Khôi phục và phát triển kinh tế, văn hoá (1973-1975) – Kỳ 1

05:03, 10/03/2016

[links()]

    Hiệp định Pari được ký kết, cùng với miền Bắc, Nam Hà thực sự bước vào thời kỳ mới, từ phân tán trở về tập trung, từ chiến tranh chuyển sang hòa bình. Nhiệm vụ to lớn và cấp thiết của tỉnh là nhanh chóng khắc phục hậu quả chiến tranh, khôi phục kinh tế, phát triển văn hóa.

    Căn cứ vào sự chỉ đạo của Bộ Chính trị về nhiệm vụ khôi phục và phát triển kinh tế ba năm 1973-1975 và Nghị quyết Hội nghị lần thứ 22 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Tỉnh ủy tập trung chỉ đạo khắc phục hậu quả chiến tranh, khôi phục và phát triển kinh tế, văn hóa.

Nhân dân trong tỉnh, nhất là nhân dân các khu phố nội thành đã khẩn trương thu dọn, san lấp hố bom, làm vệ sinh, sửa chữa và làm mới 140 gian nhà, tu sửa 338 phòng học để đủ chỗ học cho 17.920 học sinh. Các công ty xây lắp của tỉnh khẩn trương hoàn thành 17.942m2 nhà tạm, 450m2 công trình phụ và khu tập thể Phù Nghĩa để số đông gia đình công nhân kịp đón Tết. Nhân dân các huyện Nghĩa Hưng, Ý Yên và một số nơi khác đã góp nguyên vật liệu, nhân công, giúp nhân dân thành phố Nam Định xây dựng 3.818m2 nhà tạm, tạo điều kiện cho đồng bào sớm ổn định cuộc sống.

    Ngày 2 -1- 1973, Tỉnh ủy phát động đợt toàn dân tham gia thực hiện chính sách hậu phương quân đội; kiểm tra phát hiện và giải quyết 3.374 trưòng hợp thực hiện chính sách chưa chu đáo, đưa 122 thương binh còn đủ điều kiện vào học các trường trung học và đại học, 203 đồng chí vào cơ quan và xí nghiệp; 244 đồng chí về cơ sở công tác và làm nghề thích hợp để bảo đảm cuộc sống lâu dài. Các huyện Xuân Thủy, Hải Hậu, Nghĩa Hưng, Nam Ninh... thực hiện từng bước điều hoà lương thực, thực phẩm. Các bệnh viện đã tổ chức khám và chữa bệnh cho anh em thương, bệnh binh, gia đình bộ đội. Nhiều trường học phân công giáo viên kèm cặp, bồi dưỡng kiến thức cho con em liệt sĩ, thương binh, tạo điều kiện để học sinh thi đậu vào các trường trung học, đại học. Các xã viên phấn đấu cấy xong lúa xuân vào dịp Tết và hàng chục vạn người (trong đó huyện Nam Ninh có 35.026 người) đã tham gia làm thủy lợi từ ngày mồng 2 Tết, đào đắp được 20.539m3 đất. Hầu hết các xí nghiệp trở lại làm việc ba ca. Nhà máy Liên hợp dệt Nam Định cho chạy 420/570 máy, Nhà máy tơ 82/102 máy. Ngành giao thông vận tải đã làm mới cầu phao, sửa chữa cầu treo qua sông Đào, vận chuyển nhiều mặt hàng chủ yếu như muối tăng 8 lần đến 73 lần...

    Để kịp thời vạch ra phương hướng phát triển nông nghiệp ba năm 1973-1975 và bàn nhiệm vụ khôi phục kinh tế - xã hội trong năm 1973, từ ngày 22 đến ngày 25-1, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã họp Hội nghị lần thứ sáu (khoá II) quyết định các yêu cầu sau cho ba năm:

    Hình thành vùng sản xuất chuyên canh, bước đầu thực hiện thâm canh tăng năng suất lúa, tăng trọng lượng lợn; phấn đấu tăng sản lượng hàng hóa cây công nghiệp và đưa chăn nuôi từng bước lên thành ngành chính.

    Hình thành hệ thống kỹ thuật, phấn đấu đạt một số công trình then chốt (thủy lợi, giống, phân bón, cải tạo đất, công cụ, năng lực cơ khí sửa chữa, mạng lưới giao thông và cung ứng vật tư, tư liệu sản xuất).

    Xây dựng cấp huyện và tăng cường củng cố cơ sở hợp tác xã nông nghiệp tạo độ đồng đều giữa các vùng, giữa các huyện, giữa các hợp tác xã, giữa các đội sản xuất và từng cánh đồng; đảm bảo đủ số cán bộ tối thiểu cho cơ sở; hình thành hệ thống quản lý, bước đầu thực hiện hạch toán kinh tế từ cơ sở.

    Muốn đạt được các chỉ tiêu kể trên, địa phương phải hết sức chú trọng việc xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật và trang bị công cụ. Đối với trồng trọt thì tập trung hoàn thiện một bước về thủy nông, hệ thống giống, phân bón, cải tạo đất. Đối với chăn nuôi tập trung vào thức ăn và giống, cần tập trung vào năm khâu (làm đất, tưới nước, vận chuyển, thu hoạch chế biến) và thực hiện cơ giới hoá từng khâu.

    Mặt khác, địa phương phải hết sức chú trọng tăng cường đào tạo, bồi dưỡng cán bộ sao cho ba năm tới mỗi hợp tác xã có đủ bốn cán bộ trung cấp (trồng trọt, chăn nuôi, kế toán tài vụ, quản lý), hai sơ cấp (kế hoạch, thống kê) và mỗi đội sản xuất có hai cán bộ sơ cấp dự bị đội trưởng, đội phó. Các cán bộ lãnh đạo cơ sở (chủ tịch, bí thư, chủ nhiệm, phó chủ nhiệm) được bồi dưỡng có trình độ trung cấp còn đội trưởng đội phó có trình độ sơ cấp. Tất cả huyện ủy viên được bồi dưỡng trình độ trung cấp quản lý và kỹ thuật.

    Song song với hai mặt công tác kể trên là phải hình thành hệ thống quản lý từ tỉnh đến cơ sở hợp tác xã, nông trường trạm trại đi đôi với chính sách khuyến khích sản xuất.

(Còn nữa)

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com