Nét độc đáo trong lễ hội truyền thống làng Vị Khê (Nam Trực) và làng La Xuyên (Ý Yên) diễn ra vào dịp đầu xuân mới được cộng đồng cư dân trao truyền và bảo tồn qua các thế hệ là tục “hiến xảo”, dâng lên vị tổ nghề những sản phẩm truyền thống tinh xảo nhất. Một truyền thống được nâng niu, tiếp nối là “chìa khoá” đem lại cho đất và người dân các làng nghề Vị Khê, La Xuyên sức sống mới hôm nay.
Ông Ninh Văn Chiêu, là một trong những nghệ nhân của làng La Xuyên được phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân làng nghề Việt Nam” năm 2014. Hơn 50 năm gắn bó với nghề truyền thống, ông Chiêu được mệnh danh là “người thổi hồn vào gỗ”. Tại đình làng La Xuyên, ông và những nghệ nhân trong làng đang hoàn thiện những sản phẩm gỗ từ bàn tay tài hoa và chuẩn bị cho lễ hội Xuân Ất Mùi 2015. Ở tuổi 65, nhưng cánh tay vẫn chắc nịch, rắn rỏi, vừa thanh thoát chạm đục tượng, ông kể cho chúng tôi về ý nghĩa tục “hiến xảo” của làng La Xuyên đã trường tồn gần 1.000 năm. Ánh niềm vui từ đôi mắt, ông Chiêu ngâm đôi câu thơ đã trở thành “thương hiệu” mỗi khi nhắc về truyền thống văn hóa làng La Xuyên: “Giai nhân con cháu Cái Nành/ Dẫu không khoa bảng cũng thành nghệ nhân”.
Xưa kia, Cái Nành là tên gọi cũ của La Xuyên. Người thợ Cái Nành xưa, La Xuyên ngày nay dường như đã quen với tiếng chàng, tiếng đục từ khi mới sinh ra, bởi vậy nghề chạm gỗ như đã gắn liền với máu thịt của họ. Lễ hội làng La Xuyên được tổ chức vào tháng ba âm lịch hằng năm không chỉ là dịp vui xuân, thưởng thức các trò chơi dân gian mà còn là cơ hội để những người con xa quê hương hòa mình vào những nét thuần phong mỹ tục quê hương, thể hiện truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”. Đặc biệt, trong lễ hội dân gian, làng thường tổ chức các cuộc thi trình diễn các sản phẩm gỗ làm từ chính những người thợ trong làng. Cuộc thi không chỉ là dịp để những người thợ trao đổi, học tập kinh nghiệm của nhau mà còn là dịp quảng bá sản phẩm của làng nghề truyền thống. Ông Chiêu cho biết: Đình La Xuyên được Nhà nước xếp hạng thờ tướng quân Ninh Hữu Hưng là ông tổ đã truyền nghề chạm khắc gỗ cho dân làng. Ông là một thợ mộc giỏi nổi tiếng, từng giúp Vua Đinh Tiên Hoàng, Vua Lê Đại Hành xây dựng cung điện Hoa Lư. Về sau ông được Vua Lê Đại Hành phong chức: “Lục phủ công tượng giám sát đại tướng quân”. Từ nơi đây đã có nhiều nghệ nhân thành tài đi xây dựng cố đô Hoa Lư, kinh đô Thăng Long, kinh thành Huế và nhiều đình, đền, chùa, miếu, lăng, phủ ở mọi miền đất nước. Các sản phẩm thủ công chạm khắc gỗ - nghề truyền thống ở La Xuyên không chỉ đơn thuần là sản phẩm tiêu dùng, phục vụ đời sống dân sinh, mà còn là những sản phẩm có tính văn hoá. Bởi lẽ, các sản phẩm đó là kết quả từ quá trình lao động, sáng tạo mang đậm dấu ấn tinh hoa của đất và người La Xuyên từ bao đời nay. Người thợ làng La Xuyên không ngừng vươn lên, học hỏi để tiếp cận những mẫu mã cải tiến, đáp ứng nhu cầu thẩm mỹ của lối sống hiện đại. Chính vì vậy sản phẩm của những người thợ làng La Xuyên đã chu du khắp thiên hạ, từ Bắc tới Nam, có mặt tại các quốc gia khác như: Thái Lan, Lào rồi cả Anh và Pháp.
Nghệ nhân Bùi Văn Hinh, làng La Xuyên chuyên sản xuất và cung ứng các sản phẩm gỗ ra thị trường trong nước và các nước Trung Quốc, Thái Lan, Nhật Bản, Tây Ban Nha, Hàn Quốc. |
Lễ hội làng Vị Khê mở vào ngày rằm tháng giêng hằng năm để tưởng nhớ, tôn vinh công lao của ông tổ nghề Tô Trung Tự, là người đã truyền dạy nghề trồng hoa, cây cảnh cho dân địa phương làm kế sinh nghiệp. Ông Nguyễn Văn Chiến, Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh Vị Khê, người được phong danh hiệu “Nghệ nhân làng nghề Việt Nam” năm 2012 cho biết: Năm 938, một vị tướng của Ngô Quyền tên là Nguyễn Công Thành sau khi dẹp xong giặc, đã về nơi đây lập ấp dựng làng; ông đặt tên cho vùng đất này là Nguyễn Gia Trang, tức là trang ấp của họ Nguyễn. Sau khi ông mất, để tỏ lòng biết ơn người có công dựng làng lập ấp, người dân đã lập đền thờ và tôn ông là Thành Hoàng làng. Năm 1211, quan Thái úy phụ chính của triều Lý là Tô Trung Tự được cử về trấn ải Sơn Nam và cho xây dựng thành, hào ở đây lấy tên là Bảo Bình Giã. Thấy nơi đây đất đẹp, dân cư chịu khó và thuần phác ông đã truyền nghề trồng hoa, cây cảnh cho người dân làm kế sinh nhai. Sau khi ông mất, để tỏ lòng biết ơn công lao của ông, dân làng đã tôn ông là ông tổ nghề trồng hoa, cây cảnh và lập đền thờ phụng.
Khách thập phương đến thăm và dự lễ hội truyền thống làng Vị Khê, chứng kiến nét độc đáo từ những trò chơi dân gian đậm đà bản sắc dân tộc, được “mục sở thị” các nghệ nhân trong làng trình diễn nghệ thuật tạo dáng cây thế và các sản phẩm cây cảnh, tiếp xúc với nếp sống, nếp nghĩ của người dân nơi đây sẽ có được những cảm xúc, ấn tượng riêng cho mình. Trong lễ hội làng Vị Khê, nét văn hóa mang tính nhân văn được dân làng gìn giữ đó là nghi thức rước hoa, cây cảnh (còn gọi là tục hiến xảo) tiêu biểu của 5 xóm (Minh Khai, Trần Phú, Lê Thăng, Hoàng Văn Thụ, Hoàng Ngân) về đình làng, dâng hương tri ân Thành Hoàng làng Nguyễn Công Thành và ông tổ làng nghề Tô Trung Tự. Phần hội diễn ra các trò chơi dân gian như cờ người, cờ tướng, tổ tôm điếm, chọi gà, chọi chim. Đặc biệt, lễ hội mang tính đặc trưng riêng của làng nghề trồng hoa, cây cảnh Vị Khê, thu hút du khách là cuộc thi giữa các nghệ nhân đại diện cho 5 xóm trong làng cử ra những người có tay nghề xuất sắc nhất trình diễn nghệ thuật tạo thế cây cảnh, thi hoa cây cảnh, bình chọn ra những tác phẩm đẹp nhất, tiêu biểu nhất trong các lĩnh vực khác nhau “chim, cá, đá, hoa, cây thế…” để suy tôn và trao giải thưởng. Ông Nguyễn Văn Chiến cho biết: Ngày trước, các sản phẩm được chọn trong tục “hiến xảo” là các loại hoa tao nhã, mang ý nghĩa nhân sinh quan sâu sắc như: Trà my, Hải đường, hoa Mộc hương, Đỗ quyên, Địa lan. Còn đối với các sản phẩm cây thế, cây cảnh mà người dân trong làng trồng không phải là để bán, trong ngày hội làng, các nhà có điều kiện thường chọn những cây cảnh được trồng lâu năm dâng lên thần Thành Hoàng làng và vị tổ nghề. Thông qua sản phẩm cây “hiến xảo” có thể thấy rõ truyền thống gia phong của gia đình ấy. Như với thế cây Trực, gia đình nào phải là gia đình có cách sống trung trực, có trước có sau với làng xóm láng giềng. Bộ tứ quý là cầu mong cuộc sống 4 mùa đều no ấm đầy đủ. Bộ Ngũ phúc khẳng định gia đình có phúc hậu, có đức độ và con cháu đề huề. Bộ Huynh đệ đồng khoa là gia đình có nhiều người đỗ đạt công vinh hiển hách. Bộ Tam đa biểu hiện cả dòng họ cùng đoàn kết, đùm bọc lẫn nhau để xây dựng cuộc sống ấm no. Những thế cây đó còn là những bài học để các cụ răn dạy con cháu ăn ở có lễ nghĩa, chuyên cần học tập và vươn tới một cuộc sống no đủ, hạnh phúc. Trong nhịp sống mới hôm nay, người dân làng nghề La Xuyên, Vị Khê phát huy tiềm năng và thế mạnh nghề tổ truyền, trở thành “điểm sáng” trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng NTM. Làng La Xuyên có hơn 1.000 hộ dân đều theo nghề tổ truyền; có hàng chục doanh nghiệp, cơ sở chạm khắc gỗ, tạo việc làm cho hơn 2.000 lao động, thu nhập bình quân từ 3,5 đến 5 triệu đồng/người/tháng. Làng Vị Khê hôm nay gồm 5 xóm, 600 hộ dân, với hơn 2.600 khẩu. Làng có hơn 150ha chuyên trồng hoa, cây cảnh, trong đó, có hơn 100ha trồng cây trang trí (cỏ Nhật, các loại hoa, cây bóng mát) và gần 50ha trồng cây cảnh nghệ thuật. 70% gia đình khá, giàu, hệ thống điện, đường, trường, trạm, nhà văn hoá được quy hoạch, xây dựng khang trang, đồng bộ tạo điều kiện cho người dân nâng cao tri thức và đời sống văn hoá, tinh thần, tạo nên hiệu quả thiết thực trong phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”.
Làng hoa, cây cảnh Vị Khê và làng nghề gỗ mỹ nghệ La Xuyên là hai đơn vị duy nhất của tỉnh ta được vinh danh “Làng nghề tiêu biểu Việt Nam”. Trong số 12 nghệ nhân của tỉnh được phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân làng nghề Việt Nam” thì làng La Xuyên và Vị Khê có 8 người được vinh danh. Các nghệ nhân làng nghề ở La Xuyên, Vị Khê đã phát huy nét tài hoa, độc đáo của cha ông, tạo ra những sản phẩm độc đáo có giá trị nghệ thuật. Họ không chỉ là “báu vật nhân văn sống”, lưu giữ tinh hoa văn hoá làng nghề quê hương mà còn là người “giữ lửa” và truyền dạy cho các thế hệ sau, góp phần bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hoá dân tộc./.
Bài và ảnh: Lê Việt Thắng