Khôi phục và phát triển KT-XH giai đoạn 1976-1980, tăng cường công tác quốc phòng - an ninh, góp phần bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa - Kỳ 5

05:04, 28/04/2016

[links()]

(Tiếp theo)

    Để “Chiến dịch Hà Nam Ninh” tiếp tục được triển khai thực hiện có hiệu quả, Tỉnh ủy phát động nhiều phong trào thi đua sôi nổi như “Đồng khởi thi đua xã hội chủ nghĩa tiến quân mạnh mẽ vào chiến dịch Hà Nam Ninh đợt 2”; phát động “Cuộc tiến công 25 ngày đêm giành vụ mùa, vụ đông toàn thắng” trong “Chiến dịch Hà Nam Ninh” đợt 3, phấn đấu đạt 94 vạn tấn lương thực trong năm 1977, một triệu tấn lương thực trong năm 1978... Qua ba đợt phát động, năm 1978, Tỉnh ủy mở Hội nghị Sơ kết “Chiến dịch Hà Nam Ninh”, đánh giá kết quả đạt được trên mặt trận sản xuất nông nghiệp.

    Năm 1978, do ảnh hưởng thời tiết khắc nghiệt, bão lũ sản xuất nông nghiệp bị thiệt hại nghiêm trọng. Vụ chiêm xuân năm 1978, rét đậm kéo dài làm chết hàng vạn hécta mạ mới gieo, vụ mùa năm 1978, mưa lớn gây úng lụt nhiều địa phương, làm mất trắng 16% diện tích lúa, làm hư hại hàng vạn hécta lúa và hoa màu, nhiều nơi, tính mạng và tài sản nhân dân bị đe doạ. Trước tình hình đó, Đảng bộ lãnh đạo nhân dân khẩn trương khôi phục sản xuất nông nghiệp, đẩy mạnh thâm canh, chuyên canh tăng vụ và mở rộng diện tích canh tác, phát huy khả năng đến mức cao nhất để khắc phục thiệt hại do thiên tai gây ra, bảo vệ tài sản và tính mạng của nhân dân. Tỉnh chỉ đạo các huyện tăng cường đầu tư phân bón, thuốc trừ sâu, cử cán bộ kỹ thuật xuống cơ sở, hướng dẫn bà con xã viên kỹ thuật chăm bón giống lúa mới, mang lại năng suất cao. Ba năm 1976-1978 diện tích gieo trồng tăng 8,6%/năm so với ba năm 1973-1975. Qua các phong trào thi đua sản xuất, nhiều điển hình mới xuất hiện như huyện Hải Hậu, Xuân Thủy, Nam Ninh, năng suất lúa cả năm đạt gần 7 tấn/ha; hợp tác xã Xuân Tiến (Xuân Thuỷ) đạt trên 10 tấn/ha; hợp tác xã Giao An (Xuân Thuỷ) đạt 7,4 tấn/ha; hợp tác xã Hải Quang Hải Bắc (Hải Hậu) duy trì năng suất 5,5-5,9 tấn/ha và hàng trăm hợp tác xã đạt năng suất 5 tấn/ha.

    Đi đôi với phát triển nông nghiệp, ngành công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp từng bước phát triển, đảm bảo cung cấp một số mặt hàng thiết yếu phục vụ đời sống nhân dân và phát triển kinh tế - xã hội ở các địa phương.

    Để tiếp tục phát huy những thành quả đạt được trong “Chiến dịch Hà Nam Ninh”, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, ngày 12-12-1978, Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ra Nghị quyết số 18-NQ/TU phát động “Chiến dịch Trần Hưng Đạo”. Chiến dịch được triển khai trong hai năm 1979-1980, động viên toàn Đảng bộ, nhân dân và lực lượng vũ trang trong tỉnh trên cơ sở quán triệt sâu sắc, nhận thức đầy đủ tình hình, nhiệm vụ của đất nước, của địa phương, nêu cao tính tự lực, tự cường, phát huy mọi khả năng về lao động, đất đai, cơ sở vật chất kỹ thuật, tập trung giải quyết tốt vấn đề lương thực và thực phẩm, ra sức phát triển hàng tiêu dùng, nguyên liệu cho công nghiệp và các mặt hàng xuất khẩu...; phát động một cao trào sản xuất và sẵn sàng chiến đấu, xây dựng, phát triển kinh tế, văn hóa, bảo vệ vững chắc địa phương, phấn đấu hoàn thành thắng lợi các chỉ tiêu kế hoạch Nhà nước 5 năm lần thứ hai, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ IV của Đảng.

    Thực hiện các mục tiêu của chiến dịch, nhân dân trong tỉnh đã hăng hái thi đua sản xuất. Sáu tháng đầu năm 1980, tuy thời tiết diễn biến phức tạp, trên 4 vạn hécta đất trồng trọt thiếu nước nhưng sản xuất vụ đông năm 1979- 1980 đã trở thành vụ chính. Cây hoa màu và cây công nghiệp được tỉnh chú trọng chỉ đạo phát triển, toàn tỉnh trồng được 34.573 ha cây hoa màu, tăng 2 lần so với năm 1976 và tăng 1,5% so với năm 1978; trong đó có 15.106 ha khoai tây, 10.793 ha khoai lang; tổng sản lượng hoa màu đạt 15 vạn tấn. Các hợp tác xã trồng cây vụ đông đạt 50- 70% diện tích canh tác là Yên Nhân (Ý Yên); Liên Minh, Thành Lợi (Vụ Bản). Bước đầu hình thành hai hợp tác xã vành đai trồng rau quanh thành phố Nam Định. Tuy nhiên, cây công nghiệp chưa được quan tâm đầu tư đúng mức nên diện tích, năng suất bị sụt giảm. Năm 1979 so với năm 1978, diện tích lạc giảm 3,9%, năng suất giảm 2,9%, sản lượng giảm 4,9%; diện tích mía đạt 100,4%, năng suất giảm 2,9%, sản lượng giảm 2,4%. Vụ chiêm xuân năm 1980, tổng sản lượng màu quy thóc vẫn đạt mức trung bình so với các năm. Một số huyện vẫn giữ được truyền thống thâm canh tăng năng suất đạt 3 tấn/ha/vụ như Hải Hậu. Những cố gắng và kết quả trong sản xuất nông nghiệp đã góp phần thiết thực giải quyết khó khăn về lương thực của nhân dân trong tỉnh.

    Phong trào trồng cây trong nhân dân tiếp tục phát triển. Năm 1979, toàn tỉnh trồng 19 triệu cây, đạt 72,8% kế hoạch năm. Phong trào trồng tre ven biển, trồng cây làm nguyên liệu cho công nghiệp và hàng xuất khẩu vẫn được duy trì. Nhiều nơi đã xây dựng vườn cây ăn quả, vườn cây Bác Hồ. Các huyện làm tốt phong trào trồng cây là huyện Xuân Thủy, Hải Hậu.

    Sau khi triển khai thực hiện cuộc vận động tổ chức lại sản xuất, cải tiến quản lý nông nghiệp, cải tiến quy mô hợp tác xã theo hướng sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa, các huyện đã tiến hành hợp nhất các hợp tác xã; số hợp tác xã toàn xã, hợp tác xã liên thôn tăng lên đáng kể. Tuy nhiên, do quy mô hợp tác xã quá lớn so với khả năng quản lý, trình độ kỹ thuật, nhiều mục tiêu đề ra không thể thực hiện được, sản xuất kém hiệu quả. Do vậy, từ năm 1979, Tỉnh ủy chỉ đạo cải tiến lại hợp tác xã, những hợp tác xã quá lớn sẽ chia tách và chỉ đạo làm điểm ở hợp tác xã Đồng Sơn (Nam Ninh). Đây là hợp tác xã quy mô lớn trên 1.000 ha, được chia thành 3 hợp tác xã. Các hợp tác xã đã tiến hành đại hội xã viên, kiện toàn ban quản trị. Song quá trình tổ chức lại quy mô hợp tác xã diễn ra chậm. Nguyên nhân do trình độ quản lý của cán bộ yếu kém, một số có tư tương chần chừ, ngại khó khăn, không muốn thay đổi.

(Còn nữa)



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com