ hỗ trợ sản xuất và giúp đỡ gia đình phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn đạt kết quả tốt. Cuộc vận động xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hoá mới phát triển rộng khắp. Năm 1977 có 253.077 chị em tham gia cuộc vận động; có 41.759 hộ hội viên ở nông thôn và 12.884 hộ hội viên là công nhân viên chức đăng ký phấn đấu xây dựng gia đình văn hoá mới. Xã Trực Thành (Nam Ninh) có trên 60% gia đình tự nguyện đăng ký; thành phố Nam Định có 180.000 hộ đăng ký, đạt 56%.
Liên đoàn lao động các cấp được kiện toàn, củng cố hoạt động, tập trung vào nhiệm vụ giáo dục, động viên cán bộ công nhân viên chức gương mẫu tham gia các phong trào cách mạng, tiêu biểu là phong trào “3 điểm cao”, “xây dựng tổ, đội lao động xã hội chủ nghĩa” đạt kết quả tốt. Các cấp công đoàn hưởng ứng tích cực hai cuộc vận động lớn: phát huy sáng kiến hợp lý hoá sản xuất, cải tiến kỹ thuật, cải tiến quản lý, cải tiến tổ chức; triệt để tiết kiệm vật tư, nguyên, nhiên liệu. Đã có hàng nghìn sáng kiến được áp dụng, làm lợi cho Nhà nước hàng trăm ngàn đồng. Năm 1979, có 151 cán bộ ở xí nghiệp đăng ký phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật, có 5.711 sáng kiến được áp dụng vào sản xuất. Nổi bật nhất là cán bộ, công nhân viên chức Nhà máy Liên hợp dệt Nam Định trong năm 1980 có 120 sáng kiến áp dụng vào sản xuất, làm lợi 736.864 đồng; tận dụng phế liệu sản xuất thêm 100 nghìn mét vải màn, 10 nghìn cốt chăn bông... Năm 1980, tỉnh đã tiến hành thành lập công đoàn các huyện; toàn tỉnh có 670 tổ chức công đoàn cơ sở với 136.239 đoàn viên. Thông qua hoạt động của các tổ chức công đoàn và dưới sự lãnh đạo của Đảng, giai cấp công nhân Hà Nam Ninh phát huy vai trò làm chủ tập thể, hăng hái thực hiện Điều lệ xí nghiệp quốc doanh, tham gia đấu tranh chống tiêu cực, bảo vệ tài sản xã hội chủ nghĩa.
Tổ chức Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh luôn phát huy vai trò xung kích trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tháng 5-1977, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tỉnh Hà Nam Ninh tổ chức Đại hội lần thứ nhất. Thông qua Đại hội, Đoàn Thanh niên đã củng cố kiện toàn tổ chức, đánh giá tình hình hoạt động và xác định rõ nhiệm vụ trong giai đoạn cách mạng mới. Đoàn Thanh niên phát động nhiều phong trào như: “Ba xung kích làm chủ tập thể”, “Phất cao cờ Đoàn, lập công dâng Đảng”. Nhiều cơ sở đoàn đã xung phong đảm nhận các công việc khó khăn, phát huy sáng kiến, tích cực đưa khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao năng suất lao động. Hàng nghìn đoàn viên thi đua lập thành tích cao nhất, đăng ký vượt ngày công, vượt định mức lao động của hợp tác xã. Phát huy truyền thống cách mạng, tuổi trẻ Hà Nam Ninh hăng hái tham gia vào hàng trăm công trình có ý nghĩa thiết thực, tình nguyện xây dựng vùng kinh tế mới ở Tây Nguyên và Hoàng Liên Sơn, tiến hành khai hoang lấn biển. Từ trong sản xuất, xây dựng quê hương, xuất hiện nhiều tổ chức đoàn tiên tiến, điển hình như: Huyện đoàn Nam Ninh, Huyện đoàn Hải Hậu, Thành đoàn Nam Định.
(Còn nữa)